Trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô có lợi cho ai?

11/01/2016 14:11 GMT+7

Mọi chính sách mới đều được giải thích là vì lợi ích của người dân. Trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô để khi xảy ra sự cố thì có ngay công cụ chữa cháy. Nghe có vẻ ổn nhưng thực tế không như lý thuyết.

Mọi chính sách mới đều được giải thích là vì lợi ích của người dân. Trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô để khi xảy ra sự cố thì có ngay công cụ chữa cháy. Nghe có vẻ ổn nhưng thực tế không như lý thuyết.

Nhiều người lo ngại bình cứu hỏa phát nổ trước khi "chữa cháy" Nhiều người lo ngại bình cứu hỏa phát nổ trước khi "chữa cháy"
Nếu ô tô cháy hãy chạy thật nhanh
Ai từng tham gia những lớp huấn luyện phòng cháy chữa cháy đều được hướng dẫn rằng, khi có vụ cháy nguy hiểm xảy ra thì việc đầu tiên nên làm nhất là phải chạy thật nhanh đến khu vực an toàn, sau đó mới nghĩ đến việc làm những chuyện khác như là tìm cách dập lửa hay gọi cứu hộ, gọi 114 … Ai cũng phải ghi nhớ thật kỹ rằng, “chữa cháy là việc của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, nhân dân chỉ là phụ”.
Với việc buộc người đi ô tô phải trang bị bình cứu hỏa trên xe nhằm mục đích tự chữa cháy cho xe mình dường như đi ngược với những tôn chỉ trên. Xe ô tô khi bốc cháy thì đa số đều bắt nguồn từ động cơ, hệ thống điện thân xe trên ô tô hiện đại ngày nay rất khó gây ra cháy. Xe ô tô khi khởi phát cháy từ động cơ thì khả năng nổ bình xăng là cực kỳ cao. Có nghĩa là cháy xe ô tô là đám cháy rất nguy hiểm. Tôi chưa thấy ngoài đời thực, cũng như trên phim ảnh, nước ta và cả các nước phương Tây, khi cháy xe người ta đi tìm bình chữa cháy trong xe để xịt cả, họ chỉ bỏ chạy thật nhanh.
Có một vài ý kiến cho rằng trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô không phải chỉ giúp mình mà còn để giúp người khác khi lưu thông trên đường. Tôi thấy những ý kiến đó thật lạc quan so với tình cảnh của xã hội nước ta hiện nay, một xã hội đang ngày càng vô cảm mà tình người lại hiếm hoi tới mức khi xuất hiện là lại được rối rít tung hô.
Anh bạn tôi mới vài ngày trước thôi, là chủ cửa hàng điện thoại, trên đường đi giao hàng cho khách bị dàn cảnh cướp ngay giữa một vòng xoay đông đúc nhất TP.HCM, anh kêu gào giúp đỡ nhưng không một ai dừng xe lại trong một buổi sáng vội vã, họ chỉ nhìn, ái ngại rồi đi tiếp. Vậy thì nói là trang bị bình chữa cháy để những người đi ô tô nhảy xuống cứu giúp người khác thì quả thật thiếu thực tế. Có khi, bảo rằng có bình chữa cháy trên xe thì khi va chạm cãi vã, có cái để đem ra hành hung nhau còn có lý hơn.
Lợi hơn hay sợ hơn?
Vậy thì trang bị bình chữa cháy trên xe có lợi gì không? Tôi chưa thấy lợi nhiều nhưng lại thấy những nỗi lo sợ trước mắt. Sợ từ những cái rõ ràng đến sợ những thứ vô hình liên quan phía sau.
Hầu hết những xe ô tô đang lưu hành ở Việt Nam đều không thiết kế chỗ để bình chữa cháy. Vậy thì để bình chữa cháy ở đâu là một câu hỏi hóc búa, để trong cốp xe thì khi cháy tìm ra được chắc cháy cũng xong rồi, để lăn lóc ở những nơi khác trong xe lại càng thiếu an toàn. Thậm chí, nếu đã tìm được một chỗ cố định nào đấy ở trong xe, gần tầm tay thì lại càng có thêm nỗi sợ thường trực là sợ nổ bình chữa cháy.
Việc kiểm tra xử phạt tài xế không trang bị bình chữa cháy sẽ tốn thêm nhân lực - Ảnh: Bảo HoàngViệc kiểm tra xử phạt tài xế không trang bị bình chữa cháy sẽ tốn thêm nhân lực
- Ảnh: Bảo Hoàng

Xe ô tô luôn di chuyển nhiều, đường xá dằn xóc, không khỏi ảnh hưởng đến cái bình khí nén như là bình chữa cháy. Thêm nữa, khi để xe ô tô ngoài trời nắng, nhiệt độ có thể lên đến 70 – 80 độ C, bình chữa cháy trong xe do quá nóng có thể nổ bất cứ lúc nào. Dù có là bình tốt, đảm bảo chất lượng đi nữa cũng không ai dám chắc một trăm phần trăm là nó không nổ.
Nỗi sợ tiếp theo là sợ lực lượng thanh kiểm tra, sau rất nhiều những thứ bắt buộc thì bình chữa cháy là thứ tiếp theo mà người tham gia giao thông phải lo lắng, từ chất lượng bình, đến giấy xác nhận của cơ quan phòng cháy chữa cháy, rồi thời hạn phải thay mới … Lợi thì ít những sợ thì rất nhiều.
Tâm lý đối phó
Nếu như đa số các nước phát triển hiện nay đều chỉ “khuyến cáo” về việc trang bị bình chữa cháy thì Việt Nam lại ban hành thông tư nghị định “bắt buộc” người dân phải làm. Một điều nữa là nghị định này đã có từ năm 2011 nhưng giờ mới đem ra áp dụng thực hiện.
Giống như việc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, đội những cái nón kém chất lượng giá rẻ để đối phó với lực lượng cảnh sát, thì việc trang bị những bình chữa cháy để đối phó cũng là chuyện đương nhiên. Xưa đến nay, người Việt luôn rất thông minh và nhanh nhạy trong chuyện đối phó với những việc kiểu như vậy.
Có muôn vàn cách đối phó, trong đó có những cách khá hài hước như là vẫn mua bình xịn, nhưng thay vì để nguyên đó trong xe, khi cháy lấy ra dùng thì họ chọn phương án xịt hết ra ngoài, chỉ để lại cái vỏ bình không để ngăn chặn việc cháy nổ bình chữa cháy trong xe. Thành ra, cái mục đích tốt đẹp ban đầu, sau khi qua phương pháp đối phó trở nên vô dụng và cái bình chữa cháy chỉ còn mang ý nghĩa là để cơ quan công quyền không phạt.
Lợi cho ai?
Ban hành một chính sách mới chắc chắn là muốn mang lại lợi ích cho người dân, nhưng thiết nghĩ cũng nên suy xét những điều kiện thực tế để làm sao chính sách phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng thiết thực và đúng đắn chứ không phải chỉ là lý thuyết suông. Quy định bắt buộc phải có bình cứu hỏa trên xe ô tô chưa thấy lợi nhiều cho người đi ô tô nhưng trước mắt đang rất có lợi cho người bán bình cứu hỏa, trong mấy ngày qua đã cháy hàng dù giá tăng lên gấp mấy lần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.