Sao dân ta vẫn cứ náo loạn vì tin đồn?

30/12/2015 11:35 GMT+7

Người dân Việt Nam đang rất cả tin nghe theo những lời đồn thổi và những cơn ‘lên đồng’ bất chợt đều xuất phát từ tin đồn.

Người dân Việt Nam đang rất cả tin nghe theo những lời đồn thổi và những cơn ‘lên đồng’ bất chợt đều xuất phát từ tin đồn.

Quá tải từng diễn ra tại một điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX ở TP.HCM chỉ vì tin đồn thất thiệt - Ảnh: Thanh ĐôngQuá tải từng diễn ra tại một điểm tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX ở TP.HCM chỉ vì tin đồn thất thiệt - Ảnh: Thanh Đông
Tin đồn về cơ bản là những tin tức vô căn cứ, không được kiểm chứng, truyền miệng với nhau nhưng người ta lại tin răm rắp. Có những tin đồn vô thưởng vô phạt nhưng cũng có những tin đồn gây náo loạn cộng đồng.
Dù muốn dù không, những tin đồn vẫn len lỏi vào trong ngõ ngách cuộc sống, tràn vào bữa cơm tối từng nhà, từ những chuyện nhỏ nhặt trong xóm, trong ngõ đến những chuyện to tát vĩ mô hơn. Tin đồn cũng như một loại gia vị cho cuộc sống muôn màu và chắc chắn không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn. Nhưng nghe và tin theo những tin đồn lại là chuyện khác.
Khủng hoảng niềm tin
Đối với thế giới, ngày nào cũng có hàng trăm tin đồn đủ các thể loại khác nhau, đủ các lĩnh vực. Nhưng khi đưa những tin đồn đó, người ta luôn cẩn thận thêm chữ “tin đồn” (rumor) vào để người đọc hiểu là tin chưa kiểm chứng, tin hay không là tùy và tin tức đó không có ý nghĩa khẳng định. Còn ở ta, đôi khi có những tin tức còn lập lờ giữa tin đồn và tin chính thống, ấy thế nên mới xảy ra nhiễu loạn thông tin.
Có một điều dễ nhận thấy ở người dân đó là “cái gì cũng không tin và cái gì cũng dễ tin”. Cái sự khủng hoảng niềm tin nó ngày càng lộ ra hơ hớ ở mỗi người dân bởi họ thất vọng đã quá nhiều. Những lời hứa không bao giờ được thực hiện hay nói một đằng làm một nẻo từ các quan chức, từ những người có trách nhiệm, từ những chuyện lớn lao đến chuyện bữa cơm, con cá hằng ngày. Như nhà thơ Gia Hiền đã từng cảm thán, “Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN, thứ rẻ nhất lại là LỜI HỨA”. Họ co mình thủ thế, họ chẳng tin ai, chẳng tin phát ngôn chính thức nào cả, họ thích tin ông hàng xóm, tin đám đông quanh mình.
Sáng qua, mở báo ra đọc, thấy hàng trăm người kéo nhau lên Sở GTVT tỉnh Kon Tum, Daklak … để đổi giấy phép lái xe, chen chúc giành giật với nhau, cũng chỉ vì tin đồn nếu không đổi trước 31 tháng 12 năm 2015 sẽ phải thi lại. Tôi đọc và không cảm thấy ngạc nhiên, bởi việc như thế đã thành thường lệ, chỉ thêm một cái lắc đầu buồn bã cho cái sự cả tin của dân mình.
Cũng giống như bao lần trước, khi xuất hiện tin đồn kiểu như “bắt cóc bán nội tạng” gây hoang mang hay tin đồn nhảm nhí kiểu “người cá 48 kg xuất hiện”. Hoặc ở mức độ nguy hại lớn hơn như vườn cây chữa bệnh ung thư, “cô này, bà này, thầy này” chữa được ung thư là người dân kéo đến quỳ lạy khấn vái để được ban phát ân huệ. Cũng bởi cái sự mất niềm tin mà ra.
Còn một lý do nữa là chúng ta luôn dễ bị dẫn dắt bởi “hiệu ứng đám đông”, nó dường như đã ăn sâu vào máu. Họ ít khi nào dám suy nghĩ độc lập mà chỉ muốn đặt niềm tin vào số đông, e ngại sự khác biệt, sợ phải đứng riêng rẽ một mình, lười biếng cả việc kiểm chứng thông tin và tham gia nhiệt liệt vào những cơn náo loạn vô nghĩa.
Hệ lụy xấu
Nếu những tin đồn thất thiệt được hà hơi tiếp sức bởi những đám đông ít suy nghĩ thì chắc chắn nó sẽ gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội. Như việc người dân ào ào đi đổi giấy phép lái xe, vừa mất thời gian chờ đợi của mình, chính quyền cũng mất công sức và căng thẳng vì quá tải không thể phục vụ nổi. Không biết ai tung ra tin đồn này với mục đích gì, nhưng chỉ có người dân vội vã tin theo là khổ.
Đôi khi, có những tin đồn lại nhằm phục vụ cho một mục đích rõ rệt nào đó. Còn nhớ cách đây vài năm, khi tin đồn chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bị bắt được tung ra đã khiến cho thị trường chứng khoán chao đảo, hầu hết các mã chứng khoán đều giảm điểm trong khi đó giá USD và vàng lại bất ngờ vọt lên. Chắc chắn, những tin đồn như thế là phục vụ cho những lợi ích cụ thể, mù quáng nghe theo là góp phần cho kẻ xấu trục lợi.
Sao dân ta vẫn mãi khốn khổ vì tin đồn?
Mỗi khi gặp những chuyện náo loạn như thế này, tôi luôn tự hỏi tại sao lại ra cơ sự như thế, tại sao dân mất niềm tin như thế, tại sao không ai tuyên truyền giải thích nói rõ cho mọi người hiểu… và nhiều câu hỏi tại sao khác. Những câu hỏi đặt ra và ít khi nào có lời đáp. Với một xã hội mất niềm tin, một xã hội luôn tuân theo đám đông, lười biếng ít chịu tư duy suy nghĩ thì tin đồn sẽ còn hoành hành và gây ra nhiều hậu quả xấu.
Sáng mai tỉnh giấc, ta sẽ lại thấy những tin đồn khác, sẽ lại thấy những đám đông hỗn loạn, sẽ lại thấy sự bất lực nhằm ngăn chặn đám đông. Nhưng ta sẽ không thấy phương án giải quyết từ gốc, không thấy mong muốn lấy lại niềm tin cho người dân, không thấy cách thức tuyên truyền giải thích hiệu quả. Tin đồn cứ thể lững lờ trôi qua những tâm hồn dễ xao động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.