Cẩn thận, con bạn đang đọc Facebook!

15/03/2014 10:30 GMT+7

Một số phụ huynh thỉnh thoảng lại post các câu chuyện dung tục, dùng ngôn ngữ cợt nhả và lôi các chuyện phòng the ra đùa giỡn trên Facebook (FB). Tôi lo ngại rằng con cái các anh có thể đang ngồi xem FB của cha nó đó.

Một số phụ huynh thỉnh thoảng lại post các câu chuyện dung tục, dùng ngôn ngữ cợt nhả và lôi các chuyện phòng the ra đùa giỡn trên Facebook (FB). Tôi lo ngại rằng con cái các anh có thể đang ngồi xem FB của cha nó đó.

 

Một người truy cập vào Facebook tại thành phố Milan - Ảnh: AFP
Hãy cẩn thận cách dùng ngôn ngữ trên Facebook - Ảnh: AFP

Trẻ con thường làm những chuyện mà người lớn không ngờ nổi

Khi tôi còn nhỏ, hay bị nhốt một mình trong một khu vườn rộng, lủi thủi một mình cả ngày, cha mẹ đi làm từ sáng chiều tối mới về. Hai cánh cổng gỗ khóa kín, cha mẹ cầm chìa khóa đi. Ngoài xóm tụi con nít cùng tuổi rộn ràng chơi đủ mọi trò với nhau, cười giỡn náo nức. Thèm quá!

Lần nọ, má chở tôi đi học về trước mà quên mang chìa khóa. Nhìn trước ngó sau, thấy vắng người, má kêu tôi đứng che rồi nhấc cánh cổng ra khỏi bản lề, hai má con lật đật chui qua khe hở đó vô nhà. Má đặt cánh cổng vào bản lề như cũ.

Vậy là lần sau, những khi thèm ra chơi với bạn, tôi lại bắt chước y như má. Đứng trong cổng nhìn ra ngoài xem không có ai là cố sức nhấc cánh cổng lên chui ra ngoài chơi. Gần tới giờ ba má về, nhấc cổng chui vô lại. Có lần tôi cả gan nhấc cổng cho cả đám bạn vô nhà chơi tưng bừng. Suốt thời gian dài ba má tôi không hề biết.

Giờ nghĩ lại, may hồi ấy an ninh còn khá ổn. Chứ nhiều trộm cướp như bây giờ thì chết cả nhà.

Trẻ con thậm chí có những việc làm liều lĩnh vì chúng chưa biết sợ là gì

Cặp mắt cận thị nặng của tôi bây giờ cũng có nguyên nhân từ bé. Thời đó, điện không đủ, một tuần chỉ một đêm có điện từ 7 giờ đến 9 giờ. Tôi lại mê sách, ôm cuốn sách đọc cả ngày, đọc thâu đêm suốt sáng được. Vậy là buổi chiều chạng vạng vẫn cố ôm cuốn sách ra ngồi cửa sổ, giương mắt đọc cho đến khi không còn nhìn thấy chữ gì mới thôi. Bạn sẽ hỏi tại sao không thắp đèn dầu lên? Thưa, lúc đó tôi bé lắm, mới 7, 8 tuổi, cha mẹ không cho đụng vào dầu đèn sợ xảy tay. Thế sao cha mẹ không thắp đèn lên, không sợ con đọc tối hư mắt à? Thưa, ba má tôi có la mắng nhiều lần, nhưng giờ đó hoặc là làm việc chưa về, hoặc là còn lúi húi ngoài vườn, trong bếp, tôi lại giấu giếm nên đâu có biết tôi đọc lén. Vì nghe bước chân lên nhà là tôi giấu biến cuốn sách đi rồi.

Đến tận năm tôi 14, 15 tuổi, điện đóm cũng chỉ cải thiện lên mức 3 đêm/tuần. Đèn dầu vẫn là ánh sáng chân lý! Tôi lại có trò mới. Đêm, học bài xong, tôi giấu ngọn đèn dầu nhỏ vào đầu giường, vặn thật nhỏ còn bằng hạt đậu xanh, dí sát mắt vào đọc từng chữ. Nghe bước chân ba má là lập tức phủ luôn cái chăn lên cả ngọn đèn. Tối om, im thin thít. Vậy là ba má yên tâm rằng tôi đã ngủ.

Nghĩ lại giật mình ghê. Chẳng may sơ tay hoặc ngủ quên, chắc gì tôi còn ngồi đây nói chuyện với các bạn?

Còn rất nhiều trò chơi dại của trẻ con nữa, ví dụ như khi bị má la mắng hoài, tôi vặn đồng hồ nhanh hơn cả nửa tiếng, để má đi làm, ra khỏi nhà cho sớm! Trò này tôi làm cũng khoảng năm 7, 8 tuổi.

Bạn có nhớ những trò nghịch dại khi chúng ta còn bé không?

Tôi muốn nói rằng, chúng ta không nên quá chắc chắn rằng mình hoàn toàn kiểm soát được con cái. Bạn chủ quan rằng con bạn ở với bạn cả ngày, nhất là khi nó còn trẻ con; việc mở máy tính, lên mạng đều trong tầm mắt của bạn. Thế bạn có chắc những đứa trẻ khác - bạn của con bạn - không bị kiểm soát chặt như thế, tình cờ đọc được FB của bạn và biết cha của bạn nó hết sức "vui tính" trên mạng? Nhất là khi như thói quen của nhiều người, bạn thường xuyên đưa ảnh bạn và con cái bạn trên mạng thì dễ nhận ra và khó bào chữa lắm đấy.

Chuyên gia tâm lý trẻ em nói rằng từ 10 đến 11 tuổi trẻ bắt đầu có những bộc lộ về cá tính và sở thích riêng cũng như bắt đầu biết quan tâm tới các vấn đề xã hội xung quanh mình. Trẻ dần có những biểu hiện của người lớn và cảm thấy giữa mình và bố mẹ có những khác biệt. Trẻ có thể nói dối bố mẹ một số điều, không phải vì trẻ hư hỏng mà vì trẻ không muốn quá dựa dẫm vào bố mẹ nữa. Thay vào đó, chúng tìm đến bạn bè. Chúng tin cậy và cảm thấy được coi trọng trong mối liên hệ này đến mức thà trái lời cha mẹ, thầy cô nhưng được lòng bạn. Nên có nhiều điều chúng ta không biết nhưng bạn chúng quá rõ.

Tôi biết chuyện một nhóm nhân viên trong công ty nọ thỉnh thoảng lại cười rúc rích thông báo với nhau về cập nhật trên FB của.. con gái sếp. Ấy là vì cô con gái nọ đang ở tuổi teen, hay lên FB kể rất chi tiết về những chuyện buồn bực trong gia đình như chuyện mẹ đối xử bất công, cha hay vòi tiền mẹ, cô bé cô đơn trong gia đình... Bạn bè cô bé cũng vào ta thán phụ rất nhiệt tình (ta thán là nói giảm, thực ra chúng .. chửi văng thiên địa!). Vậy là bao nhiêu chuyện đáng lẽ chỉ nên được giữ kín trong phạm vi gia đình sếp thì lại phơi bày ra trước mắt những người muốn biết. Thậm chí chuyện người này người nọ trong công ty hay đối tác tranh thủ "biếu" con gái sếp quà gì nhân sinh nhật, lễ, tết... cũng được bé chụp hình khoe rôm rả và kể tên rành mạch!

Trên những tờ báo dành cho phụ nữ thỉnh thoảng lại có 1 bài viết về quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thay đổi hẳn sau khi hai bên có FB và âm thầm theo dõi nhau. Có bà mẹ chồng tá hỏa khi biết con dâu làm chủ cả một topic kể tội mẹ chồng! Có cô dâu cảm thấy bị "lừa" vì ngày thường thì mẹ rất vui vẻ, nhưng FB của mẹ lại vui miệng kể vài tật xấu của con dâu, rồi những Friend tụm vào bàn luận chê bai. Gặp người điềm tĩnh khách quan thì may, có khi cho lời khuyên sáng suốt, nhưng cũng có nhiều người ưa "comment hùa", bình luận văng mạng. Có những chàng trai tụm lại với nhau bình luận một cô gái nào đó bằng những lời lẽ hết sức phóng túng về các bộ phận cơ thể. Tưởng đùa cợt cho vui miệng, "chốn ảo" mà, xả stress rồi quên đi. Ai dè ngày nọ bạn của người này lại là bạn của người kia... dẫn đến cô bạn gái của một chàng đọc được. Sốc ngả nghiêng vì một hình ảnh quá dung tục của người yêu, cô tuyên bố chia tay.

Nhiều Friend trên mạng xã hội cư xử cứ như thể họ là người vô hình, không ai nhận ra nên chửi bậy nói tục thôi thì... Lý lẽ bào chữa rất yếu ớt, hầu hết nghĩ rằng nơi "mạng ảo" nào ai biết ai là ai? Thế nhưng sau một account vô hình thì vẫn là một con người thực sự. Chưa nói đến việc phóng túng bản thân sẽ dẫn đến thói quen xấu, mà chẳng chắc gì với những bất ngờ của công nghệ ngày nay, gương mặt đằng sau account lại không (bị) lộ diện ngày nào đó.

Thế nên hãy để cho những lời bạn nói ra, dù nói ở nơi nào, đều sạch và tốt.

Hoàng Xuân (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là nhà báo đang sống tại TP.HCM.

>> Dựng chuyện giết người trên Facebook bị phạt 25 triệu đồng
>> Thành viên Facebook bức xúc
>> Nhờ Facebook cứu mạng
>> Chỉ vì mê Facebook

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.