Mong ước của một học sinh cấp một

25/12/2013 15:00 GMT+7

Chín năm về trước, nền giáo dục Việt Nam khiến một đứa trẻ sáu tuổi sợ đến trường.


Tại sao ngày buồn nhất của nó lại phải là ngày đầu tiên đi học cấp 1? - Ảnh minh họa: Độc Lập

Ngày đầu tiên đi học,

Ngày đầu tiên đi học cấp 1 ở trường X (một trường công lập ở Hà Nội), nó vui vẻ và tự tin đến trường. Đây đâu phải lần đầu tiên nó đi học cấp 1 đâu. Trước đó nó đã từng học cấp 1 ở Úc rồi mà (trường học ở Úc bắt đầu học từ giữa tháng 1 thay vì tháng 9 như ở Việt Nam). Nó cảm thấy đi học vui lắm mà, có gì phải sợ đâu? Mà các cô giáo dạy mẫu giáo của nó cũng bảo cấp 1 vui lắm mà. Nhưng có điều, nó đâu có biết là chỉ mấy tiếng sau, nó sẽ phải trải nghiệm ngày “đau khổ” nhất trong cuộc đời nó.

Đúng là cuộc đời nó rất sung sướng, nó không phải trải nghiệm những ngày đau khổ như các trẻ em nghèo hay trẻ em vô gia cư. Nhưng tại sao ngày buồn nhất của nó lại phải là ngày đầu tiên đi học cấp 1? Đáng nhẽ ra ngày đầu tiên đi học phải là ngày vui nhất chứ nhỉ?

Ngày thứ hai đi học,

Trước khi đi học, nó khóc. Đó không phải là những giọt nước mắt vui vì chuẩn bị được gặp thầy cô, bạn bè. Đó không phải là giọt nước mắt cho những sợ hãi vu vơ khi chưa quen trường lớp. Đó là giọt nước mắt của một nỗi buồn lớn nhất mà nó phải trải nghiệm. Tại sao trước kia nó thích đi học lắm mà, mà giờ đây đi học lại là điều nó sợ hãi nhất. Tại sao? Tại sao?

Nó nhìn thấy vấn đề nhưng nó chưa thật sự hiểu rõ vấn đề là gì. Làm sao một đứa trẻ sáu tuổi có thể hiểu được lý do tại sao đi học lại đau khổ được chứ? Vì đi học phải là một điều thích thú cơ mà. Nó chỉ muốn một ngày nào đó nó không phải đến cái trường mà chẳng khác gì nhà giam. Đi học đối với nó như là đi tù, nó là một tù nhân, thầy cô là những người giám ngục bắt nó làm những gì nó không muốn. Cách duy nhất có thể “bắt” nó học là làm cho nó thích học. Đơn giản là vì nó nghĩ nó là một tổng giám đốc trong đầu nó. Không ai có thể bắt ép nó làm cái gì nếu như nó không muốn. Không ai có thể bắt ép nó học nếu như nó không muốn. Nếu nó tiếp tục học ở ngôi trường đó, nó sẽ chẳng học được cái gì. Không phải là vì nó dốt, không phải là vì nó lười, là vì người dạy học không có đủ kinh nghiệm để làm cho trẻ con đam mê với học tập. Điều đó có gì khó đâu? Trẻ con đứa nào chẳng thích học. Đó là lý do mà trẻ con thường hỏi hàng ngàn câu hỏi mỗi ngày. Vậy xin giáo viên hãy cho dầu vào ngọn lửa đam mê đấy chứ đừng có dập tắt nó.

Nó nhớ hồi ở Úc, đi học như đi chơi ý. Nào là được dán hình, trong lớp thì được chơi bao nhiêu trò chơi, ngày nào cũng được cô giáo kể chuyện. Nó ước sau này nó có thể thành lập một ngôi trường như thế. Nhưng nếu nó cứ tiếp tục phải học ở ngôi trường này thì nó làm sao có thể thực hiện được đam mê ấy. Nó sẽ không có đủ kiến thức vì nó không muốn học.

Sau hai ngày đi học, gia đình đã cho nó nghỉ học.

Một năm sau,

Thật may mắn nó đã được tuyển vào một ngôi trường khác. Một ngôi trường đã làm nó có hứng thú với học tập hơn. Nó đã được biết "đi học là hạnh phúc" là như thế nào. Nó không chỉ có thêm kiến thức mà còn học được nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Những ngày đi học của nó là những ngày hạnh phúc.

Ngôi trường đó chính là trường Thực nghiệm. Tuy trường Thực nghiệm không phải là một ngôi trường hoàn hảo, nhưng trường Thực nghiệm đã dùng phương pháp học mà nó muốn. Chẳng thầy cô nào bắt ép nó học. Nó vui vì nó vẫn là tổng giám đốc, hay một tổng thống (vì nó mới biết thêm từ này) trong đầu của nó. Nó vẫn là chủ, thầy cô chỉ là những người tốt bụng đang giúp nó tới gần mơ ước của nó mà thôi.

Thành công của trường Thực nghiệm và các trường khác ở nước ngoài nó theo học là làm cho nó có đam mê với học tập và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống chứ không chỉ những kiến thức về các môn học.

Thật đáng buồn là ngôi trường X lại là một ngôi trường công khá danh tiếng ở Hà Nội và cũng là một ngôi trường có mô hình học giống như phần lớn các ngôi trường công ở Việt Nam.

Nó cảm ơn tất cả các ngôi trường mà đã làm cho nó thích học, nó cảm ơn ngôi trường X đã mang đến một cảnh báo về sự tồi tệ của nền giáo dục Việt Nam. Nó mong nền giáo dục Việt Nam được thay đổi càng sớm càng tốt, nếu không tương lai của trẻ em Việt Nam sẽ bị phá hỏng.

Nguyễn Phương Hà (*)

 * Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả Nguyễn Phương Hà (15 tuổi, nickname: Ha Tigerous), học sinh khóa 28,Trường TH Thực nghiệm (Liễu Giai, Hà Nội).

>> Hờ hững với giáo dục công dân
>> Rà soát toàn bộ cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập
>> Hai đơn vị đầu tiên đào tạo kiểm định viên chất lượng giáo dục
>> Giáo dục nhân cách thanh niên
>> Một nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp (*)
>> Giáo dục không đi theo khuôn mẫu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.