Phụ huynh làm nên sự đổi mới giáo dục

18/09/2014 13:55 GMT+7

Nghĩ đến người khác để phê phán hay nghĩ đến mình dể thay đổi? Theo tôi, chính cha mẹ học sinh phải là người thay đổi và chính cha mẹ học sinh mới là những người làm nên sự đổi mới giáo dục.

Nghĩ đến người khác để phê phán hay nghĩ đến mình dể thay đổi? Theo tôi, chính cha mẹ học sinh phải là người thay đổi và chính cha mẹ học sinh mới là những người làm nên sự đổi mới giáo dục.

>> Gần 75% phụ huynh cho con học thêm
>> Phụ huynh tự mua sắm thiết bị SGK điện tử
>> Tiếp sức cho... phụ huynh
>> Phụ huynh góp phần gây nên 'thảm họa mầm non

 phụ huynh mới tạo nên đổi mới giáo dục
Phụ huynh cần hướng con mình trở thành những đứa trẻ hạnh phúc - Ảnh: Hải Yến

Đọc một bài viết "Ước gì con tôi không phải đi du học" và những bình luận xung quanh đó, thấy cần phải chia sẻ góc nhìn của mình.

Hầu hết, cha mẹ dạy con là thay đổi nhưng chính cha mẹ là những người ít thay đổi nhất. Người ta, thường chờ đợi vào sự thay đổi của Bộ Giáo dục - Đào tạo để hy vọng có những chính sách hợp lòng dân, nhưng khốn nỗi có tới hơn 80 triệu dân thì làm sao mà hợp hết lòng dân được.

Tôi chỉ thấy, người ta kêu, kêu và kêu chứ hành động không nhiều lắm, những người hành động thì thấy ít kêu.

Tôi nghiên cứu về giáo dục và thấy nền giáo dục nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm của nó. Giáo dục Việt Nam chúng ta cũng có nhiều ưu điểm và cha mẹ là người có quyền lựa chọn những ưu điểm cho con mình.

Chúng ta ít quan tâm đến khái niệm "Những đứa trẻ hạnh phúc" mà chỉ quan tâm đến "Những đứa trẻ thành công" trong khi hai thứ đó rất khác nhau. Trong "hạnh phúc" có thể có "thành công" nhưng ngược lại thì chưa chắc. Những đứa trẻ đi du học chưa chắc đã hạnh phúc và thành công hơn những đứa trẻ ở Việt Nam.

Ở Việt Nam đang có nhiều gia đình giáo dục con rất tuyệt vời với nền giáo dục trong nước. Ngay ở trong trường tôi, tôi ngưỡng mộ nhiều bậc cha mẹ có quan điểm "hành động", có em đỗ trường chuyên cũng không học vì cha mẹ cần con hạnh phúc và tôi đảm bảo học sinh này chắc chắn thành công.

Con cái đang phải gánh trên vai quá nhiều ước mơ của cha mẹ chứ không phải là gánh trên vai áp lực của nền giáo dục Việt Nam. Cha mẹ thì sống trong quá nhiều nỗi sợ, sống trong vòng an toàn mà không dám bỏ đi bất kỳ thứ gì.

Con tôi cũng đã từng học trường công, trường tư, trường nổi tiếng đủ cả, tôi chẳng thấy có vấn đề gì ở bất kỳ môi trường nào, cũng không thấy rằng con tôi mất đi hạnh phúc bởi vì tôi và các con lựa chọn không chạy đua với những thứ không dành cho con mình. Một nhóm bạn của tôi cũng thế, chúng tôi thấy phàn nàn chỉ làm mất thời gian.

Năng lực của con không làm được phiếu bài nâng cao thì cha mẹ viết thư cho cô để nói sự thật rằng con tôi không làm được và cháu chỉ học trong sách giáo khoa thôi. Và vì chỉ làm đầy đủ bài sách giáo khoa, học đúng kiến thức trong sách mà con tôi lại luôn được điểm từ 8 - 10 trong các kỳ kiểm tra. Tôi đã nghiên cứu và khẳng định các kỳ thi lớn điểm cơ bản đều từ 8 điểm trở lên.

Cả gia đình tôi lựa chọn không đi học thêm, mỗi giai đoạn con được làm một việc mà con thích, hoàn thành việc trên lớp và dành trọn thời gian cho điều mà con thích. Kỳ nghỉ vừa qua, con trai tôi dành trọn vẹn thời gian để đọc một bộ truyện khoa học giả tưởng, 6 cuốn, mỗi cuốn 400 trang, đọc, nghiền ngẫm, khám phá trong 4 ngày. Nó thường thể hiện sự sung sướng của mình bằng những đoạn cao trào trong chuyện. Nó nói, tới ước mơ, tới khát vọng và nó giữ cam kết của mình sau những ngày nghỉ, đơn giản là vì nó luôn được tôn trọng và làm điều nó thích.

Giáo dục của Việt Nam đang tốt lên rất nhiều, có nhiều sự đầu tư của các cá nhân, tổ chức, có nhiều sự nỗ lực của thế hệ giáo viên trẻ, nhưng điều mà họ khó vượt qua nhất đó chính là định kiến của chính các phụ huynh. Con được khám phá nhiều thì sợ con không thi đỗ vào trường chuyên lớp chọn vì không có thời gian học nâng cao. Con được tôn trọng thì sợ con hư vì như thế là chiều nó... Nỗi sợ, lòng tham, sự an toàn… luôn tồn tại thì làm sao có thể chọn được một môi trường giáo dục phù hợp.

Tôi biết ơn các bậc phụ huynh đã lựa chọn những ngôi trường mới mở, chưa hề có danh tiếng gì vì đối với những người làm giáo dục chúng tôi. Anh chị từ bỏ định kiến, vượt qua nỗi sợ, thoát ra khỏi sự an toàn để mang hạnh phúc đến cho các con - thế hệ tương lai của đất nước.

Tôi mong rằng có nhiều, thật nhiều những bậc cha mẹ hành động.

Trần Thị Hải Yến (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang làm công tác quản lý học sinh tại một trường THCS của Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.