Tại sao phải hạn chế sự đam mê quyền lực?

12/08/2015 11:33 GMT+7

Mỗi chính thể cần phải được thiết kế, sẵn sàng cho khả năng ngăn ngừa mọi âm mưu chiếm đoạt quyền lực ở mọi thời điểm và bằng mọi phương cách ở mức độ tồi tệ nhất có thể.

Mỗi chính thể cần phải được thiết kế, sẵn sàng cho khả năng ngăn ngừa mọi âm mưu chiếm đoạt quyền lực ở mọi thời điểm và bằng mọi phương cách ở mức độ tồi tệ nhất có thể.

Đam mê quyền lực chính trị của con người luôn hiện hữu, luôn có khả năng tiến tới vô hạn - Ảnh: Shutterstock
J.Rousseau nói: “Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích”. Sử gia người Anh Arnold J.Toynbee cho rằng câu nói này của Rousseau đã cô đọng lại “nguyên tắc cơ bản” của chủ nghĩa hoài cổ thế kỷ 18 ở phương Tây. Sau Rousseau, các môn đồ của ông, điển hình là Robespierre, bằng một tình yêu “trạng thái tự nhiên” hòa bình hoài cổ, cùng với sự hấp tấp, nóng vội đã đẩy nước Pháp vào “triều đại kinh hoàng” những năm 1793 – 1794 của lịch sử. Ngược lại, Toynbee đánh giá lời Machiavelli là “lời chân thật” dù có phần “tàn nhẫn” khi phơi bày bộ mặt đầy sát khí nơi vị vua hiền triết của Plato. Machiavelli – tác giả cuốn Quân vương - nói: “Bản chất con người là hay thay đổi. Thuyết phục thì dễ nhưng duy trì niềm tin mới là điều khó. Bởi vậy, cần phải đảm bảo rằng khi người ta không còn tin nữa thì phải dùng vũ lực buộc người ta phải tin”.
 
Toynbee đã dẫn ra các bằng chứng từ lịch sử để chứng minh rằng, giả định về một vị hoàng đế hiền triết của Plato trong tác phẩm Cộng hòa là hoàn toàn phi thực tế. Toynbee viết: “Nếu vị vua hiền triết thấy không thể đạt được mục đích bằng sức quyến rũ của mình, ông ta sẽ vứt bỏ vẻ bề ngoài tự tại và vớ lấy thanh gươm”. Khi thanh gươm được vung lên tức là mọi khế ước xã hội đã bị xóa bỏ. Thần dân của vị hoàng đế rơi vào tình trạng mất dần và sau đó là mất hết tự do. Nhưng trớ trêu là những thanh gươm đó lại chưa bao giờ thôi hiện hữu, từ phương Đông sang phương Tây, từ thuở xa xưa loài người đến thế giới hiện đại và con người chưa bao giờ thôi sống trong xiềng xích.   
 
Toynbee không phải không có lý, lịch sử nhân loại không thiếu những bằng chứng về ma lực khủng khiếp của quyền lực chính trị. Ngay cả vị vua hiền triết của Plato cũng sẵn sàng vứt bỏ tất cả vinh quang và sự tự tại của mình để cầm lấy thanh gươm, bảo vệ quyền lực chính trị thì thứ quyền lực đó phải được coi là có sức hấp dẫn vô giới hạn. Vì thế câu hỏi về một phương cách làm sao để ngay lập tức xóa bỏ đam mê quyền lực chính trị là câu hỏi vô nghĩa. Đam mê quyền lực chính trị, vì thế cần phải được nhìn nhận theo cách nhà xã hội học người Pháp Émile Durkheim nhìn về hành vi tội phạm diễn ra trong xã hội. 
 
Durkheim cho rằng hành vi tội phạm trong xã hội cũng bình thường như hệ thống trấn áp nó. “Thiết chế của hệ thống trấn áp là một sự kiện có tính phổ quát không kém gì sự hiện hữu của hiện tượng tội phạm và cần thiết không kém gì trạng thái lành mạnh của tập thể”. Ai cũng coi tội phạm là hành vi bị ghét bỏ và đáng bị ghét bỏ, nhưng cảm thức thông thường kết luận rằng hành vi ấy phải chóng vánh mất đi hoàn toàn là sai lầm. Người ta không thể định giá được sự hữu ích của các hành vi tội phạm đối với xã hội giống như không thể định giá sự đau khổ đối với con người. Durkheim lý luận: “Chẳng phải chúng ta đều ghét sự đau khổ đó sao? Tuy nhiên, thực thể nào không biết đau khổ ắt sẽ là một con quái vật”. Đam mê quyền lực chính trị vì thế cần phải được xem là một bản năng không thể muốn thay đổi là được và không dễ uốn nắn. Nhưng nó là một bản năng có thể được chế ngự cũng như tình trạng tội phạm trong xã hội và sự đau khổ nơi con người.  
Đam mê quyền lực chính trị của con người luôn hiện hữu, luôn có khả năng tiến tới vô hạn và không có trường hợp ngoại lệ. Tức là nó có thể xuất hiện, cùng một mãnh lực dữ dội ngang nhau với tất cả mọi người. Con người càng ở gần vị trí có thể chiếm giữ quyền lực chính trị tối cao thì đam mê càng gia tăng. 
 
Đam mê quyền lực chính trị của con người luôn hiện hữu, luôn có khả năng tiến tới vô hạn và không có trường hợp ngoại lệ. Tức là nó có thể xuất hiện, cùng một mãnh lực dữ dội ngang nhau với tất cả mọi người. Con người càng ở gần vị trí có thể chiếm giữ quyền lực chính trị tối cao thì đam mê càng gia tăng. Mỗi chính thể vì thế cần phải được thiết kế, sẵn sàng cho khả năng ngăn ngừa mọi âm mưu chiếm đoạt quyền lực ở mọi thời điểm và bằng mọi phương cách ở mức độ tồi tệ nhất có thể.
 
Tocqueville đã phát hiện ra trong nền dân trị Mỹ, những thiết kế hữu hiệu cho mục đích ngăn ngừa sự đam mê quyền lực chính trị. Tocqueville mô tả, ở Mỹ, “các đam mê chính trị thay vì diễn ra chốc lát trên toàn bộ bề mặt đất nước như trên một thảm lửa, nó được va chạm mạnh mẽ với những lợi ích và đam mê cá nhân của mỗi bang”. Và như thế, “quyền lực tối cao của Liên bang bị ngáng trở và không đầy đủ hoàn toàn, việc thực thi quyền lực vì thế không nguy hiểm cho tự do”. Ở Mỹ người ta “không thấy những kích động đam mê quyền lực ồn ào và quá trớn”.
 
Hạn chế đam mê quyền lực chính trị, bằng cách không tạo ra một cơ chế cho phép một cá nhân hay một nhóm người có thể nắm trong tay quyền lực vô hạn đối với cộng đồng, đó có phải là thiết kế mang lại tự do, bình đẳng cho người dân Mỹ? Đó có phải là nguyên tắc mang lại sự thực thi đến mức gần như tối hảo cho quyền nhân dân tối thượng ở Mỹ như nhìn nhận của Tocqueville?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.