Vụ cháy Rạng Đông: Cái giá của sự chậm trễ di dời nhà máy

13/09/2019 18:37 GMT+7

Sự thiếu kiên quyết, hữu khuynh của các cơ quan quản lý nhà nước , cộng với sự chây ì, trì hoãn việc di dời nhà máy khỏi nội đô đã dẫn đến nhiều hệ luỵ trong vụ cháy Công ty Rạng Đông.

Chủ trương di dời nhà máy, công xưởng sản xuất ra khỏi nội đô là một chủ trương đúng đắn, đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua từ  lâu. Thế nhưng, thực tế bộc lộ rất nhiều bất cập trong triển khai thực hiện, cần được nhìn lại nghiêm túc, tránh những bất ngờ như vụ hoả hoạn ở Công ty CP Rạng Đông.
Chuyện xử lý hậu vụ cháy còn rất dài và nhiều việc, chẳng hạn như rồi đây, ai sẽ phải đứng ra nhận trách nhiệm về mình rằng đã chỉ đạo, cố ý hay vô tình, nói dối dân và dư luận như thế; trách nhiệm bồi thường dân bị ảnh hưởng sẽ tiến hành thế nào nếu dân đâm đơn kiện ra toà?...
Nhưng bài viết này muốn bán đến việc di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành Hà Nội.  
Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, thì Công ty Rạng Đông sẽ phải di dời về khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) để nhường đất cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn.
Quyết định 86/2010/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng về việc ban hành quy chế tài chính phục vụ di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị đã cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì vậy khu đất nhà máy thuộc Công ty Rạng Đông có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới… Nhưng đến nay, Công ty này vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể; trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8 ha ở khu công nghiệp Quế Võ lại chưa được xây dựng.
Không lẽ chỉ một việc tưởng như tất yếu mà khó xử lý đến vậy? Từ vụ hoả hoạn này, chúng ta thấy rõ công tác quản lý nhà nước từ Bộ Công Thương cho tới thành phố Hà Nội có phần thiếu sát sao, thiếu đôn đốc quyết liệt.
Tuy nhiên, cũng lưu ý còn một số bất cập, chưa rõ ràng, cần bàn thêm. Đó là cơ chế tài chính khi di dời các nhà máy, xí nghiệp. Nếu các doanh nghiệp được thực hiện thương thảo với chủ đầu tư, căn cứ theo Quyết định 86 kể trên, thì doanh nghiệp mới có kinh phí để xây mới. Nhưng nếu làm như vậy, chủ đầu tư có thể sẽ xây dựng chung cư với mật độ cao, gây quá tải hạ tầng đô thị như ách tắc giao thông (thực tế đã diễn ra như vậy).
Phương án Nhà nước xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp rồi từ đó xây mới nhà máy cho họ, đồng thời thu hồi ”đất vàng” để xây các công trình phúc lợi xã hội, hoặc đấu giá công khai cho người mua để tránh tài sản nhà nước bị thất thoát, có lẽ là tốt nhất.
Từ bài học nói trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên trách. Trước mắt, các cơ quan chuyên môn hãy nhập cuộc để giải quyết xong vấn đề môi trường ô nhiễm chất độci do vụ cháy Rạng Đông. Rồi sau đó  phải tính chuyện di dời nhà máy này càng sớm càng tốt. Đồng thời, cần có mốc thời gian cụ thể để các nhà máy xí nghiệp còn lại trên địa bàn Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác cùng thực hiện thật khẩn trương.
Phải xem việc bảo vệ môi trường sống của người dân là nhiệm vụ tối quan trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.