Tại sao cứ phải đổ xô vào đại học?

19/08/2015 14:28 GMT+7

Báo cáo nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 cho thấy, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên chỉ chiếm hơn 16%. Vậy tại sao cứ phải đổ xô vào đại học? Trong khi đó, học nghề không phải là lựa chọn tệ như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí còn có công việc ổn định, thu nhập khá.

Báo cáo nhu cầu nhân lực tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 cho thấy, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên chỉ chiếm hơn 16%. Vậy tại sao cứ phải đổ xô vào đại học? Trong khi đó, học nghề không phải là lựa chọn tệ như nhiều người vẫn nghĩ, thậm chí còn có công việc ổn định, thu nhập khá.

Vào ĐH gần như là mục tiêu duy nhất của học sinh VN - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Vào ĐH gần như là mục tiêu duy nhất của học sinh VN - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một ngày giữa tháng 5, tôi ghé vào quán trà sữa, súp cua gần nhà thì thấy một cậu bé cao lớn, đẹp trai rạng ngời đang ngồi... lột trứng cút cho chị chủ quán. Vì cũng quen nên tôi hỏi đùa:
- Trợ lý mới hen chị?
Chị chủ tươi cười, nhìn cậu bé, quay lại bảo tôi:
- Con trai chị đó, năm nay lớp 12.
Tôi khen:
- Trời, con trai siêng dữ, chịu phụ mẹ nấu bếp.
Chị bảo:
- Nó thích nấu ăn em ơi. Nó thi xong lớp 12 là đi học nghề nấu ăn. Nó học cũng khá nhưng... (chị tặc lưỡi), thôi, nó thích, chị chiều.
Tôi hơi bất ngờ, một phụ nữ bán quán nhỏ xíu bên đường nhưng rất tiến bộ trong cách nghĩ. Chị vất vả bán buôn, con học khá, chắc chị sẽ rất mong con vào đại học để ‘đổi đời’ nhưng với chị, ý thích và đam mê của con mới là điều quan trọng nhất. Chị lý giải: "Mình cũng đâu muốn ai ép mình làm điều mình không thích. Hơn nữa, nghề nghiệp là cuộc đời của nó, phải để nó quyết chứ".
Với tôi, cậu bé kia cũng dũng cảm không kém vì đi ngược lại lựa chọn của số đông.
Sự thật ít người biết là gần như 100% người học nghề đầu bếp đều có việc làm. Người không có việc chỉ đơn giản là... không muốn đi làm. Anh họ của tôi chỉ học sơ cấp nấu ăn 6 tháng, đi làm ít lâu cũng thành đầu bếp chính một nhà hàng nhỏ. Anh bảo, cực nhất giờ cơm trưa và cơm chiều, còn lại thì anh được nghỉ vì việc vặt thì có các phụ bếp, anh là người đứng nấu món khó và giám sát, món dễ thì cũng có các phụ bếp. Lương 10 triệu đồng (cách đây 8 năm). Chán nhà hàng đó, anh mở quán ăn, kinh doanh cũng ổn nhưng mình anh quản lý không được, không tìm được người phụ, anh sang quán, đi làm quản lý bếp cho người bạn mở khu câu cá, bao ăn ở luôn, mỗi tháng được trả 12 triệu đồng. Em họ của anh là tôi đây học mải miết tới giờ để làm giáo viên thì lương vẫn chưa bằng một nửa của anh ấy lúc đó. Không phải chỉ anh ấy, tôi đã gặp nhiều người học nghề nấu ăn thu nhập rất khá.
Nấu ăn là một nghề chỉ học ngắn hạn nhưng dễ tìm việc - Ảnh: TLNấu ăn là một nghề chỉ học ngắn hạn nhưng dễ tìm việc - Ảnh: TL
Kể vài chuyện nho nhỏ vậy để thấy rằng việc học nghề không phải là lựa chọn tệ như nhiều người vẫn nghĩ. Nấu ăn, cắt tóc, trang điểm, cắt may, sửa xe máy... không cần bạn thông minh xuất chúng, năng khiếu đủ đầy vẫn có thể tìm được việc, kiếm được tiền nuôi sống bản thân. Báo cáo nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 cho thấy, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên chỉ chiếm hơn 16%, còn lại là cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp - dạy nghề và lao động phổ thông không qua đào tạo.
Giữa việc có việc làm lương thiện, có thu nhập riêng, tự lo cho cuộc sống bản thân với việc chỉ có bằng đại học trong tay, rồi thất nghiệp tức chả có thứ gì ngoài cái bằng, viễn cảnh nào dễ chịu hơn?
Đầu tư tiền bạc, thời gian, công sức 4 năm ở đại học trong khi sinh viên đó không yêu thích việc học, không say mê với ngành nghề đã chọn và khả năng học cũng rất trầy trật thì có nên chăng? Những ngày tuyển sinh vừa qua, chuyện học sinh và phụ huynh nộp hồ sơ, rút hồ sơ, đăng ký nguyện vọng tràn lan 4 ngành khác nhau của cùng một trường phải chăng đang phản ánh việc cố vào đại học bằng mọi giá, bất chấp sở thích, khả năng của học sinh và cả nhu cầu nhân lực xã hội?
Nhiều người lo ngại làm các nghề đầu bếp, trang điểm, nhiếp ảnh, thợ sửa xe không cao sang bằng giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, nhân viên văn phòng...? Thực ra, đây là cách suy nghĩ lạc hậu, nặng thái độ phân biệt tầng lớp. Sang hay hèn chủ yếu do cách ứng xử của mỗi người, không phải do nghề. Chắc mọi người cũng thấy cảnh cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, phải ăn bám bố mẹ trong sự tủi hổ, thậm chí còn phải giấu cả việc mình từng tốt nghiệp đại học. Chưa hết, có bằng tử tế rồi còn phải tốn vài chục, vài trăm triệu đồng để luồn cúi chạy việc. Những việc làm như vậy có 'sang' không? Giữa việc có việc làm lương thiện, có thu nhập riêng, tự lo cho cuộc sống bản thân với việc chỉ có bằng đại học trong tay, rồi thất nghiệp tức chả có thứ gì ngoài cái bằng, viễn cảnh nào dễ chịu hơn?
Nói như vậy không có nghĩa là cổ vũ lớp trẻ bỏ đại học hết, chuyển qua học nghề mà tôi muốn nói lựa chọn nào cũng ẩn chứa các cơ hội thành công cả. Vấn đề chính vẫn là ở từng cá nhân. Bạn đam mê gì, có thế mạnh gì và nhu cầu xã hội như thế nào? Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, nhu cầu nhân lực lành nghề đang lên, và cơ hội việc làm cũng có vẻ dễ thở hơn.
Vậy tại sao các em học sinh không nghĩ đến lựa chọn học nghề?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.