Làm sao chặn dòng người ly hương?

25/03/2014 14:00 GMT+7

Cái hộ khẩu và những khổ ải nó tạo nên đã bị lên án nhiều năm nay. Do vậy, Dự thảo Luật căn cước công dân đang dự tính sẽ dùng căn cước cá nhân thay hộ khẩu và một số giấy tờ khác.

Cái hộ khẩu và những khổ ải nó tạo nên đã bị lên án nhiều năm nay. Do vậy, Dự thảo Luật căn cước công dân đang dự tính sẽ dùng căn cước cá nhân thay hộ khẩu và một số giấy tờ khác.


Minh họa: DAD

Nhiều người vui mừng rằng như vậy sẽ chấm dứt được "nạn hộ khẩu". Theo tôi thì chưa hẳn. Vì xét đến bản chất, hộ khẩu chỉ là biện pháp hành chính của nhà quản lý nhằm hạn chế tình trạng nhập cư cơ học quá ồ ạt vào các thành phố lớn, gây ra những hệ lụy nan giải. Do vậy, nếu chưa thực sự giải quyết được tình trạng này thì cái hộ khẩu vẫn còn đủ uy quyền của nó, dù có thể được mang một cái tên khác.

Nhà nước từ lâu đã cố gắng giữ nông dân ở lại quê hương bằng chính sách "ly nông không ly hương". Nhưng do sự phát triển kinh tế-văn hóa không đồng đều ở các địa phương, chính sách này đã thất bại. Những con số gần đây đang báo động về tình trạng ly nông rồi ly hương luôn. Và hai thành phố lớn nhất cả nước đang từng ngày biến dạng dưới gánh nặng này.

Làm ô sin thành phố một tháng bằng cả năm làm nông

Tại hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết T.Ư 7, khóa 10 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, diễn ra tại Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong năm 2012 - 2013, cả nước có gần 43.000 hộ bỏ không đất canh tác với gần 7.000 ha, có trên 3.407 hộ trả ruộng. Tình trạng này xảy ra ở 25 tỉnh, chiếm gần 40% số địa phương trên cả nước.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường phân tích, nếu so sánh theo cơ cấu cây trồng, đời sống người nông dân trồng lúa đang khổ nhất, có thu nhập thấp nhất.

Qua khảo sát, trong điều kiện mưa thuận gió hòa, một sào ruộng (360 m2-sào Bắc Bộ) trồng lúa cho thu khoảng 1,3 triệu đồng/vụ, chi phí đầu tư mất trên dưới 1 triệu, tính ra mỗi vụ khoảng 3 tháng, nông dân chỉ lãi từ 100.000 đồng- 200.000 đồng. “Nếu chuyển qua chạy xe ôm, lên thành phố làm ôsin, phụ hồ một ngày đã được kiếm được ngần ấy tiền. Thu nhập làm ruộng cả năm thua cả lương ô sin 1 tháng", ông Cường nhận xét.

Không chỉ các vùng lúa manh mún, năng suất thấp ở miền Bắc và Trung, nông dân mới bỏ ruộng. Ngay cả vùng bờ xôi ruộng mật ở miền Tây, thu nhập từ làm nông vẫn thấp, nông dân vẫn chẳng tha thiết. Báo Nông nghiệp Việt Nam cuối năm ngoái kể, gia đình ông Trần Văn Nhớ ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, có 3 người con nhưng chẳng ai muốn theo nghề trồng lúa, duy chỉ có một anh con rể do vợ mới sanh con mà rời Sài Gòn trở về (ở đó anh cũng đi làm thuê).

“Thanh niên giờ chẳng ai muốn bám với nghề nông này nữa đâu, làm không đủ ăn thì làm gì. Vụ vừa rồi, làm được khoảng 10 tấn lúa hạt dài OM4218. Thương lái mua lúa tươi giá chỉ 4.000 đồng/kg, chỉ lời gần 677.000 đồng/công (1.000 m2). Trừ 2 người đang làm trên thành phố, cả gia đình tôi còn 6 nhân khẩu trông chờ vào 13 công ruộng. Trừ hết chi phí thì mỗi người kiếm được khoảng 500.000 đồng/tháng. Do gia đình không ai lo nên tôi không dám bỏ đi, chứ lên thành phố kiếm tiền nhiều gấp 7, 8 lần làm ruộng kiểu này"- Báo Nông nghiệp Việt Nam trích lời anh này.

Là người sản xuất nhưng nông dân chỉ được hưởng phần ít nhất trong chiếc bánh lợi nhuận. Họ không quyết định được các chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, giá giống.. Cũng không quyết định được giá bán nông sản.

Nông dân thực sự bị "thập diện mai phục".

Nghiên cứu mới đây của một nhóm chuyên gia nông nghiệp cho hay: chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 2004 - 2009) có 6,6 triệu người nông thôn di cư từ địa phương này sang địa phương khác, tăng 46% trong vòng 10 năm. Khoảng 22% gia đình có người di cư dài hạn để tìm công việc, nơi đến chủ yếu là Hà Nội và TP.HCM.

Số lượng người di cư rất lớn này khiến hạ tầng của hai thành phố trên không đáp ứng xuể. Nhà cửa, trường học, bệnh viện, giao thông, cấp thoát nước, vệ sinh.. mọi thứ đều quá tải. Những hệ thống hạ tầng được chuẩn bị cho số dân ít hơn hàng chục lần giờ phải gồng lên. Giống như một ngôi biệt thự được thiết kế cho 5 người sinh sống giờ phải chứa đến 50 người. Vườn hoa sẽ được trồng rau hoặc xây chuồng heo, hồ bơi để nuôi cá, phòng khách biến thành phòng ở và bếp than tổ ong sẽ được mang ra nấu nướng trên hành lang.

Những nhà quản lý thành phố nhìn thấy điều này nhưng bất lực bởi họ không được quyền tự quyết. Đô thị và nông thôn khác nhau tuyệt đối về nhiều mặt, nhưng về cơ chế và bộ máy quản lý nói chung thì Hà Nội, TP.HCM, lạ thay, vẫn không khác gì những tỉnh vùng núi khác, ví dụ Lào Cai hay Bắc Cạn. Thành phố lẽ ra phải được quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, thế nhưng cho đến giờ, sau hàng chục năm nghiên cứu, thí điểm, trình báo, cơ chế chính quyền đô thị vẫn còn nằm trên giấy, tiếp tục lật qua lật lại.

Điều này khiến các thành phố lớn ngày càng nhếch nhác và lầm than.

Bất bình đẳng về mọi mặt

Chi phí cho ăn uống ngốn gần hết khoản thu nhập bọt bèo của nông dân. Do vậy, mặc dù ao ước của những người trẻ  bay cao hơn nồi cơm rất nhiều thì trên thực tế cuộc sống của họ vẫn hết sức tẻ nhạt. Hết ruộng rẫy chỉ còn nhậu lai rai cho đời đỡ rầu. Sinh hoạt văn hóa dừng lại ở cái TV (sang hơn là có cáp), nhậu, cá độ bóng đá.. chấm hết. Lâu lâu đoàn "nghệ thực lô tô" nào đó về diễn là như Tết, háo hức hàng tháng sau vẫn còn bàn tán. Làm gì có sách, làm gì có bảo tàng, làm gì có du lịch.. Tương lai là lặp lại vòng quay buồn rầu đó.

Dân quê nhìn quanh thấy bạn bè cũng ngơ ngáo y mình. Lâu lâu đứa nào đi Sài Gòn về, dòm ra dân thành phố: lanh lợi, hiểu biết, "lên đời" thấy rõ. Gái quê chẳng thèm dòm trai quê nữa. Vậy là thèm muốn, ao ước..  Nhu cầu này còn mạnh hơn miếng ăn, đó là nhu cầu hiểu biết, phát triển và khẳng định cá nhân.

Nông dân đang sống trong tình trạng bất bình đẳng về mọi mặt với dân đô thị. Khi tình trạng này còn thì bất kể chính sách gì, dòng người từ nông thôn đổ ra thành phố sẽ không thể chặn được.

Ở lại quê cách nào?

Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp triển khai thực hiện "cánh đồng mẫu lớn" (trên một cánh đồng nông dân cùng xuống giống một ngày, cùng canh tác một giống, có doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm). Mục đích là để tăng lợi nhuận từ sản xuất nông sản, giữ chân người nông dân trên cánh đồng quê hương. Đến nay đã có 12/13 tỉnh ĐBSCL có các cánh đồng mẫu lớn, với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Công ty bảo vệ thực vật An Giang, công ty lương thực Trà Vinh... Do được bao tiêu và giảm số lượng phân bón, giống, nói chung lợi nhuận đã tăng khoảng 2 triệu đồng-3 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, mức lợi nhuận nói trên chưa đủ hấp dẫn người nông dân gắn bó với đồng ruộng, nói gì đến việc thu hút trở lại hàng triệu người đã bỏ quê ra phố. Việc hàng trăm nông hộ cùng gom ruộng làm trên một cánh đồng cũng không phải là giải pháp tối ưu để tối đa hóa lợi nhuận từ làm nông. Thậm chí, cuối năm qua đã có việc doanh nghiệp phá hợp đồng bao tiêu cho dân vì giá sản phẩm tuột dốc.

Đã có giải pháp cho vấn đề này chưa? Có.

Phát biểu trên báo chí, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ nói: “Cánh đồng mẫu lớn mới chỉ là một bước thay đổi trong tình thế thiếu những nông trại lớn, thiếu những cá nhân có khả năng đầu tư và quản trị tốt. Sản xuất hiện đại phải trên cơ sở nông trại lớn với những người quản lý hiện đại; muốn vậy, phải thoát ra những trói buộc từ cơ chế đến quan niệm về đất đai”.

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng các chính sách đề ra phải hướng tới việc để nông dân nắm đằng cán, đừng để nông dân nắm đằng lưỡi. Cơ quan quản lý nhà nước cũng hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách để “cột” doanh nghiệp trong việc liên kết và phân chia lợi ích một cách công bằng và hài hòa với người nông dân, kể cả đối với doanh nghiệp tư nhân”.

Nếu những chính sách trên được thực hiện mạnh mẽ, chiếc bánh lợi nhuận được chia hài hòa, doanh nghiệp có thể trụ được ở nông thôn, tạo việc làm cho nông dân. Khi thu nhập và phúc lợi của nông dân tăng đến mức không quá chênh lệch với mức sống trung bình của dân đô thị thì  điều kiện sống trong vùng sẽ ngày càng cải thiện và không còn nhiều người muốn bỏ quê ra phố nữa.

Tôi cho rằng chỉ như thế thì việc thực hiện quyền hiến định của người dân là "tự do cư trú, tự do đi lại" mới được đảm bảo một cách thực chất.

Nhưng doanh nghiệp có muốn làm điều đó hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào bàn tay sắp xếp, phân bố, quy hoạch lại của Nhà nước.

Hoàng Xuân*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
>> Nên sớm thay thế hộ khẩu
>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
>> Nỗi khổ hộ khẩu của chàng trai được Chủ tịch nước công nhận quốc tịch
>> Còn tư duy “hộ khẩu”, dân còn mệt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.