Cái tát và cú lên gối với phẩm giá người Việt

20/02/2014 18:55 GMT+7

Cảnh thầy tát trò, trò lên gối thầy trên bục giảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) là một sự ác nghiệt.

Cuộc sống dường như luôn chọn những cách ác nghiệt nhất để cất lên tiếng nói của nó. Cảnh thầy tát trò, trò lên gối thầy trên bục giảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) là một sự ác nghiệt như thế.

Cuộc sống muốn đưa ra thông điệp gì với ông thầy đó, với hai học sinh đó và với tất cả những người đã xem, đã rùng mình phẫn nộ về cảnh tượng kinh khủng trên bục giảng lớp 11A1?

Với riêng tôi, người viết bài này, nó nói rằng, chúng ta đang sống trong một xã hội mà tự do và nhân phẩm của con người đang bị rẻ rúng đến kinh người. Chúng ta đang sống trong một thời buổi mà những giá trị cao quý của cộng đồng bị khinh miệt, ruồng bỏ đến kinh người.

 

Sự xúc phạm, sự hủy hoại phẩm giá đến với ông thầy chúng ta từ khắp nơi, có thể từ những thầy, cô của ông ở trường, có thể từ chính bố mẹ ông, hoặc có thể từ những người gọi là lãnh đạo nơi ông làm việc, nơi cộng đồng nơi ông đang sống

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà người ta chỉ tồn tại như những kẻ đeo mặt nạ người. Vì người ta không cư xử với nhau như những con người. Vì người ta đang cư xử với nhau như cái gì đó, tùy cách gọi tên nhưng nhất định đó không phải cách cư xử của con người với con người.

Nếu ông thầy đó, nhìn thấy trước mặt mình là những học sinh đích thực, những con người có tự do, nhân phẩm, ông ta sẽ không làm như vậy. Nếu ông thầy đó nhận thức được rằng mình là một con người, như bao người khác, có phẩm giá của mình, ông ta nhất định sẽ biết trân trọng phẩm giá của người khác, ở đây là học trò của mình.

Dù nói cách nào thì ông thầy ở đây cũng hai lần đáng trách. Lần thứ nhất là vì sự tha hóa của chính ông trong nhận thức về phẩm giá của bản thân ông. Lần thứ hai là trong trách nhiệm của ông với sự giáo dục con người, những học sinh, những kẻ sẽ làm nên diện mạo của xã hội tương lai.

Hãy tưởng tượng, 30 - 40 năm nữa, khi ông thầy của chúng ta thành một người già, như những người già bây giờ. Ông ta cũng như những người già bây giờ, sẽ ngồi chê trách, lên án, thậm chí nguyền rủa lớp trẻ mới, chúng nó bây giờ thế nọ, chúng nó bây giờ thế kia, thế hệ chúng tôi ngày xưa thế này, chúng tôi thế kia… Vì ký ức luôn là một kẻ lừa phỉnh, thường chỉ lưu giữ những gì tốt đẹp, vì ai cũng biết tự biện hộ cho mình. Ông sẽ dễ dàng quên hết những cái gọi là xấu xa, lầm lỗi. Ông thầy của chúng ta cũng như bao người khác, quên rằng, ông chính tay ông và những người như ông đã kiến tạo nên thế giới mà ông đang lên án, nguyền rủa.

Ta hai lần trách móc ông thầy thì ta cũng phải một lần thương ông và tự trách mình. Ông thầy của chúng ta không tự nhiên sinh ra, cũng không tự lớn lên. Ông cũng đã từng là đứa trẻ, ông cũng từng là học sinh, ông cũng từng đi học. Ông không thể hoàn toàn tự tạo ra ông, ông đã được tạo ra như thế. Có thể chính bản thân ông cũng như hai học trò của mình, cũng là nạn nhân của những trò bạo hành, những sự xúc phạm nhân phẩm kinh khủng như thế.

Sự xúc phạm, sự hủy hoại phẩm giá đến với ông thầy chúng ta từ khắp nơi, có thể từ những thầy, cô của ông ở trường, có thể từ chính bố mẹ ông, hoặc có thể từ những người gọi là lãnh đạo nơi ông làm việc, nơi cộng đồng nơi ông đang sống.

Cũng như ông thầy, lớp 11A1 Trường THPT Nguyễn Huệ không tự trên trời rơi xuống, nó là một phần của xã hội chúng ta. Chúng ta có can dự một phần vào nó. Cái cách ông thể hiện quyền lực và sự tha hóa quyền lực của ông lên người học trò đáng là một thông điệp mạnh mẽ cho cách chúng ta đang cư xử với nhau trong xã hội.

Nếu coi lớp học 11A1 là một xã hội thu nhỏ đó, ở đó, ông thầy là đại diện cho một thứ quyền lực kẻ mạnh và các học sinh đóng vai những người yếu thế thì cái cách ông cư xử với học trò của mình có thể cho ta thấy cách chúng ta đối xử với những người yếu thế trong xã hội.

Những người yếu thế trong xã hội họ là ai? Không đơn thuần là những người nông dân, công nhân, những người bán hàng rong… phải chịu đủ mọi thứ áp bức, bóc lột. Những người yếu thế còn là con cái trong gia đình, trong gia đình, con cái đóng vai kẻ yếu so với bố mẹ chúng. Những người yếu thế còn là thuộc cấp trong công sở, trong công sở, nhân viên cấp dưới là những người yếu thế đối với cấp trên của họ…

Bây giờ, hãy thử nghĩ lại xem, những ông bố bà mẹ, các người nhận thức thế nào về tự do nhân phẩm, có khi nào mình đối xử thô bạo với con cái mình như thế, có khi nào chính tay mình hủy hoại phẩm giá và nhân cách của con mình như thế? Hãy thử nghĩ lại xem, những vị gọi là lãnh đạo, từ công ty lớn nhỏ đến các cơ quan công quyền, các vị nhận thức thế nào về tự do và phẩm giá của chính mình và thuộc cấp của mình, có khi nào mình đối xử với nhân viên, với cấp dưới theo cách thô bạo, theo cách hủy hoại phẩm giá và nhân cách con người như thế?

Vì thế, chúng ta không nên chỉ lên án ông thầy và hai học trò trên bục giảng 11A1. Chúng ta, mỗi người chúng ta hãy nên coi đây là cơ hội để thức tỉnh, suy nghĩ lại cách chúng ta nhận thức về tự do, phẩm giá của mình, suy nghĩ lại cách chúng ta đang đối xử với nhau và với những người yếu thế trong xã hội. Nếu không thế, có thể dự đoán rằng, thứ sau cùng chúng ta thu được, xã hội tương lai của chúng ta, nhất định sẽ không có gì tốt đẹp cho cả kẻ mạnh lẫn kẻ yếu. Nó sẽ là một hình phạt, một thứ gì đó tương tự như thứ ông thầy và hai học sinh của chúng ta đã nhận được sau bi kịch bục giảng 11A1 vừa qua.

Đông Kinh*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà thơ, nhà báo, blogger sống tại TP.HCM

>> Vụ clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng: Bắt đầu từ những cái tát bất lực
>> Xôn xao clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng
>> Ấn tượng thầy trò
>> Thầy - trò ngày càng cách xa?
>> Để quan hệ thầy trò luôn thiêng liêng
>> n nghĩa thầy trò
>> CD ca trù của hai thầy trò

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.