Khi nút 'like' trở thành lời cam kết

10/04/2014 15:50 GMT+7

Từ khi Facebook có mặt ở Việt Nam, nút "like" đã trở thành một công cụ để biểu đạt nhiều ý nghĩa khác nhau: thích, khen ngợi, động viên, đồng tình, ủng hộ, thán phục, tán thưởng… Nhưng chưa bao giờ người ta coi nút "like" như là một biểu tượng mang tính thiết thực.

 
Biểu tượng nút "like" tại đường vào trụ sở Facebook ở bang California, Mỹ - Ảnh: AFP

Từ những ngộ nhận về một biểu tượng ảo

Vì những ý nghĩa mơ hồ được suy diễn ra sau mỗi lượt “bấm like”, không biết từ lúc nào, nút "like" bỗng trở nên quan trọng với một số người. Khi cuộc sống và giao tiếp hàng ngày của họ gắn liền với mạng xã hội, thì nút "like" bỗng biến thành biểu tượng cho sự thích thú, sự quan tâm, sự tán dương mà mọi người dành cho họ.

Luồng quan điểm này dẫn đến nhiều chuyện buồn cười, đến nỗi sau hàng loạt phong trào “câu like”, “câu view” bằng đủ mọi cách, từ post ảnh hở hang cho đến nhân danh các hoạt động từ thiện, thì người ta cũng sẵn sàng kêu gọi và sẵn sàng cho đi một cái click chuột để “hồi sinh cho thần tượng”.

 
Người ta cũng sẵn sàng kêu gọi và sẵn sàng cho đi một cái click chuột để “hồi sinh cho thần tượng” - Ảnh chụp màn hình

Sự lẫn lộn giữa ý nghĩa biểu tượng của nút "like" với những gì nó thật sự đem lại đã từng dẫn đến những hiện tượng xã hội kỳ lạ.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Britist Columbia (Canada) cho rằng “Slacktivism” (thuật ngữ chỉ các hoạt động hỗ trợ thụ động qua internet như bấm like, comment ủng hộ…) tuy có thể đem lại cho bạn cảm giác dễ chịu nhưng lại có ảnh hưởng không tốt đến các hoạt động từ thiện và cứu trợ trên thực tế. Một ví dụ thực tế cho thấy người ta đang phải “chiến đấu” chống lại những lượt ấn like vô nghĩa là đoạn video được tổ chức UNICEF Thụy Điển thực hiện đầu năm 2013, trong đó một cậu bé tên Rahim chia sẻ sự lo lắng khi không biết ai sẽ chăm sóc cho em trai mình nếu Rahim và mẹ bị bệnh.

Sau đó cậu bé tỏ ra an tâm khi biết rằng cộng đồng Facebook của UNICEF Thụy Điển đã có đến 177.000 lượt like. “Đến mùa hè chắc là sẽ có 200.000 người like. Vậy thì mọi thứ sẽ ổn thôi” - Rahim nói.

 
Với Rahim, "like" nhiều có đảm bảo cho việc... "sẽ ổn thôi"? - Ảnh chụp màn hình 

Đoạn video có phần trào phúng của UNICEF Thụy Điển, tuy vậy được kết lại bằng một thông điệp rất rõ ràng: “Nút like không thể cứu được mạng người. Nhưng tiền thì có thể”.

 
Chẳng ai phản đối nút "like", nhưng mua vắc xin phải... tốn tiền - Ảnh chụp màn hình

Đến việc biến biểu tượng ảo trở thành thiết thực

Việc nhận ra “vị trí thực sự” của nút "like" có thể thay đổi phần nào ứng xử của mọi người trên mạng xã hội hay không? Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào động lực thúc đẩy hành động bấm like của bạn. Chính động lực đằng sau nút "like" mới là chìa khóa để có thể phần nào biến biểu tượng ảo này thành cái gì đó thiết thực.

Cách đây hai ngày, tôi buộc phải suy nghĩ nhiều hơn bình thường trước một fanpage có cách tiếp cận khá lạ lẫm.

 

Thông thường, một trang facebook thu hút lượng người like bằng nội dung hấp dẫn. Nhưng ở fanpage “TÔI KHÔNG VƯỢT ĐÈN ĐỎ”, việc cân nhắc có bấm like và theo dõi trang facebook này không phụ thuộc vào tính hấp dẫn của nó, mà bởi một sự cam kết tự nguyện: nếu đã ấn like, hãy tự nguyện không vượt đèn đỏ.

Xuất phát từ một ý tưởng không quá mới mẻ “Mọi sự thay đổi đều có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất”, “không vượt đèn đỏ” có lẽ là một lựa chọn hợp lý khi đó là hành động đủ đơn giản, không tốn nhiều công sức để người ta tự nguyện chấp hành.

Vì ý nghĩa “cam kết” chứ không phải những ý nghĩa khác, nút "like" ở đây mang nhiều giá trị hơn. Người ta “like” không phải vì nó hấp dẫn hay cuốn hút, người ta "like" khi đã xác định có thể chấp nhận cam kết này. Có thể hình dung về một sự phát triển khá khác lạ trong tương lai của kiểu fanpage với ý tưởng này: số lượng người bấm like page có thể vẫn tăng đều đặn theo một cách nào đó, mặc dù có thể page không hề có những hoạt động cập nhật, thu hút người đọc bằng nội dung…như các fanpage khác. Chỉ cần có càng nhiều người cam kết không vượt đèn đỏ, page sẽ càng có nhiều người theo dõi, biết đến.

Tất nhiên, “cam kết không vượt đèn đỏ” và “không vượt đèn đỏ” là hai chuyện khác nhau. Nhưng tôi hình dung rằng hình ảnh của “TÔI KHÔNG VƯỢT ĐÈN ĐỎ” được hiển thị trên trang cá nhân của mỗi người sẽ có tác dụng như một lời nhắc nhớ. Vả lại, có bao nhiêu người “cố tình” bấm like fanpage này để rồi vẫn vượt đèn đỏ mỗi ngày cơ chứ? Tôi cho rằng tỉ lệ này là không nhiều. Ý tưởng về sự lan truyền một hành động đúng bằng một cam kết tự nguyện với ưu thế của mạng xã hội, vì thế sẽ là khả thi.

Và như thế, tôi tiếp tục hình dung về việc fanpage này đạt mốc vài chục triệu người, tương ứng với việc một phần lớn những người tham gia giao thông cam kết sẽ không vượt đèn đỏ, lúc ấy chúng ta có thể hy vọng về một tỷ lệ tai nạn giao thông thấp hơn không? Tôi cho rằng có.

Liệu sẽ có những cam kết khác?

Hãy thử hình dung, một ngày nào đó trên mạng xã hội quen thuộc xuất hiện những fanpage như “TÔI KHÔNG CHEN NGANG”, “TÔI KHÔNG ĂN CẮP”, “TÔI KHÔNG NÓI DỐI”…với số lượng lượt like (hay chính là số lượng người cam kết) đáng kể. Chúng ta có quyền hy vọng rằng những tệ nạn đáng chê trách kia sẽ dần giảm bớt?

Tôi không dám chắc. Khi hành động được cam kết không còn đủ đơn giản và “dễ thực hiện” như chuyện “không vượt đèn đỏ”, sẽ không chỉ tồn tại hai lựa chọn ứng xử đơn thuần là bấm like hay không bấm like nữa. Có thể người ta nhìn thấy và lờ đi. Có thể người ta sẽ bấm like và tiếp tục nói dối, tiếp tục ăn cắp. Biết sao được, một trong những động lực chính khiến người ta bấm like - theo nghiên cứu từ Đại học Britist Columbia - là “mong muốn thể hiện hình ảnh tốt đẹp trong mắt người khác” cơ mà.

Nhưng tôi cũng sẽ vẫn tin tưởng. Người ta còn có thể bấm like vì đó là cái “phù hợp với giá trị của bản thân họ”. Điều tốt có sức lan tỏa của riêng nó. Hôm nay, tôi tự cam kết với mình sẽ không bao giờ vượt đèn đỏ nữa. Còn bạn, bạn đã bắt đầu cam kết điều gì với bản thân chưa?

Nguyễn Đỗ Thuyên*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kỹ sư đang sống và làm việc tại TP.HCM

>> Gọi điện miễn phí với Facebook Messenger
>> 10 kiểu người dễ bị ghét nhất trên Facebook
>> Facebook chi 2 tỉ USD mua Oculus
>> Khả năng nhận dạng 'thần sầu' của Facebook

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.