Thuốc lá, tiết canh và shisha

06/04/2015 12:17 GMT+7

Những ‘câu chuyện nhỏ’ gây ồn ào của truyền thông gần đây cho thấy một vấn đề lớn: Việc trang bị những hiểu biết về nguyên tắc đạo đức nghề cho người làm báo vẫn còn là khâu rất yếu.

Những ‘câu chuyện nhỏ’ gây ồn ào của truyền thông gân đây cho thấy một vấn đề lớn: Việc trang bị những hiểu biết về nguyên tắc đạo đức nghề cho người làm báo vẫn còn là khâu rất yếu.

1. Nếu bây giờ vào thư viện lật lại những trang báo cũ cách nay 20 - 30 năm, sẽ không khó để tìm thấy nhiều tin bài về an ninh trật tự mà trong đó, hình ảnh các cô gái mại dâm chưa đến tuổi thành niên được in rõ mặt, nêu rõ tên.
Chuyện đưa hình những cô gái mại dâm (mà không xóa mặt) trên truyền thông trong hầu hết trường hợp được xem là sự ứng xử nhẫn tâm. Và đó là điều mà nhà báo nào, tòa soạn nào trong giai đoạn hội nhập hôm nay cũng biết. Thế nhưng, có một thời, những hiểu biết về đạo đức báo chí của một bộ phận không nhỏ người làm báo Việt rất sơ sài. Các lỗi vi phạm đạo đức thường được nhắc đến nhiều vẫn chỉ là chuyện thông tin sai sự thật (do phóng viên bịa ra), thông tin méo mó (sai một phần), đưa tin không khách quan v.v… Ít ai để ý đến những chuyện như nhà báo không quan tâm đến hậu quả của thông tin, nhà báo dửng dưng trước sự thật, nhà báo lạm dụng quyền lực v.v… mà những biểu hiện vi phạm đạo đức có khi chỉ thể hiện qua một câu phỏng vấn, một góc máy, một hình ảnh bị dàn dựng, một đoạn trả lời của nhân vật bị cúp cắt, một hình thức lạm dụng nhập vai để gài bẫy đối tượng…
Những nhà báo thế hệ 5X, 6X giờ nhìn lại một số bài viết, câu chuyện tác nghiệp của mình thuở ấy đã phải giật mình: Có một thời mình đã vi phạm đạo đức hết sức hồn nhiên!
2. Một giảng viên báo chí kể rằng, cách đây khoảng một năm, chị hướng dẫn một nhóm sinh viên làm phóng sự truyền hình về tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng ở thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi các bạn đi ghi hình, giảng viên ấy dặn dò kỹ lưỡng. Yêu cầu đầu tiên là những nhân vật vi phạm quy định hút thuốc lá nơi công cộng phải được ghi hình trong bối cảnh có biển hiệu cấm hút thuốc. Hai là hình ảnh phỏng vấn (thực chất là hỏi chuyện) các nhân vật vi phạm phải được quay qua vai hoặc quay cảnh rất rộng để không dễ dàng nhận diện nhân vật. Các em sinh viên đã tuân thủ nghiêm túc yêu cầu ấy trong quá trình tác nghiệp, cân nhắc chọn lựa từng cảnh kỹ lưỡng khi dựng hình. Nhưng khi phóng sự được chiếu lên, giảng viên mới phát hiện ra một sai phạm khác: các sinh viên đã đóng giả âm thanh nhân vật. Vì ghi hình từ xa, âm thanh đối thoại của nhân vật không rõ, các sinh viên đã nhờ một người khác “lồng tiếng” đúng nội dung phát ngôn của người được phỏng vấn. Nhưng, sự khác biệt giữa không gian bối cảnh của hình ảnh và tiếng động nền thì không giấu được. Âm thanh nền của bối cảnh đã “tố cáo” chuyện “dàn dựng” ấy.
3. Mấy năm trước, khi dịch cúm H5N1 xuất hiện, người dân được các chuyên gia y tế khuyến cáo không nên ăn tiết canh gia cầm. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến cáo, còn chuyện ăn tiết canh thì ai cũng biết là không hề vi phạm pháp luật lẫn đạo đức. Một phóng viên trẻ của đài truyền hình nọ khi thực hiện phóng sự cảnh báo về tình trạng buôn bán tiết canh đã tìm đến một số quán nhậu, quán cháo vịt ở nông thôn để ghi hình. Phóng viên này cũng nhờ một số khách hàng “hợp tác” để có thể ghi hình cận gương mặt, cùng những động tác phản cảm rồi dựa trên những hình ảnh đó để phê phán hiện tượng sử dụng tiết canh tràn lan. Khi phóng sự lên sóng, nhiều “người trong cuộc” đã thật sự sửng sốt khi nhận ra ý đồ của nhà báo. Rất may cho anh phóng viên này là họ chỉ gọi điện đến cơ quan đài để chửi vì bức xúc chứ không kiện.
4. Mới đây, phóng sự Khi áo trắng học sinh chìm trong khói trắng nói về chuyện học trò hút shisha do VTC14 Đài truyền hình kỹ thuật số VTC thực hiện đang ồn ào trên truyền thông. Nhiều người đã phản ứng gay gắt trước việc dàn dựng, gài bẫy của nhà báo khi thực hiện tác phẩm, cho dù những người thực hiện nhân danh nội dung “cảnh báo về một hiện tượng tiêu cực trong đời sống giới trẻ”.
Câu chuyện cho thấy, cách tác nghiệp của nhóm phóng viên đã vi phạm nguyên tắc thu thập và xử lý thông tin, vi phạm nguyên tắc đạo đức báo chí rất rõ.
Được biết, tác giả chính của phóng sự này là sinh viên của một trường không đào tạo báo chí và chỉ đang thực tập, cho nên chúng tôi hy vọng đây chỉ là sự vi phạm đạo đức hồn nhiên do thiếu hiểu biết.
***
Những nhân vật trong ba tác phẩm truyền hình về thuốc lá, tiết canh và shisha nói trên đều bị đối xử không công bằng, thậm chí có phần nhẫn tâm, dù có thể là vô tình. Ba câu chuyện nhỏ ấy cho thấy một vấn đề lớn trong đời sống truyền thông hiện nay: Việc trang bị những hiểu biết về nguyên tắc đạo đức nghề cho người làm báo vẫn còn là khâu yếu, rất yếu ở nước ta. Chúng ta nói quá nhiều về lòng trung thành, về tính kiên định nhưng ít chỉ ra những nguyên tắc tác nghiệp thông qua những tình huống đạo đức cụ thể cho nhà báo trẻ.
Đạo đức báo chí là những nguyên tắc xử sự đúng đắn trong hoạt động nghề trên cơ sở lí tưởng và trách nhiệm đạo đức, trên cơ sở lương tâm và lòng tự trọng của nhà báo. Nhưng đời sống báo chí hết sức đa dạng và không phải trường hợp nào cũng dễ dàng chọn lựa đúng, sai, nên hay không nên. Đạo đức cũng không phải tự nhiên mà có, nó cần được rèn luyện. Và trong chuyện này, vai trò của cơ quan báo chí hết sức quan trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.