Triều Tiên trong lòng tôi

26/02/2019 14:20 GMT+7

Trước đây và sau này, trong lòng tôi và nhiều bè bạn vẫn yêu quý nước Triều Tiên anh em.

Tôi không quên Triều Tiên là một trong vài quốc gia sớm lên tiếng ủng hộ và công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đó là ngày 31.1.1950. Tôi càng không quên Triều Tiên từng gửi bộ đội sang giúp ta đánh Mỹ, gửi thuốc men và quân phục cho Việt Nam, mà 2 năm ở Trường Sĩ quan Pháo binh C400, lớp học viên chúng tôi đã mặc, kể cả chiếc “hầm kèo Triều Tiên” nổi tiếng thời chống Mỹ.
Nhưng có lẽ, ấn tượng sâu sắc về Triều Tiên từ lớp thanh niên Hà Nội từ những ngày xa xưa là ở các hoạt động văn hóa thể thao.
Về nghệ thuật chuyên nghiệp, Triều Tiên là một quốc gia có nhiều thành tích trên trường quốc tế, vì thế mà Việt Nam đã được bạn giúp đỡ đào tạo, trong đó nhạc sĩ Thanh Tùng là người đầu tiên được qua Triều Tiên nghiên cứu học tập về nhạc nhẹ, các nhạc trưởng Thôi Long Lân, Triệu Đại Nguyên và Lý Vân Anh từ Bình Nhưỡng qua Hà Nội giúp đỡ Việt Nam xây dựng dàn nhạc và hợp xướng.
Năm 1960, chào mừng Đại hội lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam, tháp tùng Thủ tướng Kim Nhật Thành qua thăm Việt Nam là đoàn ca múa Quân giải phóng Triều Tiên, và bạn đã trình bày bài hát Hò kéo pháo của nhạc sĩ Hoàng Vân bằng một phong cách hết sức đặc biệt, và đó cũng là trường hợp hết sức hi hữu.
Lớp trẻ Hà Nội ngày nào rất yêu mến các bài hát Triều Tiên như Cô gái quay tơ, Ca ngợi Kim Nhật Thành, Trên đỉnh núi cao, hay những bộ phim Cô gái bán hoa, Thượng Cam Lĩnh…
Ấn tượng nhiều hơn hết với Triều Tiên là ở mảng thể thao. Vẫn biết rằng Triều Tiên đã và đang còn nhiều khó khăn, song vẫn có bảng vàng thành tích đáng nể về thể thao, từng 2 lần dự World Cup (1966, thắng Ý 1-0, 2010), có nhiều nhà vô địch thế giới và vô địch Olympic.
Song, đáng nhớ hơn là các sự kiện liên quan với Việt Nam. Giải Việt Trung Triều Mông lần đầu tiên diễn ra tại Bình Nhưỡng, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự và cựu danh thủ Quản Trọng Hải (cha của hậu vệ Quản Trọng Hùng) là người cầm cờ trong lễ diễu hành.
Cũng ngay sau đó, Triều Tiên đã giúp chúng ta đào tạo nên các HLV tài năng như Nguyễn Danh Thái, Tạ Đình Khoa, Nguyễn Trọng Trúc (bóng bàn), Lê Ngọc Minh, Đoàn Ngọc Chi (Judo), Mai Xuân Thọ (Thể dục), Phương Đình Thọ (điền kinh), Nguyễn Thị Đào (vũ đạo nghệ thuật)…
Năm 1968, một lứa cầu thủ bóng đá trẻ của Việt Nam được gửi sang học tập dài hạn ở Triều Tiên và sau đó đã trở thành trụ cột của Thể Công và tuyển Việt Nam với những cái tên Trần Văn Khánh, Nguyễn Thế Anh, Vương Tiến Dũng, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Văn Phúc…
Trong ký ức của mình, tôi không quên Triều Tiên là quốc gia luôn có vị trí cao tại những cuộc thi cấp châu lục, chỉ dưới Trung Quốc. Các Á vận hội đã chứng minh điều này, mà rõ rệt nhất là Asean 1966 tổ chức tại Thủ đô Phnom Pênh Campuchia. Tại đấy, một lần nữa, thể thao Triều Tiên chỉ xếp dưới Trung Quốc và bạn có cuộc so kè hết sức lý thú cùng thể thao Việt Nam trong môn điền kinh và bóng chuyền.
Tại nội dung tiếp sức 4 x 100 m nam, bộ tứ Việt Nam gồm: Bùi Đình Đắc, Phan Đình Cường, Văn Tẫn, Trần Hữu Chỉ suýt vượt qua Triều Tiên để lấy huy chương bạc, nếu Văn Tẫn không bị ngã để Hữu Chỉ quay lại nhặt tín gậy. Còn ở nội dung nữ, bộ tứ Việt Nam rất xuất sắc gồm: Tuyết Minh, Mộng Thư, Lâm Minh Thủy và Hoàng An đã giành huy chương đồng với thành tích kém Triều Tiên nửa giây.
Các cầu thủ bóng chuyền của Việt Nam và Triều Tiên cũng thật nhiều kỷ niệm mà cho đến hôm nay, đội nữ Triều Tiên đã trở nên một “gương mặt thân quen” của làng bóng chuyền Việt Nam. Họ đã tham dự giải VTV Cúp nhiều lần, giành nhiều thứ hạng cao, trong đó, nổi bật là chủ công Jong Jin Sim (3), một tay đánh hết sức xuất sắc.
Tôi thật hạnh phúc khi được cô gái ấy quý mến, gọi là “ông ngoại” và gắn huy hiệu Kim Nhật Thành cho tôi trong lần tham dự VTV Cup năm kia.
Hôm nay, Sim lại cùng đồng đội qua Việt Nam tham dự giải bóng chuyền Cup Liên Việt, đúng vào dịp người hâm mộ Việt Nam chào đón sự kiện quan trọng mang tầm vóc quốc tế về cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Triều. Chắc chắn, giải sẽ thành công tốt đẹp và sân chơi này lại tô đậm thêm điểm nhấn cho vai trò và vị thế Việt Nam trong lòng bè bạn.
Giải Việt Trung Triều Mông năm 1960 tổ chức hết sức long trọng tại Việt Nam, đó là năm diễn ra Đại hội III của Đảng, và dịp này, Bác Hồ đã đón tiếp nhiều lãnh đạo tối cao của các quốc gia: Liên Xô, Trung Quốc, Indonesia, Tiệp Khắc, Đức, Algeria…
Khán giả Hà Nội không sao quên các trận bóng đá diễn ra trên sân Hàng Đẫy. Tuyển Việt Nam sau khi thua sát nút Trung Quốc 3-4 và thắng Mông Cổ 2-0 đã vào trận quyết liệt với Triều Tiên khi ấy rất mạnh và họ đá trên chân chúng ta. Tỷ số chung cuộc là 1-2 nghiêng về đội bạn. 
Kết thúc trận đấu, chuyên gia Akimov khi đó đang là HLV đội Việt Nam đã hết lời khen ngợi cầu thủ hai đội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.