Tin giả lộng hành, nghĩ chậm trước khi 'like' và 'share'

16/08/2018 14:54 GMT+7

Trong thời buổi tin giả 'lộng hành' và gây ra nhiều hậu quả, nên thận trọng trong việc 'like' (thích), 'share' (chia sẻ).

Tôi đồng ý với bài viết Đừng một mình trên Internet là cần phải tuyên chiến với trò tung tin giả lên mạng. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ tuyên chiến? Theo tôi đây phải là việc của cơ quan chức năng và của mỗi người.
Sở dĩ tin giả có đất tung hoành là do những tin thật chậm được công bố, thậm chí ít công bố và đôi khi những người có trách nhiệm lại cứ mập mờ, không dám khẳng định đúng sai.
Thông tin mập mờ
Hẳn ai cũng còn nhớ có một thời gian, liên tục xảy ra trường hợp sản phụ và thai nhi tử vong bất thường ở bệnh viện. Người nhà đau khổ, kéo đến vây kín bệnh viện yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân. Câu trả lời của các cơ sở y tế là nguyên nhân tử vong do thuyên tắc mạch ối hoặc nghi ngờ do thuyên tắc ối. Mà đã thuyên tắc ối thì không dự báo được và cầm chắc cái chết. Tại sao cùng lúc lại có nhiều người mắc phải một biến chứng sản khoa vốn có tỷ lệ mắc phải rất thấp, hiếm gặp như vậy?
Bầu chọn
Theo bạn, làm gì để có thể triệt tiêu tin giả?
Thuyên tắc ối là tình trạng có xâm nhập của nước ối vào trong mạch máu người mẹ, gây ra hàng loạt các biến đổi nguy hại có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong cho sản phụ.
Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 20.000 đến 30.000 ca sinh nở thì có 1 ca bị thuyên tắc ối. Phải chăng vì tỉ lệ tử vong của mẹ nếu bị thuyên tắc ối là từ 70 đến 90% nên cứ hễ có sản phụ tử vong thì cứ đổ cho thuyên tắc ối là hết chuyện? Tại sao không dũng cảm nhận sai nếu mắc phải và tìm cách sửa chữa để lần sau không lặp lại? Chính sự mập mờ, không thẳng thắn nhận khuyết điểm này đã đẩy những bà mẹ hay lo lắng tìm đến phương pháp phản khoa học “sinh thuận theo tự nhiên” gây tranh cãi như lâu nay.
Từ giả biến thành thật
Dư luận từng ồn ào vì những tin đồn về hot girl xứ Thanh Quỳnh Anh là bồ nhí của một quan tỉnh nên có biệt thự, xe sang và quan lộ thần tốc từ nhân viên tạp vụ trở thành trưởng phòng và được đề bạt Phó giám đốc Sở Xây dựng. Tin này quá sốc, quá hot nên ai cũng bàn tán. Lúc đầu, những người liên quan cũng chối đây đẩy, thậm chí Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Công văn số 297-CV/TU bác bỏ những tin đồn được cho là bịa đặt, sai sự thật trên. Nhưng cuối cùng thì sao?
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc sự thật mới bị phơi bày. Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 80/QĐ-Ttg kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2016 - 2021với hình thức cách chức vì đã ưu ái, "nâng đỡ không trong sáng" Hot girl Quỳnh Anh và nhiều khuyết điểm khác. Tin thật này đủ làm những ai vốn từng “like, share” những bài viết về bà Quỳnh Anh trước đó hả hê vì hóa ra bao lâu nay mình đã chia sẻ tin thật mà cứ bị nhầm tưởng là giả.
Chỉ hai chuyện trên thôi cũng đủ nói lên một sự thật rằng: tin giả có đất sống là có nguyên nhân chứ không hẳn do cư dân mạng hồn nhiên hay là kém hiểu biết, tay nhanh hơn não.
Vậy, cần phải làm gì để tin giả không còn đất sống? Phải làm gì để tuyên chiến với tin giả?
Cách duy nhất là phải công khai minh bạch. Cơ quan chức năng phải nghiêm túc trong việc kiểm chứng thông tin và nhanh chóng công bố kết quả để dẹp tan mọi sự nghi ngờ, những lời bàn tán, để nếu có ai đó bị nghi oan sẽ được giải oan, ai đó vi phạm sẽ bị xử lý đúng người đúng tội.
Trong thế giới phẳng này, tin giả có nhiều đất sống nhưng cũng dễ bị giết chết nếu những tin thật có đầy đủ căn cứ thuyết phục sớm được phổ biến thay vì cứ mập mờ, chậm trễ, lẽo đẽo đi sau để cải chính, bác bỏ. Và đồng thời mỗi cư dân mạng cũng nên thận trọng trong việc "like, share"; chậm vài giây trước khi "share", trao đổi thêm với bạn bè - có khi cũng là cách giảm thiểu việc tạo thêm những thông tin thất thiệt, chưa kiểm chứng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.