Ngày cưới thành đại tang: Cần đơn giản hoá thủ tục cưới xin?

30/07/2018 14:09 GMT+7

13 người chết , trong đó có cả chú rể, nhiều người bị thương, câu chuyện quá đau đớn bàng hoàng vừa xảy ra ở Quảng Nam. Một đám cưới phút chốc trở thành 13 đám tang, chỉ vì tai nạn giao thông.

Chúng tôi mở các trang báo mạng và thấy lồng ngực như bị ai bóp chặt khi thấy những tựa đề về vụ tai nạn thảm khốc mới xảy ra lúc 3 giờ sáng nay, 30.7 tại địa phận TX.Điện Bàn tỉnh Quảng Nam. Đoàn đón dâu của nhà trai trên chuyến xe 16 chỗ từ H.Hải Lăng, Quảng Trị vào Bình Định thì gặp nạn, khi va chạm với một container.
[VIDEO] Tai nạn 13 người chết ở Quảng Nam: Rạp cưới thành rạp đám tang
Chiếc xe 16 chỗ như bị vò nát, những mâm lễ vật phủ nhiễu đào, đáng lẽ sẽ được trang trọng mang vào nhà cô dâu trong sáng nay nằm lăn lóc bên lề đường, bên cạnh những vết máu chưa kịp khô còn loang lổ và những chiếc dép bơ vơ. Tôi lướt thật nhanh, không dám dừng lại thêm giây nào ở những hình ảnh quá đau đớn ấy. 13 gia đình sẽ vắng cha, mẹ, con cái, có gia đình mất đi nhiều người thân cùng lúc…
Trong danh sách 13 nạn nhân vừa tử nạn được Thanh Niên Online vừa đăng tải, có gia đình mất đi 4 người thân tất cả (bà Ngô Thị Bê cùng hai người con và một người cháu nội). Vợ chồng ông Đặng Xuân Phóng cùng người con của mình cũng đã vĩnh viễn rời xa cuộc đời, trong cùng một ngày, trên cùng một chuyến xe những tưởng toàn những niềm vui…
Ngày cưới thành đại tang, thảm kịch ngày hôm nay ở Quảng Nam khiến tôi nhớ tới vụ tai nạn xảy ra ở Thanh Hoá ngày 24.1.2015. Có 7 trong 9 người đã tử nạn trong chiếc xe 16 chỗ di chuyển từ Nghệ An tới Quảng Ninh dự đám cưới, là anh em, chú cháu của một gia đình… Và còn rất nhiều những tai nạn thương tâm khác, cũng trên hành trình rước dâu, đám cưới…
Tôi đã từng có mặt trong những chuyến xe của đoàn rước dâu hoặc đoàn nhà trai mang sính lễ ăn hỏi tới nhà gái, vì khoảng cách giữa các địa phương quá xa nhau, có thể như từ Thái Bình tới Quảng Ninh, hoặc Hải Phòng tới Nghệ An, mọi người trong đoàn phải dậy từ rất sớm và rời nhà có khi từ 2-3 giờ sáng.
[VIDEO] Bài học đắt giá sau tai nạn xe rước dâu khiến 13 người chết
Khi tài xế có thể chưa quen cung đường và lường trước những bất trắc, đi trong đêm có thể tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và nguy hiểm, đặc biệt vào khung giờ 2-3 giờ sáng, nhiều người còn đang ngái ngủ. Đường càng vắng, thưa xe, sự chủ quan hoặc lơ là, hoặc người cầm lái lỡ ngủ gật , chỉ trong tích tắc thôi có thể dẫn tới những hậu hoạ không thể nào lường trước. Nhưng, vì để kịp “giờ đẹp” làm thủ tục cưới xin, để kịp đón cô dâu về nhà trai đúng giờ hoàng đạo, ra mắt họ hàng hai bên, mọi người đành chấp nhận đi trong đêm tối.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên được cảm giác sợ hãi khi ngồi trên chiếc xe 24 chỗ di chuyển từ TP.Uông Bí về huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) theo đoàn đón dâu gần 10 năm trước. Đoàn xuất phát lúc 3 giờ sáng. Quốc lộ 18 đầy những cung đường vắt vẻo. Ngày đó đường làm gì đã mở rộng và dễ đi như bây giờ. Xe đi giật đùng đùng, chốc chốc bác tài lại phanh gấp đánh rầm, tôi không ngủ được và nơm nớp lo sợ cho đến khi tới đích.
Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, Việt Nam vẫn còn quá nặng nề thủ tục truyền thống cho cưới hỏi. Dù khoảng cách gia đình hai bên có quá xa, đi lại quá tốn kém, nhiều gia đình vẫn gắng gượng để đảm bảo đúng thủ tục dạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu, tiệc cưới nhà trai, tiệc cưới nhà gái, lại mặt… Chưa kể đến những hiểm nguy dọc hành trình có thể gây ra, những thủ tục này cũng khiến tốn kém tài chính, thời gian, gây mệt mỏi cho chính bản thân cô dâu - chú rể, quan viên hai họ.
Hạnh phúc đích thực của đôi trai trẻ không phải được xây dựng bằng những chuyến xe sang, cỗ bàn long trọng trong lúc đón - rước dâu. Hạnh phúc đi từ sự thấu hiểu, trân trọng, và trong bối cảnh này, sự an toàn nên đặt lên trên hơn cả. Ở đâu có an yên, nơi đó là hạnh phúc!.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.