Tổng thanh tra Chính phủ: Để tham nhũng rồi xử lý thì rất đau lòng

09/11/2017 17:36 GMT+7

Ông Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ, đã bày tỏ quan điểm khi thảo luận tại tổ về dự án luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 9.11.

Ông Khái cho biết, tinh thần dự thảo luật sửa đổi lần này là tập trung vào các quy định phòng hơn chống, thiết lập một khuôn khổ để ngăn ngừa ngay từ ban đầu. “Luật phải làm sao để người có ý đồ tham nhũng không thể tham nhũng được, còn để phát hiện rồi xử lý hết sức đau lòng. Chúng ta vừa mất cán bộ, họ vừa rơi vào tù tội. Về lý thì tội tham nhũng phải xử nhưng về nhân văn thì chúng ta không ai muốn cả”, Tổng thanh tra Chính phủ chia sẻ.

Vậy, phải làm sao không để xảy ra tham nhũng?, ông Khái bày tỏ: “Con người mà khi thấy để tiền ra trước mặt lại không có ai, thì lòng tham người ta dễ phát sinh. Không để xảy ra chuyện này thì sẽ không có tham nhũng. Còn khi đã xảy ra tham nhũng rồi thì phải tập trung phát hiện, không để lọt. Phát hiện được rồi thì phải xử lý cương quyết để không dám tham nhũng nữa”.

Có nhiều công cụ phòng ngừa, song yếu tố đầu tiên, theo ông Khái, phải thiết lập quy chế làm việc chặt chẽ, tiêu chuẩn công khai định mức. Sau đó là quy định chuyển đổi vị trí công tác. “Một vị trí làm lâu năm có nhiều mối quan hệ, đặc biệt ở một số vị trí tiếp xúc với các doanh nghiệp cũng rất đáng suy nghĩ, xem xét”, người đứng đầu Thanh tra Chính phủ đặt vấn đề và cho rằng, khi ai đó đã tham nhũng rồi, nếu phát hiện được thì phải xử lý được tài sản có được do tham nhũng.

Luật Tham nhũng hiện hành có yêu cầu kê khai tài sản, song ông Khái thừa nhận vẫn còn hình thức. Điển hình là chưa rõ cơ quan nào có thẩm quyền kiểm tra, giám sát sự trung thực bản kê khai. “Khi để họ tự nguyện khai mà không phát hiện được, thì thông qua việc họ tích tụ nhiều tài sản buộc phải kê khai. Luật sửa đổi đưa vào các nội dung kiểm tra, giám sát nhưng rất cần đóng góp, để tính toán các đối tượng nằm trong diện này phải quản lý được”, ông Khái nói.

Theo Tổng thanh tra Chính phủ, hiện nay, việc phát hiện tham nhũng không dễ, bởi các đối tượng có đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm để che giấu. Do đó, nếu ai không trung thực sẽ có quy định buộc phải báo cáo phản ánh nguồn gốc rõ ràng. Nếu làm tốt được khâu này vừa phòng ngừa, vừa ngăn chặn được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.