Tham nhũng vặt ‘như một thứ dịch bệnh’, méo mó hình ảnh công chức?

18/12/2018 10:31 GMT+7

Nhìn thẳng vào thực trạng đội ngũ công chức, rất dễ nhận thấy vấn nạn nhũng nhiễu, thường gọi là 'làm khó để ló ra tiền'...

Theo kết quả công bố tỷ lệ khảo sát và thu thập ý kiến người dân tại các tỉnh thành, nạn tham nhũng vặt đã và đang trở nên phổ biến ở tất cả các địa phương.
Có thể liệt kê vô số hành vi tham nhũng vặt bằng việc bôi trơn, phong bì lót tay để mua bằng cấp, học vị, danh hiệu, chạy quyền và nhiều kiểu “chạy” khác... Nói chung cuộc sống có nhu cầu gì thì người ta đều phải… bôi trơn cả.
Rõ ràng, nếu chỉ biết cậy vào “bôi trơn”, phòng bì lót tay như một kiểu tham nhũng vặt, hình ảnh công chức không thể tránh được méo mó, và họ chưa thật sự là công bộc của người dân.
Nhà nước đang xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, gần dân, vì dân phục vụ   ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Để xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính phục vụ người dân, đòi hỏi phải xây dựng nền hành chính phục vụ.
Xã hội ngày càng phát triển, do đó không có lý do gì phát triển loại hành chính cai trị mà ngược lại phải phát triển hành chính phục vụ. Hành chính phục vụ sẽ hướng tới một nền hành chính gần dân, lấy người dân làm trung tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân.
Các cấp chính quyền và công chức cần quán triệt những tiêu chí của nền hành chính phục vụ. Đó là, xử sự một cách dân chủ, không chỉ ban hành quyết định mà còn giải thích cặn kẽ rõ ràng các quyết định cho thấu tình đạt lý.
Cần có một quy chế hoạt động công vụ đầy đủ và minh bạch  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến nhiều bất cập hiện nay là do trình độ của công chức. Nói như vậy chỉ đúng một phần. Trong thực tế nhiều khi một công chức được đào tạo bài bản, khi thực thi công vụ do không bị những ràng buộc của một quy định chặt chẽ, dẫn đến sai phạm. Thậm chí một số công chức còn “vận dụng” trình độ để “lách luật” gây nhũng nhiễu.
Vì thế, công chức vừa phải có tâm, vừa phải có tầm. Tâm phải đặt lên hàng đầu sau đó mới tầm. Có tầm mà không có tâm thì cũng nguy hiểm. Và, chúng ta cần có những quy định chặt chẽ về hoạt động công vụ để khắc chế những cái “nguy hiểm” ấy, hạn chế được tối đa yếu tố chủ quan của con người tham gia vào quá trình vận hành, hành xử công vụ.
Có một quy chế hoạt động công vụ đầy đủ và minh bạch sẽ tạo điều kiện cho việc giám sát, kiểm tra, xử lý của cấp lãnh đạo, người dân, công luận được dễ dàng. Công chức có cẩm nang dựa vào đấy mà thực thi công vụ một cách mẫn cán, minh bạch và vô tư. Chính quy chế hoạt động công vụ là cái ta đang thiếu, cần nhanh chóng ban hành. Trong lúc chờ đợi có một quy chế chung thống nhất, từng đơn vị, cơ quan, địa phương có thể chủ động soạn thảo ban hành quy chế tạm thời, và coi đấy là khâu có tính chất đột phá cần gấp rút triển khai.
Nhà nước đang xây dựng nhà nước kiến tạo, liêm chính, gần dân, vì dân phục vụ. Điều đáng mừng là chủ trương này luôn xuyên suốt trong xây dựng tổ chức bộ máy hành chính công.
Đúng như quan điểm nhất quán mà Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi gắm tại lễ tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc năm 2018 diễn ra ngày 14.12 vừa qua, để xây dựng Nhà nước kiến tạo, phục vụ, đảm bảo cho công cuộc cải cách hành chính thành công, điều quan trọng phải có đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đủ đức, đủ tài để phục vụ người dân một cách vô tư, trong sáng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.