Nhớ Bắc Giang

28/05/2021 17:00 GMT+7

Dù đã lớn tuối và không còn đủ sức khỏe tham gia các đoàn tình nguyện về Bắc Giang chống dịch, nhưng trong lòng tôi, chợt thương nhớ vùng đất mình từng gắn bó...

Năm 1965, Mỹ chính thức đánh bom miền Bắc trên diện rộng. Mùa hè năm ấy, lớp tôi cùng khối 10 trường tôi, Chu Văn An, vừa thi tốt nghiệp trung học( hệ 10 năm), đang chờ vào đại học hay đi bộ đội, đi làm những việc khác nhau, chúng tôi được điều lên Bắc Giang tham gia lao động xây dựng nhà máy phân đạm Hà Bắc. Ngày ấy, hình như Bắc Giang với Bắc Ninh là một tỉnh, nên mới có tên Hà Bắc.
Từ Hà Nội lên Bắc Giang, khoảng 60 cây số gì đó, chúng tôi ngồi tàu chợ Hà Nội-Lạng Sơn, đứa nào cũng hứng khởi. Vì đây là lao động tình nguyện, chúng tôi hồi ấy cứ nghe hai tiếng ‘tình nguyện” là hứng khởi rồi, là sẵn sàng lên đường rồi.
Nhà máy phân đạm Hà Bắc, nằm khá gần sân bay quân sự Kép, là trọng điểm đánh bom của máy bay Mỹ. Mặc kệ, chúng tôi cứ vui. Đi cả lớp là vui rồi.
Lao động tình nguyện, nhưng nhà nước nuôi cơm, ngày ba bữa, vậy thôi, ngoài ra không có gì nữa. Lao động thì rất chi là chân tay, đào hầm hào đường ống dưới nền nhà máy. Lúc ấy, nhà máy mới chỉ có cái nền. Dụng cụ lao động chuyên sâu là cuốc, xẻng, cuốc chim. Mỗi ngày đêm chia làm ba ca. Đám học sinh trẻ chúng tôi được ưu tiên làm ca đêm, từ 9 giờ tối tới 5 giờ sáng. Làm xuyên đêm luôn. Mặc, ca ba thì ca ba, chúng tôi không nghĩ ngợi, cứ thế nhận việc, là làm. Hình như hồi ấy làm ca đêm cũng chả được bồi dưỡng gì, chúng tôi cuốc cào suốt đêm, 5 giờ sáng thì xong ca, ra sân nhà máy…đá bóng luôn. Thế mới biết, tuổi trẻ sướng thật. Trời cho sức khỏe miễn phí, cứ thế là xài. Khỏi cần ngủ nghê gì, đá bóng chán đi tắm, ăn sáng, xong lại bày nhiều trò chơi khác, vì được nghỉ cả ngày, tối lại đi làm ca.
Suốt ba tháng, của đáng tội, chúng tôi chưa biết Bắc Giang mày ngang mũi dọc thế nào. Sông Thương thì chỉ biết trong thơ Tự Lực Văn Đoàn, hình như có được tắm sông Thương một lần gì đó.
Ấy là thời kỳ đầu cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, tình hình chưa quá căng, nên cái nền nhà máy phân đạm chưa bị đánh bom lần nào. Chúng tôi ở lán trại, như những công nhân thực thụ. Các bạn gái trong lớp, hình như ban đầu cũng lên Bắc Giang tham gia lao động ít bữa, sau nhà máy thấy con gái làm ca làm kíp như thế cực quá, nên tiễn các bạn về Hà Nội. Chỉ còn bọn con trai chúng tôi, đỡ giữ ý, cứ quần đùi cởi trần trùng trục, đá bóng xong rồi tắm, thế lại hay.
Cứ mỗi tháng, chúng tôi được thay phiên nhau về Hà Nội vài ngày, gọi là “xả mệt”. Về Hà Nội, dù đang có chiến tranh, vẫn vui. Mãi sau này, khi học đại học sơ tán tận Đại Từ-Thái Nguyên-tôi vẫn thèm khát được về Hà Nội, dù chỉ vài ngày. Về để đi bộ lang thang qua các phố, uống bia hơi, ngắm các em gái bộ đội quân phục xanh mũ mềm, nhiều em xinh ơi là xinh, thế đã đủ thỏa nguyện.
Còn ở nhà máy phân đạm Bắc Giang đang xây dựng, nói thật, con gái hiếm như mỳ chính cánh. Chả sao, vì chúng tôi lên đây lao động tình nguyện, đâu phải đi tán gái. Ngày ấy thật trong sáng.
Mãi sau này, khi hòa bình đã lâu, tôi vẫn rất ít khi được đi ngang qua Bắc Giang, chứ đừng nói ghé lại thăm thú gì. Cơ sự, chỉ vì Bắc Giang với Hà Nội vẫn “gần đường xa ngõ”.
Cho tới năm 2012 hay 2013 gì đó, tôi và mấy người bạn mới có cơ hội ghé Bắc Giang, khi đi từ Cao Bằng về Hà Nội. Hồng Sơn, chú em “xã hội” của tôi, đang làm ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, quê ở ngay thành phố Bắc Giang. Sơn nói với tôi: “Anh ghé Bắc Giang thăm mẹ em, để em nói anh ruột em đón đoàn đi ăn cơm trưa tại thành phố Bắc Giang cho biết.” Đúng là lần đầu thực sự biết thành phố Bắc Giang, là khi thành phố này đã nở nang lắm rồi, phố nhà đã san sát tinh tươm rồi. Chợt nhớ nhà máy phân đạm Hà Bắc, nơi tôi từng lao động tình nguyện ngót 50 năm trước, ngày ấy làm gì đã có thành phố Bắc Giang.
Buổi trưa, anh Minh-anh ruột Hồng Sơn, đón chúng tôi ghé nhà thăm mẹ của Minh và Sơn, sau đó dẫn chúng tôi tới một quán ăn rất thoáng mát ngay giữa thành phố. Đây là quán có món đặc sản là “lợn đen cắp nách”, chế biến thành 5 hay 7 món gì đó. Tất cả xếp trong một cái mẹt tre đan thật to lót lá chuối tươi, để chỉnh chệ giữa bàn. Thơm phưng phức luôn. Đúng là món này có hơi hướng món ăn của nghĩa quân Đề Thám, đậm chất giang hồ mà ăn lại rất ngon, rất sảng khoái. Tôi biết thêm Bắc Giang chỉ từng ấy. Nhưng thật ấn tượng. Chỉ tiếc, mình vẫn chưa có cơ hội về Yên Thế thăm căn cứ nghĩa quân Đề Thám, cũng là nơi sau này nhà văn lớn Nguyên Hồng-người mà tôi rất hâm mộ, đã đưa cả gia đình về đây khai đất hoang làm ruộng, giữ khí chất một nhà văn của người lao động, ngay thẳng, nghĩa hiệp và bất khuất.
Bây giờ thì Bắc Giang lại đang bị dịch bệnh covid tàn hại. Dù đã lớn tuối và không còn đủ sức khỏe tham gia các đoàn tình nguyện về Bắc Giang chống dịch, như ngày xưa tôi đã từng tình nguyện đi lao động xây dựng nhà máy phân đạm Hà Bắc, nhưng trong lòng tôi, chợt thương nhớ vùng đất mình từng gắn bó tuy chưa được nhiều này.
Bắc Giang vẫn còn sông Thương, nghĩa là người Việt mình, dù ở đâu, vẫn thương lắm về vùng đất giàu tình thương ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.