Tổng thống Biden đến châu Âu giữa cơn khủng hoảng

Khánh An
Khánh An
24/03/2022 07:20 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden công du châu Âu nhằm phối hợp cùng các thành viên khác trong NATO nỗ lực giải quyết khủng hoảng tại Ukraine.

Hôm nay (24.3), Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cách đây tròn 1 tháng. Tại Bỉ, ông sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh bất thường của NATO, gặp gỡ lãnh đạo các nước G7 và phát biểu tại cuộc họp Hội đồng châu Âu. Sau đó, ông sẽ đến Ba Lan nhằm trấn an quốc gia láng giềng của Ukraine. Giới quan sát nhận định đây sẽ là chuyến công du đầy thách thức của ông chủ Nhà Trắng khi vừa ủng hộ Ukraine, tìm hướng giải quyết xung đột Nga - Ukraine, vừa tránh để khủng hoảng leo thang.

Tổng thống Biden lên chiếc Không lực Một tại căn cứ Andrews ở bang Maryland hôm 11.3

Reuters

Thông điệp mạnh mẽ

Theo AFP dẫn lời Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, trong chuyến công du, Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ công bố các lệnh cấm vận mới đối với Nga và những biện pháp mới nhằm siết chặt hơn nữa các lệnh cấm vận đang áp dụng. Các bên cũng sẽ thảo luận về những điều chỉnh dài hạn về bố trí lực lượng của NATO và sự chuẩn bị đối phó trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, tổng thống Mỹ sẽ công bố “hành động chung” nhằm tăng cường an ninh năng lượng tại châu Âu vốn lệ thuộc khá nhiều vào khí đốt từ Nga.

Mỹ đánh giá năng lực chiến đấu của Nga ở Ukraine ra sao?

“Ông ấy sẽ có cơ hội điều phối về giai đoạn tiếp theo trong hỗ trợ quân sự đối với Ukraine”, ông Sullivan cho biết thêm. Tổng thống Biden dự định thông báo việc Mỹ đóng góp thêm nhằm hỗ trợ nhân đạo đối với người tị nạn và người dân đang ở Ukraine. Theo ông Sullivan, chuyến công du của tổng thống Mỹ “nhằm đảm bảo rằng chúng tôi vẫn đoàn kết, củng cố quyết tâm chung và gửi thông điệp mạnh mẽ rằng chúng tôi sẵn sàng và cam kết về điều này vào mọi lúc”.

Trong khi đó, NATO mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại cuộc họp thượng đỉnh. Phát ngôn viên Sergii Nykyforov của ông Zelensky cho hay nhà lãnh đạo Ukraine sẽ kêu gọi chấm dứt hành động của Nga, có thể theo nhiều cách như đóng cửa không phận, cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không mạnh mẽ. Song song đó, ông dự định sẽ cam kết rằng Ukraine không gia nhập NATO nhằm thúc đẩy thỏa thuận hòa bình với Nga, theo tờNew York Post.

NATO rà soát lại chiến lược đối phó Nga

Hậu thuẫn Ukraine, tránh leo thang

Theo tờ USA Today dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cuộc họp thượng đỉnh sẽ thể hiện sự đoàn kết của liên minh, sự ủng hộ đối với Ukraine và sự sẵn sàng bảo vệ mọi thành viên NATO. Ông cho rằng việc nhấn mạnh về sự đoàn kết nội khối còn gửi một thông điệp rằng “chúng tôi đang đề phòng sự leo thang xung đột thành cuộc chiến chính thức giữa NATO với Nga”. Nhiều quan chức Mỹ và an ninh quốc tế cho rằng cuộc họp có thể thảo luận khả năng điều lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine cũng như cơ hội hòa đàm Nga - Ukraine.

Giới chuyên môn nhận định chuyến công du của Tổng thống Biden đến châu Âu sẽ giúp nhấn mạnh tác động của sự đoàn kết trong NATO đối với tình hình tại Ukraine. “Đến nay, họ đã đạt được sự cân bằng giữa hỗ trợ Ukraine và không cho Nga có cơ hội leo thang, dự báo điều đó sẽ tiếp diễn”, theo Đài Global News dẫn lời chuyên gia Timothy Andrew Sayle, Giám đốc Chương trình quan hệ quốc tế tại Đại học Toronto (Canada).

Tuy nhiên, đây cũng là phép thử cho sự đoàn kết của NATO, khi một số thành viên gần Ukraine là Ba Lan muốn liên minh này có quan điểm cứng rắn hơn. Ba Lan cho biết sẽ nêu đề xuất đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, còn Estonia đã thông qua nghị quyết của nước này ủng hộ lệnh cấm bay ở Ukraine mà Kyiv luôn kêu gọi. Giới phân tích dự báo Tổng thống Biden và Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ không ủng hộ những đề xuất này. Trong khi đó, giới quan sát cho rằng thời gian đang cạn dần đối với người dân Ukraine nên phương Tây cần có thêm hành động. “Vấn đề đoàn kết của NATO không ngăn được Nga đưa quân đến Ukraine”, theo Giáo sư Andres Kasekamp tại Đại học Toronto.

Xem nhanh: Chiến sự Nga-Ukraine có gì trong ngày thứ 28?

Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn lời ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cáo buộc Mỹ muốn làm bẽ mặt, phân hóa và sau cùng là hủy hoại Nga, đồng thời tuyên bố rằng “Nga sẽ không bao giờ cho phép diễn biến như thế”, vì sẽ có thể gây thảm họa cho thế giới.

Phương Tây tính loại Nga khỏi G20 ?

Reuters ngày 23.3 đưa tin Mỹ và các đồng minh phương Tây đang xem xét khả năng loại Nga khỏi nhóm các nền kinh tế lớn G20 vì chiến dịch quân sự tại Ukraine. Cùng ngày, Đại sứ Lyudmila Vorobieva của Nga tại Indonesia (nước đang là chủ tịch luân phiên của G20) cho rằng G20 là một diễn đàn thảo luận các vấn đề kinh tế chứ không phải cho cuộc khủng hoảng như Ukraine. Bà Vorobieva nói việc loại Nga sẽ không giúp giải quyết các vấn đề kinh tế mà ngược lại sẽ khiến việc đó trở nên khó khăn hơn. Giới quan sát nhận định nỗ lực loại Nga khỏi G20 sẽ bị các nền kinh tế thành viên phủ quyết. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm qua nói G20 là diễn đàn chính của hợp tác kinh tế quốc tế và Nga là thành viên quan trọng, đồng thời khẳng định không thành viên nào có quyền khai trừ thành viên khác. Mặt khác, Đại sứ Vorobieva cho biết Tổng thống Vladimir Putin có ý định dự hội nghị cấp cao G20 tại Bali (Indonesia) vào tháng 11.

Bảo Vinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.