Tăng lương cần đồng bộ với tăng trưởng kinh tế

25/07/2016 10:19 GMT+7

Trong khi Tổng liên đoàn Lao động và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ‘vô tư’ đưa ra mức tăng lương cao nhất (11,11%), thì đại diện khối doanh nghiệp đòi giảm xuống thật thấp vì lo sợ hụt hơi...

Mấy hôm nay, người lao động lại một lần nữa có dịp hồi hộp dõi theo chuyện Hội đồng tiền lương quốc gia họp phiên đầu tiên bàn về mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2017 theo lộ trình với những góc nhìn khác nhau, tuy rằng có cùng một mục đích là nhằm nâng cao đời sống người lao động.
Song dường như lộ trình này có vẻ chưa thật khoa học, khi mà kinh tế nước nhà ngày một khó khăn, nợ công cao, hàng hoá làm ra tiêu thụ chậm và bị cạnh tranh gay gắt . Bởi vậy, xem ra chỉ có Tổng liên đoàn Lao động và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là "vô tư" khi đưa ra con số tăng lương cao nhất: 11,11%. Còn lại, VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đại diện cho khối doanh nghiệp, chỉ muốn tăng 4-5% và tối đa cũng chỉ 5,1%.
Có một điều cũng đáng ghi nhận: để có thêm thực tiễn cho Hội đồng tiền lương quốc gia bàn thảo vào 20.7 , thì ngày 17.7, một số thành viên trong Hội đồng đã đi thực tế Khu công nghiệp Bắc Thăng long (Hà Nội) và một số nơi khác ở Bắc Ninh. Tại đây, họ tiếp xúc, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người lao động, thấy được môi trường sống hiện tại của người lao động... để Hội nghị có điều kiện nắm bắt sâu sát hơn, không như năm trước, kịch tính căng như dây đàn giữa các bên.
Những chi phí công không hợp lý đều là gánh nặng cho ngân sách mà lẽ ra có thể chuyển sang quỹ phúc lợi xã hội cho người lao động. Đó cũng là một cách tăng lương gián tiếp, không theo lộ trình mà người lao động vẫn có lợi và DN thì tránh khỏi bị hụt hơi trên chặng đua của nền kinh tế thị trường trước lúc bước vào TPP...
Chuyến khảo sát của các vị trong Hội đồng tiền lương quốc gia một lần nữa khẳng định một sự thật vẫn tồn tại lâu nay: lương người lao động không đủ sống so với mức chi tối thiểu hiện nay nếu không làm tăng ca, tăng giờ. Như vậy cũng đồng nghĩa sức khoẻ của người lao động về lâu dài là sẽ ảnh hưởng, không kịp được phục hồi để tái tạo sức lao động. Chỉ vì sinh tồn, họ đành buộc phải làm thêm.
Anh Đinh Quốc Toản – Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội nói: “LTTV năm 2017 phải cao hơn hoặc bằng mức tăng 12,4% của năm 2016”. Tôi nghĩ, đây sẽ là điều hết sức khó cho các DN hiện nay khi kinh tế nước nhà gặp muôn vàn khó khăn, lại chuẩn bị đón nhận Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây vừa là cơ hội lớn nhưng cũng đấy thách thức với nhiều ngành, đặc biệt là ngành dệt may. Không chỉ là giá cả cạnh tranh do năng suất thấp mà cả về chất lượng. Nếu sản phẩm dệt may của Việt Nam không tự lực được nguyên, phụ liệu, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ an toàn cho người tiêu dùng các nước tham gia khối này thì nguy cơ mất thị phần đã hiển hiện. Đây cũng chính là ngành đã "can gián" tích cực nhất và mong HĐ TLQG không nên tăng LTTV vào thời điểm này. Đại diện ngành dệt may cho rằng sẽ khó thực thi quyết định của HĐ TLQG theo như mức tăng mà Bộ LĐ-TB-XH và Công đoàn đề xuất. Trong trường hợp buộc phải tăng lương, họ sẽ giảm nhân lực ở mức có thể. Như vậy, sẽ có nhiều người trong số 2 triệu nhân công ngành dệt may bị mất việc.
Nhiều DN cũng không đồng thuận khi biết Công đoàn Việt Nam còn muốn thu 2% công đoàn phí trên tổng thu nhập thực tế của người lao động (hiện mới thu trên mức lương danh nghĩa). Liệu có nên đề xuất như thế vào lúc này không, khi vô tình làm khó thêm cho DN cũng như người lao động. Trong khi đó, công đoàn bộ phận chưa đủ bản lĩnh để hoàn thành sứ mệnh được người lao động gửi gắm...
Như mọi lần tăng lương trước, vật giá thường nhanh chóng tăng theo. Thậm chí có lần hơi chậm tăng so với kế hoạch thì giá cả thực tế đã lộn tùng phèo hết cả khiến người lao động không kịp chống đỡ. Đến khi nhận lương mới thì giá cả đã nhích lên từ trước đó nhiều ngày.
Nên chăng, chính sách của nhà nước cần được ban hành sao đó có lợi cho người lao động bằng cách thông qua phúc lợi xã hội đầy đặn hơn. Chẳng hạn như có nhiều nhà ở xã hội hơn, có nhiều trường học, nhà trẻ, trạm xá, nhà văn hoá... ở gần các khu công nghiệp, giúp họ hạn chế phải đi xa và tốn tiền lương. Như vậy, dù DN không tăng lương nhưng đời sống người lao động vẫn có thể được cải thiện.
Bên cạnh đó, quỹ lương dành cho bộ máy công chức, viên chức như hiện nay là quá lớn, năng suất lao động rất thấp, không giống những nước khác cũng cần phải kiên quyết tinh giản sớm.
Rồi chi tiêu công cũng cần rút bớt, không có lí gì phải nuôi đến gần 40 ngàn chiếc xe công , trong đó có cả chục ngàn xe dùng chưa đúng chế độ quy định. Hoặc là xây dựng trụ sở, quảng trường, tượng đài quá lãng phí..
Những chi phí công không hợp lý đó đều là gánh nặng cho ngân sách mà lẽ ra có thể chuyển sang quỹ phúc lợi xã hội cho người lao động. Đó cũng là một cách tăng lương gián tiếp, không theo lộ trình mà người lao động vẫn có lợi và DN thì tránh khỏi bị hụt hơi trên chặng đua của nền kinh tế thị trường trước lúc bước vào TPP...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.