Nâng điểm

20/07/2018 09:25 GMT+7

Tôi thuộc thế hệ 8X đời đầu, và đã từng là một học trò được nâng điểm. Đó là lần được nâng điểm duy nhất trong cuộc đời đi học của tôi.

Chuyện xảy ra như sau: Năm đó, tôi học lớp 7 tại một trường THCS công lập ở một quận nội thành Hà Nội. Trường tôi học bây giờ là trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng thời ấy, nó là một ngôi trường dành cho phần lớn con em công nhân lao động. Bố mẹ tôi là công nhân, đồng lương rất bèo bọt, lo cái ăn còn chưa đủ thì hoàn toàn không thể lo được chuyện chạy trường, chạy điểm cho tôi. Tôi được bố mẹ cho đi học tại ngôi trường đó, đơn giản là vì hộ khẩu nhà tôi ở đó, và cũng vì đi học gần nhà, bố mẹ đỡ mất thời gian đưa đón. Tôi rất ham học, thích học hành, và cũng rất chăm chỉ tự giác học, chưa từng để bố mẹ phải nhắc nhở. Tôi học giỏi đều tất cả các môn khoa học tự nhiên và xã hội. Điểm tổng kết năm lớp 7 của tôi khi đó đạt loại xuất sắc với các môn học đều trên 9 phẩy, thậm chí có môn 10 phẩy. Lớp tôi khi đó có trên 50 học sinh nhưng chỉ có một mình tôi đạt điểm xuất sắc, và có chưa tới 10 bạn đạt điểm giỏi, số còn lại là các bạn xếp loại khá, trung bình, thậm chí có một vài bạn xếp loại học lực kém, và một bạn bị lưu ban.
Thế nhưng, tôi bị “vướng” môn thể dục. Tôi không thích môn thể dục, không có năng khiếu thể dục, và mặc dù đã thực sự cố gắng rất nhiều, điểm tổng kết môn thể dục của tôi năm ấy chỉ đạt 6 phẩy. Điều này có nghĩa là theo quy chế lúc đó, tôi sẽ không được xếp loại học sinh xuất sắc (dù tất cả các điểm số của tôi đều xuất sắc, ngoại trừ môn thể dục) và thậm chí cũng không được xếp loại học sinh giỏi dù để đạt điểm giỏi chỉ cần 8 phẩy.
Thế rồi mẹ tôi đi họp phụ huynh. Lúc họp về, mẹ rạng rỡ và tự hào chúc mừng tôi đã đạt học sinh xuất sắc, đứng đầu lớp. Tôi vô cùng ngạc nhiên, “sao lại thế được nhỉ?” “chuyện gì đã xảy ra?” “Chạy” điểm cho tôi thì chắc chắn mẹ không bao giờ làm vì mẹ không có tiền và vì mẹ luôn tự hào là tôi sẽ tự đứng được bằng đôi chân của mình. Còn tôi khi đó là một đứa rất rụt rè nhút nhát, chỉ biết học và cũng chưa bao giờ từng dám đi xin điểm thầy cô. Mùa hè năm đó, tôi được bạn lớp trưởng kể lại là cô chủ nhiệm lớp thấy tôi chăm ngoan, học giỏi, nên cô rất thương, thế là cô đã chủ động đi xin cô dạy thể dục nâng điểm thể dục cho tôi để tôi không bị thiệt thòi, và cô chỉ làm thế với mỗi mình tôi chứ các bạn học kém, cô không đi xin điểm cho. Cô chủ nhiệm và cô dạy thể dục đã sửa điểm thể dục trong học bạ của tôi mà không hề cho tôi biết cho đến khi tôi nhận lại học bạ và biết rằng mình đã được nâng điểm. Lúc đó, cô không còn chủ nhiệm lớp tôi nữa. Rồi tôi lên lớp 8, đi tiếp chặng đường học hành dài đằng đẵng của mình, và chưa từng bao giờ quay lại để nói lời cảm ơn cô chủ nhiệm và cô dạy thể dục một lần. Thậm chí, đến giờ, ngồi viết những dòng này, tôi còn không thể nhớ nổi tên cô giáo chủ nhiệm và tên cô dạy thể dục của mình khi ấy.
Chuyện nâng điểm, sửa điểm trong kỳ thi PTTH quốc gia năm nay rồi sẽ bị xử lý theo đúng quy trình. Chuyện chạy chọt, chuyện mua điểm, bệnh thành tích sớm hay muộn cũng sẽ bị phanh phui. Thế nhưng, khi gộp hai kỳ thi làm một và lấy điểm thi tốt nghiệp để vào đại học, mà trong đó, với cách tính điểm thi tốt nghiệp hiện hành, khi điểm tổng kết năm học lớp 12 được tính cả vào điểm thi tốt nghiệp thì ai dám chắc sẽ không có chuyện thày cô giáo không “thương” học sinh mà không nâng điểm năm lớp 12 cho các em để các em đều được tốt nghiệp và để có được một điểm tốt nghiệp đẹp vì đó còn là cả một tương lai của các em? Khi cái sự học dường như là con đường duy nhất để thoát nghèo, để thay đời đổi phận, thì thày cô, kể cả những người nghiêm túc nhất, những người trong sạch nhất, cũng đều không muốn nặng tay với học trò của mình. Với một tỷ lệ tốt nghiệp PTTH luôn trên 90% (thậm chí có năm gần 100%) và điểm tổng kết của năm lớp 12 lại được tính gộp vào điểm tốt nghiệp trung học thì liệu có cần thiết phải có một kỳ thi tốt nghiệp khi chúng ta đều biết tất cả sẽ tốt nghiệp và sẽ có cả trường hợp được nâng điểm vì được thày cô thương mến và được nâng điểm một cách hoàn toàn không vụ lợi như trường hợp của tôi hồi năm lớp 7?
Việc xóa bỏ kỳ thi đại học với lý do là tiết kiệm tiền bạc cho các thí sinh, các gia đình, và tiết kiệm chi phí xã hội mới chỉ giải quyết được bài toán kinh tế, bài toán chi phí. Nhưng giáo dục không phải chỉ nằm ở các chi phí kinh tế. Cũng có ý kiến cho rằng ta hãy làm như các nước phát triển phương Tây, đó là xét tuyển vào đại học bằng điểm tốt nghiệp trung học, một bài luận, và các thành tích hoạt động từ thiện, xã hội, thể thao. Nhưng với mặt bằng xã hội nước ta hiện nay, tôi e rằng điều này là không khả thi: xét tuyển vào đại học bằng điểm tốt nghiệp trung học thì đã lộ rõ những lùm xùm, còn các bài luận, các thành tích từ thiện, xã hội, thể thao thì thật không quá khó để mua, để “chạy,” trong một xã hội khi mọi thứ đều được đo đếm bằng phí, bằng giá, bằng tiền. Và nếu không phải là phí, là giá, là tiền, thì sẽ là bằng sự áy náy, bằng sự thương cảm, bằng tất cả những nỗi bất an của những người thày người cô còn chút tâm huyết nhưng không biết phải làm gì để giúp học trò của mình có một tương lai tươi sáng hơn ngoài việc nâng điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.