Những tà áo dài phi lí

21/05/2016 13:28 GMT+7

Các nhà thiết kế thời trang Việt đang phô diễn sắc màu thổ cẩm vào các bộ sưu tập. Tiếc thay, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số lại Kinh hóa!

Chiều xuống, phía xa, một tà áo dài trắng, dạo bước giữa đường rừng vắng. Lại gần, mới biết đấy là một học sinh Cơ Tu. Hú hồn. Mình cứ đinh ninh áo dài chỉ xuất hiện ở đồng bằng, ai ngờ xuất hiện giữa rừng rú. Anh bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh đi cùng nói đấy là chuyện thường. Nhưng, bức ảnh anh chụp em học sinh thì chả thường: da em nâu áo em trắng muốt, tóc em xoăn mà áo thì tha thướt…Anh bạn cũng chậc lưỡi: “chả hợp lý tí nào.”
Đấy là chuyện của 5 năm trước, chuyến đi đầu tiên của tôi lên vùng cao, một huyện biên giới tỉnh Quảng Nam. Bây giờ, băng qua nhiều núi đồi, mới biết học sinh thiểu số lấy áo dài làm đồng phục là rất thường. Dọc tuyến đường Trường Sơn qua các cộng đồng Cơ Tu ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, những Gươl làng đúc bê tông, những nhà mồ Pinh Blâng đắp nổi xi măng mô típ rồng phụng cúc mai, và những tà áo dài phấp phới nơi trường học, như minh chứng cho sự xuống cấp văn hóa đồng bào thiểu số.
Tại sao không chủ trương sử dụng trang phục truyền thống của một dân tộc làm đồng phục cho học sinh dân tộc đó?
Điều này tạo thêm đầu ra cho các làng nghề dệt thổ cẩm. Và, khi mặc thường xuyên, học sinh sẽ hiểu được những nét hoa văn, họa tiết tượng trưng cho dân tộc mình để còn bảo tồn, phát huy. Hơn thế, nó còn có tác dụng gấp nhiều lần so với giải pháp tạo không gian văn hóa, hay tổ chức các cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống, vốn chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề.
Ai có thắc mắc: đường núi gập ghềnh bụi bặm, đâu phẳng lì sạch trơn như phố, mặc áo dài có hợp lý? Ngoại hình học sinh thiểu số với đặc trưng riêng, có thích hợp khi mặc áo dài?
Về nguyên tắc mặc đồng phục và lễ phục của học sinh - sinh viên, Điều 3 - khoản 1- điểm a trong Thông tư 26 của Bộ Giáo dục-Đào tạo có ghi: “Bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh, sinh viên và bản sắc văn hóa của dân tộc…” Cũng điều 3, khoản 4 lại ghi: “Khuyến khích học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sử dụng trang phục dân tộc mình trong ngày lễ, ngày tết, ngày hội và trong những ngày nhà trường không quy định mặc đồng phục.” Đọc lên, ai cũng nghĩ trang phục dân tộc thiểu số và đồng phục là hai chuyện khác nhau.
Với người Cơ Tu, làm ra một tấm áo thổ cẩm, từ bông, gai… trải qua se, nhuộm, dệt, tạo hoa văn… rồi đính cườm, là cả một chu trình đời sống văn hóa. Bảo tồn trang phục truyền thống đồng bào thiểu số, người ta bàn nhiều đến hỗ trợ kỹ thuật, bồi dưỡng tay nghề, ưu đãi vốn cho các làng dệt. Ở các làng dệt thổ cẩm ở Quảng Nam, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, người dân lập nên những tổ hợp tác, được ưu đãi vốn vay; nhưng những tổ hợp tác chỉ hoạt động cầm chừng, bởi phụ thuộc hầu hết vào sự thu mua rất thất thường của thương lái dưới xuôi.
Đi khắp vùng cao Quảng Nam, dễ dàng bắt gặp những cô cậu choai choai đầu nhuộm xanh, đỏ; áo quần pha màu xanh, tím lòe loẹt, chả khác thanh niên thị thành. Các nhà thiết kế thời trang đang phô diễn sắc màu thổ cẩm vào các bộ sưu tập, còn trang phục đồng bào dân tộc thiểu số lại Kinh hóa!
Tại sao không chủ trương sử dụng trang phục truyền thống của một dân tộc làm đồng phục cho học sinh dân tộc đó?
Điều này tạo thêm đầu ra cho các làng nghề dệt thổ cẩm. Và, khi mặc thường xuyên, học sinh sẽ hiểu được những nét hoa văn, họa tiết tượng trưng cho dân tộc mình để còn bảo tồn, phát huy. Hơn thế, nó còn có tác dụng hơn nhiều lần so với giải pháp tạo không gian văn hóa, hay tổ chức các cuộc thi trình diễn trang phục truyền thống, vốn chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề.
Rõ ràng, áo dài là trang phục của dân tộc Kinh. Cho học sinh thiểu số mặc áo dài là một sự tiếp tay cho việc bào mòn những giá trị văn hóa của đồng bào thiểu số, làm mất đi tính đa dạng văn hóa của Việt Nam.
Anh Nguyễn Quang Tuấn, một giáo viên đang giảng dạy ở Tây Giang, Quảng Nam cũng thắc mắc: “Các em học sinh Cơ Tu mặc váy hđooh, áo chrơ gul trông rất đẹp, không những vậy, còn thuận tiện cho việc lại, phù hợp điều kiện thời tiết vùng cao. Ngành giáo dục đang thực hiện đưa di sản văn hóa vào trường học, mình không hiểu sao các trường cấp 3 lại không sử dụng những váy áo thổ cẩm này cho học sinh mặc vào những ngày quy định trong tuần.”
Khi tôi có ý kiến rằng giá một bộ quần áo thổ cẩm đắt hơn một bộ áo dài, anh lắc đầu: “trên này hầu như bất kỳ nhà Cơ Tu nào cũng có khung cửi dệt thổ cẩm, nếu cần họ sẵn sàng dệt cho con em họ”. Anh cũng cho biết, mỗi học sinh dân tộc đều có riêng bộ trang phục truyền thống, nhưng chỉ được mặc trong ngày lễ, rồi bỏ không cả năm.
Thực ra, trên cả nước, nhiều trường vùng cao đã chủ trương đưa trang phục truyền thống làm đồng phục trường học, như trường THPT Tây Trà (Quảng Ngãi), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bình Liêu (Quảng Ninh). Ở Quảng Nam, 3 năm nay, trường Phổ thông Dân tộc nội trú Phước Sơn yêu cầu học sinh Mơ Nông mặc trang phục truyền thống vào các ngày thứ hai hàng tuần; tiền may trang phục được nhà trường trích 5% từ Quyết định 109 của UBND tỉnh về hỗ trợ cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Đấy là những chủ trương được báo chí tuyên dương, nhưng quá ít so với thực trạng áo dài phủ khắp trường học vùng cao như hiện này.
Rõ ràng, áo dài là trang phục của dân tộc Kinh. Cho học sinh thiểu số mặc áo dài là một sự tiếp tay cho việc bào mòn những giá trị văn hóa của đồng bào thiểu số, làm mất đi tính đa dạng văn hóa của Việt Nam. Nhiều chương trình du lịch cộng đồng đang được khiển khai ở nhiều tỉnh vùng cao, khách du lịch lên non càng nhiều, và chắc lên non lần đầu, họ cũng giật mình như tôi, khi chiều xuống, phía xa, một tà áo dài trắng…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.