Năm tầng nhận thức - hành động và ước mơ về một Việt Nam phát triển

06/05/2016 10:18 GMT+7

Chúng ta có thể làm gì để đất nước phát triển khi chúng ta chỉ là những người bé nhỏ và bình thường? Tôi cho rằng có năm tầng nhận thức và hành động để góp phần vào sự phát triển đó.

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đang mong mỏi Việt Nam thực sự trở thành một quốc gia thịnh vượng và phát triển nên chúng ta dễ bực bội, khó chịu khi thấy nhiều chuyện bất bình còn tồn tại như tham nhũng, nghèo đói, bất công, cướp giât…
Chúng ta bức xúc, chúng ta đòi hỏi chính quyền và các nhà lãnh đạo phải hành động. Chúng ta chờ đợi những nhà lãnh đạo tài ba. Sự chờ đợi khiến nhiều người trong chúng ta mỏi mòn và không khỏi thất vọng.
Thay vì chờ đợi, thay vì ngồi đó và đau buồn, tôi nghĩ tự mỗi người trong chúng ta cùng góp tay để Việt Nam phát triển.
Vậy chúng ta có thể làm gì khi chúng ta chỉ là những người bé nhỏ và bình thường?
Trước tiên, chúng ta cần rời bỏ suy nghĩ là nếu chúng ta không phải là những nhà lãnh đạo thì chúng ta không thể làm gì được. Bỏ lối suy nghĩ đó là chúng ta dẹp bỏ được rào cản đã khiến chúng ta trở nên thụ động trước vận mệnh đất nước.
Chúng ta cần thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực hơn để có những hành động tích cực hơn.
Tôi cho rằng có năm tầng nhận thức và hành động để góp phần vào sự phát triển đó.
Tầng thứ nhất: Trở thành một người tử tế và làm tốt công việc của mình.
“Chính tay chúng ta sẽ làm nên những bước ngoặt lịch sử bằng việc sống, yêu, học tập, làm việc và không thỏa hiệp với những cái xấu là đã đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội”.
Nếu chúng ta làm được những gì như tác giả Vân Anh Nguyễn nêu ra trong bài viết “Người trẻ làm gì trong thời cuộc này” (1) thì chúng ta đang tập cho mình ở tầng thứ nhất. Ở tầng này, mọi người từ người lao động chân tay đến lao động trí óc đều có những vai trò riêng quan trọng không kém đóng góp cho sự phát triển nền tảng của đất nước.
Tầng hai: Tạo sự ảnh hưởng tốt ra những người xung quanh.
Nếu chúng ta chỉ làm tốt công việc của mình thì thật ra chúng ta còn rất thụ động. Chúng ta cần chủ động hơn, vượt qua khỏi giới hạn của bản thân để có sự ảnh hưởng và tác động ra bên ngoài.
Nếu chúng ta không xả rác ra đường, chúng ta chỉ đang ở tầng thứ nhất, nhưng nếu chúng ta thấy một người xả rác và nhắc nhở họ là chúng ta đang ở tầng thứ hai. Nếu chúng ta cứ thờ ơ và bỏ qua, người xả rác sẽ không thấy xấu hổ và mắc cỡ với hành động của mình và việc xả rác cứ tiếp diễn. Nếu nhiều người cùng nhắc nhở, họ sẽ thấy việc họ làm là không đúng và sẽ hạn chế nó.
Chắc hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về một người nước ngoài đã kiên quyết chặn xe máy của một người phụ nữ khi họ lái xe vào phố đi bộ và anh ta đã không từ bỏ nó cho đến khi người phụ nữ phải tắt máy và xuống xe dẫn bộ (2)
Một câu chuyện khác về một người Nhật quyết buộc một người Việt phải xếp hàng ở siêu thị Co.opmart, khi người này chen ngang để được tính tiền trước. Ông cũng không từ bỏ ý định của mình cho đến khi người này phải rời hàng đầu và đứng vào hàng cuối (3).
Tại sao người nước ngoài lại hành động như vậy ngay trên đất nước chúng ta trong khi chúng ta lại làm ngơ với những điều sai trái. Hay chúng ta nghĩ rằng chúng ta không làm sai đã là đủ, hay cái xấu đó là nhỏ không đáng cho chúng ta làm to chuyện?
Chúng ta khen họ (những người nước ngoài) có ý thức. Vậy chúng ta có hành động được như họ: quyết liệt đẩy lùi cái xấu? Hay việc này quá tầm tay của chúng ta?
Nếu nhiều người trong chúng ta quyết liệt không bỏ qua những sai trái dù nhỏ, chắc chắn sẽ khiến cho nhận thức của xã hội phát triển và cái xấu sẽ dần bị thu hẹp và cô lập.
Những việc này cũng nên được đưa vào giáo dục cho học sinh và sinh viên để các em có ý thức và chủ động hơn trong đấu tranh với những cái xấu.
Tầng thứ ba: Thực hiện, thúc đẩy cho một lãnh vực nào đó phát triển bắt kịp với tầm thế giới
Cũng với rác, nếu ai đó chế tạo thành công dây chuyền xử lý rác thải và tái chế rác thành những sàn phẩm có ích, giảm ô nhiễm môi trường là người đó đang ở tầng thứ ba
Tầng thứ bốn: Trở thành những người lãnh đạo có tài và có tâm
Ngoài giỏi về chuyên môn về ngành nghề của mình, còn cần phải giỏi về quản lý. Làm một quản lý tốt, anh trở thành một đầu tầu kéo theo cả đoàn tầu đi đúng hướng. Không chỉ có anh là người giỏi và tốt mà sẽ có rất nhiều người dưới anh cũng sẽ là những người giỏi và tốt
Nếu một người xuất sắc trong một lãnh vực nào đó, họ chỉ có thể ở tầng thứ ba. Nếu muốn ở tầng thứ tư, họ phải học rất nhiều về quản lý, nhất là quản lý công và quản lý nhà nước. Quản lý là một công việc khó. Một người có thể giỏi về chuyên môn nhưng có thể không giỏi về quản lý. Nhiều người mắc sai lầm khi cho rằng khi tôi giỏi về chuyên môn thì tôi phải là người đứng đầu.
Cũng với rác, nếu Bí thư Đinh La Thăng sử dụng công cụ quản lý mà mình nắm trong tay xử lý được những người xả rác, xây dựng được hệ thống xử lý rác thải hiệu quả, đưa thành phồ Hồ Chí Minh trở thành thành phố xanh đẹp bằng Singapore như ông đang mơ ước thì ông đang tiến tới tầng thứ tư và tầng thứ năm.
Tầng thứ năm: Trở thành nhà lãnh đạo đứng đầu và xuất chúng lèo lái đưa con tàu Việt Nam vượt cơn sóng dữ để phát triển và trường tồn.
Với một ước mơ lớn và cháy bỏng, không cam chịu Việt Nam là một quốc gia nghèo và không có tiếng nói, chúng ta sẽ phải học, học, học và phấn đấu hơn người. Không thể chỉ với ý muốn đơn thuần là có thể làm được điều đó. Xin đừng bĩu môi và nói: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” hay “mơ ước hão huyền”. Điều đó sẽ làm dập tắt những ước mơ mới ươm mầm hay những hoài bão vừa được thắp lên.
Sẽ không chỉ một mà là nhiều người trong chúng ta, hiện tại đang là những con người bình thường nhỏ bé, trong tương lai sẽ là những người khổng lồ khi bước lên được tầng thứ tư hay tầng thứ năm, họ sẽ thực hiện được ước mơ lớn cùng với tất cả chúng ta. Nếu ai đó chỉ vượt được một đoạn đường, sẽ có những người khác cầm đuốc chạy tiếp con đường đó để đến đích. Nếu một người không thực hiện được, nhiều người sẽ thực hiện được với điều kiện chúng ta đừng từ bỏ ước mơ.
Với mỗi năng lực riêng của từng cá nhân, mỗi người sẽ có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của đất nước mình. Mỗi người phải tự tìm hiểu mình có thể làm được gì, tìm cách để thực hiện điều đó và cố gắng để đạt được một mức tiến cao hơn. Không có gì là dễ dàng để đạt được nếu không có sự cố gắng và phấn đấu. Không có gì là không thể.
Hãy khao khát và phấn đấu, chúng ta sẽ thành công.
Hãy chung tay vì một Việt Nam phát triển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.