Trả lại quà tặng - chuyện như đùa

07/03/2015 13:53 GMT+7

Nhiều năm nay, chính phủ phải ra nghị định quy định về việc tặng quà, nhận quà và trả lại quà thì biết ý nghĩa của tặng quà không còn như xưa.

Xưa nay, tặng quà là việc bình thường, xuất phát từ tình cảm của những mối quan hệ thân thiết và mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn. “Của cho không bằng cách cho” là vậy. Nhưng nay, chính phủ phải ra nghị định quy định về việc tặng quà, nhận quà và trả lại quà thì biết ý nghĩa của tặng quà không còn như xưa

Theo thống kế sơ bộ mới đây của Thanh tra Chính phủ, tại nhiều cơ quan bộ, ngang bộ, các tỉnh, thành và Tập đoàn kinh tế Nhà nước... không phát hiện ra trường hợp nào tặng quà, nhận quà trái quy định trong dịp tết - Minh họa: DAD
Quà tặng cũng phát triển theo xã hội, ngày càng đa dạng về hình thức và chất lượng về nội dung. Ngày xưa, miếng trầu, chén quà hoặc ly rượu là đầu câu chuyện. Ngày nay, quà tặng mở đầu mọi giao tế. Tặng quà, thường là kẻ dưới, đang hàm ơn hoặc định nhờ vả. Nhẹ thì cũng tạo quan hệ lâu dài. Ở đây, loại trừ quà tặng truyền thống theo quan hệ gia đình như con cái và cha mẹ, vợ và chồng, anh chị em, người thân, hoặc các quan hệ xã hội như thầy - trò, bạn bè thân thiết, hàng xóm… còn lại là dạng đầu tư quan hệ, sinh lợi vô chừng, cả trước mắt và tương lai. Quà tặng biến tướng thành một dạng hối lộ tinh vi, để lobby (một kiểu vận động hành lang) mọi chuyện, cả những phi vụ hoành tráng. Dần dà, quà tặng được nâng lên thành "lại quả" mà chỉ người trong cuộc mới biết rõ giá trị thực. Dân thường, khó mà hình dung, dù đã cố tưởng tượng.
Từ ý nghĩa tốt đẹp là gia cố và phát triển những tình cảm tốt đẹp, quà tặng trở thành thủ phạm góp phần làm băng hoại đạo đức xã hội. Thủ tướng chính phủ đã có hẳn Quyết định 64/2007/QĐ-TTg quy định về việc tặng quà, nhận quà và trả quà cụ thể. Từ đó đến nay, nghị định luôn được nhắc nhở, nhất là vào dịp tết.
Ngay khi vừa ban hành, quyết định đã không được thực hiện nghiêm túc. “Nghiêm cấm dùng rượu ngoại để tiếp khách” thử hỏi có bao nhiêu đơn vị thực hiện? Chỉ cấm rượu ngoại, chứ không cấm bia ngoại. Tôi chưa thấy buổi tiếp khách nào mà không dùng rượu, bia ngoại. Cấm nhận quà trên 500.000 đồng lại càng không tưởng. Bây giờ, quà tặng quan hệ phải tính bạc triệu, thậm chí chục triệu, hàng trăm triệu trở lên. Cấm quà tặng thì biến tướng thành mua - bán kiểu “bán như cho”. Quà tặng, có khi là vài suất du lịch châu Âu, là những buổi ăn chơi từ A đến Z, là căn hộ, là người tình…Không tặng trực tiếp mà qua người thân hoặc thư ký. Nhiều loại quà tặng không thể quy thành tiền được. 
Biện pháp chế tài khi bị phát hiện là “trả lại quà tặng” và “tùy mức độ vi phạm mà xử lý” chung chung, kiểu sẽ “phê bình sâu sắc”, “Ai lỡ nhận quà mà tự giác nộp lại thì được xem xét miễn, giảm hình thức xử lý” thì chẳng ai dại gì tự giác một khi chưa bị lộ.
Theo thông tin từ Thanh tra chính phủ (được các báo đăng rộng rãi): “Năm 2014, có 32 trường hợp nộp lại quà trị giá 719 triệu đồng. Năm 2013, có 364 vụ nộp lại quà tặng trị giá 164 triệu đồng. Còn tết 2015 thì không có vụ nào”. Những con số phí lý đến buồn cười. Azit Nexin mà sống lại, chắc phải đến Việt Nam để viết tiếp chuyện “Những người thích đùa”, thành trường thiên tiểu thuyết. Những ai còn quan tâm đến thời sự, đọc thông tin trên càng thấy ngậm ngùi.
Không nói nên không làm, còn có thể giải thích. Chứ nói một đằng, làm một nẻo hoặc nói ảo là thực thì “thua toàn tập”. Luật Việt Nam không thiếu nhưng thiếu tính khả thi vì không thể thực hiện hoặc không ai chịu thực hiện. Đây chính là nguồn cơn làm rối loạn kỷ cương phép nước và trật tự xã hội.
Các nước quản lý quà tặng đơn giản và hiệu quả vì có cơ chế minh bạch, không nhiêu khê rườm rà mà kém hiệu quả như Việt Nam. Nếu không có biện pháp tích cực khắc phục và kịp thời chấn chỉnh thì hậu quả khôn lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.