Khi giáo dục không mang hàm ý của yêu thương

23/02/2014 15:40 GMT+7

Sau khi cảnh quay thầy Trần Anh Tuấn tát liên tiếp em học sinh lớp 11 và em vung tay đấm lại thầy được tải lên internet, nhà trường đã làm bản kiểm điểm và phê bình em học trò đã quay phim và khiến đoạn phim bị phát tán trên mạng.

>> Vụ thầy trò đánh nhau: Phê bình trước lớp học sinh quay clip


Ảnh cắt từ clip "thầy trò đánh nhau" - Nguồn: YouTube

Nhiều người giận dữ cho rằng sao em học trò ấy hỗn thế, dám dùng cả điện thoại quay phim thầy. Tệ hơn, em ấy dám vi phạm nội quy nhà trường và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngược lại, nhiều người thấy rằng hành vi thô bạo của thầy giáo lẫn học sinh cần phải được phơi bày và kỷ luật.

Những cái tát vung lên trong môi trường sư phạm, dù ở góc độ quá giận, giận ít, giận nhiều, tư thù hay vì công việc, đều là những cái tát bất lực của người làm giáo dục. Nó chỉ biểu thị rằng, trong một môi trường mà lẽ ra ngôn ngữ, tri thức và tình yêu thương phải được đặt lên hàng đầu, đã bị xếp xuống thứ yếu và thay bằng một điều khác, gọi tên là vũ lực.

Thầy xài vũ lực. Trò - tương tự - cũng xài vũ lực. Cái vũ lực ấy sẽ đi đến đâu? Như nhiều người bi quan bảo rằng, 2 đứa đánh thầy coi như bị kỷ luật, có “số đen” trong học bạ, thầy đánh trò cũng bị kỷ luật, coi như đời giáo viên lem luốc, thêm đứa quay phim bị kỷ luật nữa, chuyện tốt lành chưa thấy đâu thì chuyện đau buồn là coi chừng có 3 đứa học trò có nguy cơ bị đe dọa đường học vấn thì sờ sờ trước mắt.

Nhìn đi ngẫm lại, chuyện này đau lòng hệt như chuyện thầy giáo quay phim tiêu cực thi tốt nghiệp ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang): trò thì bị hủy kết quả, một số thầy cô giáo bị kỷ luật, còn thầy giáo tố cáo thì điêu đứng với sự nghiệp dạy học của mình.

Sau cái thời của phong trào “Hai không” trong giáo dục, dường như có một tâm lý chống tiêu cực rừng rực xuất hiện trong ngành giáo dục. Những người lớn quá có niềm tin vào việc phanh phui tiêu cực thì thảy ra trước mặt dư luận biết bao nhiêu hình ảnh, clip… mà họ cực nhọc quay được, hòng làm trong sạch cái công việc giáo dục mà họ yêu quý. Nhiều clip đau xót đến bẽ bàng, thầy cô giáo ném phao thi, học trò dửng dưng chép bài cho qua chuyện.

Rồi sau đó, các ban ngành, sở, phòng giáo dục cũng rừng rực không kém. Khi những đoạn clip tung lên mạng, lên báo, người ta sốt sắng họp hành, sốt sắng chống tiêu cực, sốt sắng phát biểu, và đặc biệt nhất là phải sốt sắng chỉ tên ra một kẻ vi phạm nào đó có chân dung, gương mặt rõ ràng để dư luận nhìn vào đó lắc đầu cảm thán và nguôi ngoai.

Họ vội vã đuổi học những đứa học trò “nguy cơ”, vội vã “cho tự nguyện nghỉ việc” các ông thầy giáo có tâm lý moi ra điều xấu xa đâu đó, và vội vã truyền tai học trò những đe dọa để dằn mặt những đứa nào dám… noi gương. Thế nhưng, tất cả các hệ thống kỷ luật đó đều quên mất một điều, đó là MỤC ĐÍCH của kỷ luật là để nền giáo dục đàng hoàng hơn, người học và người dạy nghiêm túc hơn, công việc truyền đạt tri thức mang gương mặt CON NGƯỜI hơn. Kỷ luật không phải là một cuộc cắn xé hay tiêu diệt lẫn nhau, và vì thế, nó càng không nên thể hiện cái kết quả rực rỡ là đuổi dạy thầy cô giáo, đuổi học học trò, bêu gương dưới cờ…

 
Bởi vì, sau rốt, vượt qua tất cả những cái tát, những video clip tố cáo, những đoạn phim quay lén lút vội vàng trong lớp học, có lẽ những người tố cáo + nạn nhân cũng chỉ là những người bị sa đà vào được mất và bon chen của những lớp học ngột ngạt và thiếu hợp lý của nền giáo dục này.

Đó là các hành vi sỉ nhục và ném đá vào nhân cách cũng như niềm tin vào công lý của giáo dục. Những kỷ luật đó không khiến người thầy, đứa học trò quay clip tố cáo hạnh phúc hơn sau cuộc tranh chấp. Tệ hơn, nó cũng không làm những em học trò xấu hổ đôi chút vì điều sai của mình hay những thầy cô giáo tiêu cực thấy chạnh lòng vì việc mình làm đã sai. Trớ trêu nhất là đôi khi kỷ luật đã khiến những người thầy tố cáo chạnh lòng rơi nước mắt vì mình đã… làm đúng.

Bởi vì, sau rốt, vượt qua tất cả những cái tát, những video clip tố cáo, những đoạn phim quay lén lút vội vàng trong lớp học, có lẽ những người tố cáo + nạn nhân cũng chỉ là những người bị sa đà vào được mất và bon chen của những lớp học ngột ngạt và thiếu hợp lý của nền giáo dục này.

Ban đầu, cả thầy và trò đều đến trường vì hai chữ “trồng người”. Kẻ ước có được tri thức, người muốn truyền đạt tri thức, chắc không ai muốn một ngày mình sẽ mang bảng tên “người tố cáo”, hay “người bị tố cáo” cả.

Vậy thì lẽ ra, trong những tình huống tranh giành ấy, phòng giáo dục, trường, hiệu trưởng phải là người tỉnh táo hơn bao giờ hết, để nhìn nhận cái mục đích tối thượng là “trồng người” của tất cả những thầy trò đã trót rơi vào cơn giận dữ tranh chấp chứ. Đàng này, người ta thấy những phòng giáo dục tìm cách đuổi giáo viên khỏi ngành, những ngôi trường tẩy chay thầy giáo quay phim, những hiệu trưởng kiểm điểm và dằn mặt em học trò trót quay clip. Ngành giáo dục - đại diện ở đây là những nhà quản lý giáo dục - đã không nhìn nhận các cuộc xô xát trên bục giảng như một vết thương cần chăm sóc, mà đối xử với nó như cái mụn bọc cần cắt đi, nhổ ra hoặc lấy băng dính ra dán chặt vào không cho ai thấy. 

Nếu cứ tiếp tục nhìn nhận học sinh của mình (những đứa trẻ 9x trang bị đầy đủ máy ghi âm và camera, smartphone) là những đứa trẻ “đáo để hỗn xược” thì những thầy giáo không bao giờ có thể bịt miệng được chúng, và chúng sẽ công khai chống lại điều chúng cho là không hợp lý.

Nếu cứ tiếp tục nhìn nhận những tố cáo, xô xát trong học đường là những cái mụn cần nhổ đi, người làm giáo dục sẽ không thể nào đi xa hơn cái đích… phòng chống bại lộ tiêu cực thay vì coi giáo dục tri thức và tình thương là mục đích tối hậu.

Hãy hỏi những đứa bé học trò đã giơ smartphone lên quay phim, liệu chúng có “bản năng” mà quay lén nếu như trước mặt chúng là hình ảnh người thầy răn dạy bạn chúng bằng cách thức thông thường như la mắng chút đỉnh hay khẻ thước vào tay - với tình thương thật sự của người thầy - hay không?

Nếu giáo dục không mang gương mặt của tình thương, những đứa trẻ sẽ không đáp lại tri thức bằng tình thương…

Không thể nào…

Khải Đơn

(*) Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, là một nhà báo, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

>> Vụ thầy trò đánh nhau: Không khép lại con đường học vấn của các em
>> Xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau
>> Vụ clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng: Bắt đầu từ những cái tát bất lực
>> Xôn xao clip thầy trò đánh nhau trên bục giảng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.