Xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM: Nhìn từ góc độ tập trung hoàn thiện thể chế

Đỗ Đức Hiển
Đỗ Đức Hiển
03/05/2021 22:29 GMT+7

Ở nước ta hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Các đô thị ngày càng được mở rộng, đóng vai trò là trung tâm phát triển kinh tế , chính trị, văn hóa, xã hội ở các cấp độ khác nhau.

Hoạt động quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tại đô thị có tính liên kết với nhau chặt chẽ mà ít bị chia cắt theo các đơn vị hành chính. Chính quyền đô thị có tính thống nhất cao trong chỉ đạo công việc, đòi hỏi sự nhanh nhạy, quyết liệt trong giải quyết các vấn đề phát sinh. Với những đặc thù đó, đòi hỏi bộ máy chính quyền đô thị phải được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, thông suốt, linh hoạt, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý.
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”, Quốc hội đã ban hành luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, trong đó quyết định một số đề án về thí điểm chính quyền đô thị ở một số địa phương phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý của từng đô thị. Quốc hội cũng đã ban hành 3 nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại 3 TP lớn gồm: Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM (trong đó 2 nghị quyết về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội và Đà Nẵng được ban hành dưới hình thức thí điểm). Chính phủ đã ban hành 3 nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành 3 nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại các TP nêu trên.
Mặc dù đều quy định về chính quyền đô thị, tuy nhiên tổ chức chính quyền đô thị tại 3 TP Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM không phải là một mô hình rập khuôn, đồng nhất mà có sự khác biệt nhất định xuất phát từ đặc điểm địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Tổ chức chính quyền đô thị của TP.HCM ngoài việc quy định về chính quyền đô thị tại quận, phường (như Đà Nẵng), cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND trong khi các phường thuộc TP chỉ tổ chức UBND. TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM là lần đầu tiên, loại đơn vị TP thuộc TP được thành lập tại một TP trực thuộc T.Ư. TP.Thủ Đức được tổ chức chính quyền địa phương hai cấp hoàn chỉnh (tại TP.HCM và TP.Thủ Đức), trong khi các phường trực thuộc TP.Thủ Đức thì chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP.Thủ Đức.
Có thể thấy, việc tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội gắn với xây dựng mô hình tổ chức quản lý gọn nhẹ, linh hoạt, cởi mở, phù hợp với đặc thù quản lý đô thị, đổi mới cơ chế công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức theo mô hình chính quyền đô thị là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hoạt động xây dựng thể chế đối với TP.HCM không chỉ dừng lại ở các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên mà luôn đòi hỏi được nghiên cứu và hoàn thiện tương xứng trong quá trình phát triển và cần tập trung thực hiện hoàn thiện thể chế về phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa cơ quan nhà nước trung ương với chính quyền địa phương TP.HCM.
Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa Chính phủ với TP.HCM đang được thực hiện theo quy định của Nghị định số 93/2001/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số nội dung của Nghị định số 93/2001/NĐ-CP đã không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành cũng như chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn trong hoạt động quản lý nhà nước của TP.HCM, phần nào hạn chế sự phát triển của TP. Do vậy, việc đề xuất ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 93/2001/NĐ-CP là cần thiết nhằm đẩy mạnh sự phân cấp quản lý nhà nước gắn với tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP trong một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trọng điểm; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
TP.HCM cũng cần sớm nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành những quy định mới về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tính tự chủ và vai trò chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương TP.Thủ Đức. Các cơ chế, chính sách đặc thù này phải thực sự nổi trội, đủ mạnh để TP.Thủ Đức thực sự “cất cánh” như kỳ vọng.
Với những đổi mới trong quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị tại TP.HCM tại các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chính quyền cần bắt tay ngay vào rà soát, ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết ; phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, TP.Thủ Đức, phường phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương; thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức theo quy định.
Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các quận, phường thì cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cơ chế giám sát của HĐND, cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn TP, đồng thời tăng cường sự giám sát, tham gia trực tiếp của người dân vào các hoạt động của chính quyền các cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.