Vốn xã hội ảnh hưởng đến nông nghiệp thế nào?

17/05/2021 11:31 GMT+7

Một nhóm nhà khoa học vừa công bố nghiên cứu về vai trò của vốn xã hội trong phát triển nông nghiệp trên tạp chí quốc tế uy tín (Q1, SSCI).

Các phát hiện được kỳ vọng có đóng góp ý nghĩa trong xây dựng chính sách nhằm cải thiện sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Đại dịch Covid-19 làm nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn. Nhiều công ty và hộ gia đình làm nông nghiệp ở Việt Nam gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản và các sản phẩm từ nông sản. Thực trạng này được một số nhà quản lý dự báo có thể còn kéo dài, thậm chí là khó khăn hơn nữa. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia (như Barbieri và Mahoney, 2009 hay Hansson và cộng sự, 2013), đa dạng hóa trong nông nghiệp là giải pháp cần thiết trong bối cảnh không chắc chắn. Hơn nữa, sử dụng các nguồn lực vốn vô hình như vốn xã hội để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng lợi thế cạnh tranh, cải thiện hiệu quả bán hàng trong bối cảnh “bình thường mới” cũng được rất nhiều nhà khoa học khuyến khích (ví dụ như Sallah và Caesar, 2020; Bhatti và cộng sự, 2020; Al-Omoush và cộng sự, 2020; hay Oliveira và cộng sự, 2020), đặc biệt là trong nông nghiệp (theo Cofré-Bravo và cộng sự, 2019; Daghar và cộng sự, 2020; Ali và Gölgeci, 2020).

Nghiên cứu về vốn xã hội trong nông nghiệp

Trong bối cảnh tình hình khó khăn chung của ngành nông nghiệp, một nhóm nhà khoa học từ Việt Nam, Ấn Độ và Anh đã nghiên cứu vai trò của vốn xã hội (được hiểu là mạng lưới các mối quan hệ bao gồm các nguồn lực và sự tương tác được sử dụng để đạt mục tiêu) trong phát triển đa dạng nông nghiệp. Các học giả này đã khảo sát 484 hộ gia đình làm nông nghiệp tại 07 tỉnh của Việt Nam sau khi thực hiện một số nghiên cứu thăm dò phát hiện rằng vốn xã hội bao gồm 03 khía cạnh như 03 loại, đó là vốn xã hội cấu trúc (được tạo ra từ mạng lưới các mối quan hệ và sự tương tác), vốn xã hội nhận thức (tạo ra từ các chuẩn mực và giá trị chung) và vốn xã hội quan hệ (hình thành từ sự tin tưởng lẫn nhau). Những học giả này cũng đã chỉ ra các thành phần cụ thể với các chỉ tiêu đo lường của 03 loại vốn này. Đặc biệt, công trình nghiên cứu này đã làm rõ bản chất và mức độ (trọng số) ảnh hưởng của các thành phần của vốn xã hội đối với ý định đa dạng hóa kinh doanh nông nghiệp thông qua sử dụng Lý thuyết hành vi lập kế hoạch rất nổi tiếng.
Vốn xã hội ảnh hưởng đến nông nghiệp thế nào?

Kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Đăng Lăng và Cộng sự (các giá trị âm thể hiện mối quan hệ không có ý nghĩa)

Ứng dụng nghiên cứu trong phát triển nông nghiệp

Gắn kết với bối cảnh dại dịch hiện nay, đẩy mạnh đa dạng trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp nhằm đa dạng sản phẩm, thị trường để thuận lợi hơn trong tiêu thụ là rất cần thiết. Doanh nghiệp và hộ nông dân cần chú ý phát triển vốn xã hội và khai thác loại vốn đặc biệt này. Cụ thể là củng cố và phát triển 07 khía cạnh vốn xã hội như Tiến sĩ Lê Đăng Lăng và nhóm cộng sự đã phát hiện thông qua mở rộng mạng lưới quan hệ, tăng cường các tương tác, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Hơn nữa, tính công dân và tính cộng đồng như quan tâm, chia sẻ và góp phần phát triển cộng đồng cũng góp phần tăng cường vốn xã hội. Các học giả này cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc sử dụng các loại hình truyền thông để thúc đẩy đa dạng sản xuất kinh doanh nông nghiệp và phát triển vốn xã hội của hộ nông dân. Và theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Đông - Hiệu Trưởng Trường Cán bộ Quản lý NN&PTNT II (Bộ NN&PTNT), thành viên nhóm nghiên cứu, "phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần chú trọng vào khai thác vốn xã hội, đây là một nguồn lực rất quan trọng cho các hộ nông dân, có thể xem là doanh nhân quy mô nhỏ trong nông nghiệp".
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.