Rượu, bia và Tết

05/01/2014 10:45 GMT+7

Tết Giáp Ngọ sắp đến gần. Già trẻ trai gái đang háo hức lo tiền mua sắm tết. Trong danh mục mua sắm, rượu bia và món nhậu có lẽ nằm ở mục đầu tiên. Từ xa xưa, chúng ta thường quan niệm: Xuân về không rượu chẳng có Xuân.

Tết Giáp Ngọ sắp đến gần. Già trẻ trai gái đang háo hức lo tiền mua sắm tết. Trong danh mục mua sắm, rượu bia và món nhậu có lẽ nằm ở mục đầu tiên. Từ xa xưa, chúng ta thường quan niệm: Xuân về không rượu chẳng có Xuân.


Hàn Quốc mới đây đã đề xuất dự luật cấm quảng cáo bia, rượu trên các chương trình truyền hình dành cho thanh niên và các phương tiện giao thông công cộng - Ảnh: AFP

Đúng vậy, ngày tết đến, trong niềm vui chung của mọi nhà, bè bạn gặp nhau chén rượu làm quà để ngồi lại với nhau nhớ về những ký ức cay đắng, hay những kỷ niệm ngọt ngào là điều không thể thiếu.

Đối với các doanh nghiệp, các công ty, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chén rượu được nâng lên để chúc mừng một năm làm ăn hiệu quả hay chúc nhau một năm mới sản xuất, kinh doanh bằng năm, bằng mười năm cũ.

Ở các khu dân cư, chén rượu làm lễ cúng đường, cúng xóm, cúng phương tiện làm ăn là dịp bà con láng giềng quây quần nhau lại để hiểu nhau hơn, thân thiện hơn, đoàn kết hơn trong năm mới.

Hộ gia đình chén rượu cuối năm gặp mặt anh em, họ hàng, gia tộc hay sui gia… để chia sẻ những niềm vui năm cũ, chúc nhau năm mới thịnh vượng an khang.

Bạn bè sau những năm tháng tha phương cầu thực về tết đón xuân gặp nhau để vui ngày tao ngộ cũng phải có chén rượu nâng lên chia sẻ tâm tình.

Thế nhưng uống rượu, uống bia cũng cần phải có văn hóa. Đừng lợi dụng chất men của rượu mà văng tục, chém gió, đả kích hoặc chế nhạo nhau dẫn đến vũ lực để rồi có kẻ sứt đầu mẻ trán, từ thân thiện để rồi xa lánh nhau thì không nên. Hoặc uống vô tội vạ để rồi nôn thốc nôn tháo ra bàn nhậu, ra giường chiếu rồi chuốc bệnh vào thân làm khổ người khác, hao tiền tốn của.

Người giàu thì uống rượu ngoại đắt tiền, người nghèo thì lam lũ quanh năm để rồi mua phải thứ rượu pha trộn hóa chất độc hại vừa tốn kém tiền của và dễ bị ngộ độc dẫn đến tử vong.

Rượu quá chén để rồi quậy phá, gây gổ với hàng xóm làng giềng, người thân thậm chí hành hung vợ con để rồi vi phạm pháp luật, đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Rượu quá chén để dẫn đến phát ngôn bừa bãi, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ để rồi bị chính quyền địa phương mời lên xử phạt làm cho ngày tết mất vui.

Hiện nay ở nhiều vùng miền trên cả nước, hiện tượng  tử vong do bị ung thư gan, ngộ độc rượu thường xuyên xảy ra. Chúng ta thường đổ lỗi cho ô nhiễm môi trường sinh thái nhưng có mấy ai nghĩ đến tác hại ghê gớm của bia rượu.

Mỗi năm nước ta xảy ra hàng chục nghìn vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính phần lớn do người tham gia giao thông sử dụng bia rượu quá mức.

Bên cạnh một ít cái hay thì cái dở của bia rượu lại quá nhiều không thể nào tính được. Vậy thì tại sao bia rượu của nước ta lại được bày bán tràn lan không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng? Rượu bia không nhãn mác, không ghi nơi xuất xứ vẫn cứ được nhiều người vô tư sử dụng...

Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, không có biện pháp quản lý và kiểm tra chặt chẽ thì không bao lâu nữa, thế hệ trẻ nước ta sẽ lúc nào cũng lâng lâng trong men rượu mà quên đi cái nghĩa vụ thiêng liêng là sẵn sàng cống hiến sức trẻ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mà bao thế hệ cha ông đã đánh đổi cả xương máu và tính mạng mới có được.

Những ai đang đắm mình trong cái chất lỏng cay cay nồng nồng kia hãy tỉnh giấc và kịp thời dừng lại. Đừng là đệ tử lưu linh của rượu bia, đừng bán mình cho quỷ dữ. Hãy bảo vệ mình và bảo vệ người khác nếu sử dụng rượu bia một cách có văn hóa.

Phạm Văn Mão (*)

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả

>> Đâm chết Bí thư Đảng ủy vì 'uống rượu chỉ nhấp môi
>> Tai nạn do rượu bia
>> Phát hiện 'rượu nếp 29 Hà Nội' tại Quảng Bình
>> Rượu độc ‘lọt lưới’ 4 cơ quan
>> Tiêu hủy hơn 3.000 chai rượu lậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.