Xây 'tượng đài nghìn tỉ': Lãng phí nhưng đúng luật thì sao?

11/08/2015 11:02 GMT+7

Có nhiều cái chúng ta thấy rõ ràng là lãng phí, nhưng khi giở luật ra, lại không sai luật hoặc luật không cấm. Vậy thì sao?

Có nhiều cái chúng ta thấy rõ ràng là lãng phí, nhưng khi giở luật ra, lại không sai luật hoặc luật không cấm. Vậy thì sao?

 
Sống cùng lịch sử, bộ phim được cấp kinh phí 21 tỉ đồng nhưng không bán được một vé nào. Dù biết lãng phí nhưng việc thực hiện bộ phim đúng theo luật, không thể bắt bẻ - Ảnh: Tư liệuSống cùng lịch sử, bộ phim được cấp kinh phí 21 tỉ đồng nhưng không bán được một vé nào. Dù biết lãng phí nhưng việc thực hiện bộ phim đúng theo luật, không thể bắt bẻ - Ảnh: Tư liệu
Tôi xin dẫn chứng vài ví dụ như thế. Trong điện ảnh, chúng ta có rất nhiều bộ phim với kinh phí khủng từ nguồn ngân sách quốc gia, làm xong chiếu qua loa lấy lệ rồi xếp vào kho. Là vì không có người xem. Nhiều bộ phim kinh phí lên đến trên 10 tỉ đồng nhưng chỉ có chừng vài chục người đến vài trăm người xem. Rõ ràng là lãng phí. Nhưng việc thực hiện hoàn toàn đúng theo Luật Điện ảnh. Không thể bắt bẻ ai được.
Tình trạng tương tự phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thí dụ như hệ thống loa truyền thanh hiện nay trên cả nước. Rõ ràng là không ai muốn nghe những cái loa của phường xã quận huyện phát nữa, vì chúng ta đã có quá nhiều phương tiện nghe nhìn. Vậy nhưng hằng năm chúng ta vẫn phải tốn khoản kinh phí không nhỏ cho hệ thống truyền thanh phủ khắp cả nước. Hỏi có lãng phí không? Xin thưa là có. Hỏi có đúng luật không? Xin thưa là đúng.
Bây giờ tôi trở lại chuyện "tượng đài nghìn tỉ" ở Sơn La. Mặc dù xã hội đang rất lo lắng, nhưng qua tìm hiểu của cá nhân tôi, thì dường như là rất đúng luật. Sơn La sẽ lấy một phần từ vốn của địa phương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phần còn lại sẽ là vốn xã hội hóa. Nghĩa là về mặt trách nhiệm, sẽ không có gì sai. Vậy thì sao? Chúng ta nói được gì?
Những năm gần đây, mỗi năm ngân sách trung ương chi xấp xỉ một triệu tỉ đồng và luôn luôn bội chi. Chẳng hạn năm 2014 tổng chi là 1.006.700 tỉ đồng nhưng tổng thu chỉ 792.700 tỉ. 
Một số năm liền kề trước trước đó tổng chi thấp hơn nhưng cũng luôn bội chi ngân sách.
Tuy nhiên, trong bài này tôi không nói đến thu chi, mà muốn nói, với tình hình chi quốc gia rất lớn và liên tục bội chi, có lẽ chúng ta cần đến một chiến lược tiết kiệm chi tiêu công, và chúng ta cần có luật tiết kiệm chi tiêu công.
Đến đây sẽ có câu hỏi, vậy tại sao phải có luật này, mà không đưa vấn đề tiết kiệm vào trong các luật liên quan? Tôi xin lý giải tiếp.
Hiện nay chúng ta có rất nhiều luật khác nhau liên quan đến việc chi tiêu một phần hoặc toàn bộ tiền ngân sách quốc gia. Thí dụ chi tiêu cho việc phát triển điện ảnh đã nằm trong Luật Điện ảnh, còn chi tiêu cho việc phát triển giáo dục thì nằm trong Luật Giáo dục, chi tiêu cho việc phát triển điện lực lại nằm trong Luật Điện lực… Chúng ta không thể đồng loạt sửa các luật trên theo hướng chi tiêu tiết kiệm hơn. Do vậy mà chúng ta phải có luật tiết kiệm chi tiêu công, làm nền tảng pháp lý cho việc cụ thể hóa chính sách tiết kiệm trong từng vấn đề riêng lẻ ở các luật chuyên ngành.
Luật tiết kiệm chi tiêu công sẽ chế tài tất cả các trường hợp chi tiêu công, chế tài được những lãng phí nói trên. Còn không, chúng ta sẽ cứ la làng, còn lãng phí đúng luật thì cứ xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.