Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại TP.HCM

23/09/2022 07:45 GMT+7

Sáng nay, đoàn công tác do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến thăm và làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội và công tác xây dựng Đảng từ Đại hội lần thứ XIII của Đảng đến nay.

Sáng 23.9, đoàn công tác của Trung ương Đảng có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và công tác xây dựng Đảng của TP.HCM từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP.HCM, Đại hội lần thứ XIII của Đảng và 8 tháng đầu năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bên phải) đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác đến làm việc với Thành ủy TP.HCM

đình phú

Trong các năm qua, nhiều đoàn công tác của Trung ương thường xuyên làm việc với TP.HCM để lắng nghe, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của thành phố đông dân nhất nước và đóng góp nhiều nhất vào ngân sách quốc gia.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm những tháng gần đây của TP.HCM là tập trung tổng kết Nghị quyết số 16 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, và Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tham gia đoàn công tác còn có Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng và lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương

ĐÌNH PHÚ

Từ thực tiễn triển khai 2 nghị quyết quan trọng nêu trên, TP.HCM sẽ tiếp tục đề xuất những định hướng phát triển mới và cơ chế đặc thù, vượt trội phù hợp cho giai đoạn tới; nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực phát triển, củng cố vị trí vai trò “đầu tàu” tăng trưởng kinh tế phía nam và cả nước.

Buổi làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Thành ủy TP.HCM diễn ra tại Hội trường Thành phố, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3

đình phú

Trong 2 năm 2020 và 2021, nền kinh tế TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, dẫn đến hệ quả lần đầu tiên trong lịch sử kể từ ngày thống nhất đất nước, tăng trưởng giảm sâu -6,78% trong năm 2021.

Tuy nhiên, với hàng loạt giải pháp đồng bộ và sự hỗ trợ, định hướng của Trung ương, kinh tế thành phố từng bước phục hồi với những kết quả khá toàn diện. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82% so cùng kỳ; thu ngân sách hết tháng 8 gần 312.000 tỉ đồng (tương đương 80,7% dự toán).

Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế

Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước

tno

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ như: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm là 8%, kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt 8.500 USD/người, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP, chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP.

Các chỉ tiêu xã hội đáng chú ý như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm, tạo việc làm mới bình quân 140.000 lao động/năm, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước vào cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân, duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi)...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.