Mưa Sài Gòn và người Sài Gòn

23/06/2021 18:41 GMT+7

Bài thơ Mưa Sài Gòn của tôi viết năm 1992. Cũng lâu rồi. Nhưng có lẽ không cũ. Vì mưa thì không cũ. Năm nào mùa mưa nào Sài Gòn cũng có mưa. Và tính cách “vừa mua bán vừa vui chơi” của người Sài Gòn cũng không hề cũ.

Nhưng mưa với mua bán vui chơi thì có gì dính với nhau? Có đấy. Tôi chắc chắn, nhiều người đọc bài thơ Mưa Sài Gòn sẽ không nhận ra điều này. Trong cơn mưa đầu mùa, giữa hai người đàn ông núp mưa, đã diễn ra một “giao dịch mua bán”. Nhỏ thôi. Nhưng lạ. Mua bán… cơn mưa. Bạn đã bao giờ tham gia vào một giao dịch mua bán như thế chưa? Tôi dám chắc là chưa. Nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra với người Sài Gòn.
Tôi trích ở đây một đoạn ngắn về giao dịch mua bán, từ bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân: “Adam Smith, ông tổ của kinh tế học, bảo rằng một giao dịch giữa hai đối tác tự nguyện, nó sẽ không xảy ra trừ khi cả hai bên đều tin rằng mình có lợi. Đó là sự “thuận mua vừa bán” mà bất cứ người dân bình thường nào cũng hiểu được. Chính sự “thuận mua vừa bán”' này mới làm nên vẻ đẹp của giá cả”.
Còn gì đẹp hơn khi hai người thuận mua vừa bán… một cơn mưa? Bạn hãy đọc kỹ câu nói kết bài thơ “Mưa Sài Gòn”:
“nè, ông trả nhiêu cơn mưa đó
kiếm chênh lệch mình vô quán nhậu
Người Sài Gòn hay nói “nhiêu” thay vì “bao nhiêu”. Khi “hai người ngồi nhìn mưa” như tên một truyện ngắn của nhà văn Sài Gòn Trang Thế Hy, thì một giao dịch kỳ lạ như thế hoàn toàn có thể xảy ra. Một người, có thể đã hứng lên, mua… cơn mưa đầu mùa đẹp kỳ lạ này từ một người Sài Gòn kỳ lạ nào đó, và khi núp mưa chung với người bạn chưa quen biết, anh thử “gạ” anh này có thấy mưa đẹp và muốn…mua cơn mưa đó không?
Đây là một giao dịch thuần túy kinh tế, thuận mua vừa bán, theo đúng lý thuyết thị trường của Adam Smith, người bán dạm thử, nếu đối tác có hứng thú, sẽ bàn tiếp tới giá cả. Tôi đoán, khi người mua cơn mưa kia trả tiền để có cơn mưa đó, anh ta rất hồn nhiên, và số tiền phải trả không lớn, chẳng hạn chỉ 50.000 đồng, theo thời giá năm 1992. Đã mua thì phải tìm người mình có thể bán lại, kiếm chênh lệch. Tôi nghĩ, chênh lệch cũng sẽ không lớn, mua 50.000 đồng thì bán lại 100.000 đồng, lời 50.000 đồng, vậy thôi. Để làm gì? Để “anh em mình vô quán nhậu”, đơn giản mà vui đáo để. Tôi nghĩ, nếu là tôi, khi có đề nghị ấy, tôi “OK” liền. Mình mua một cơn mưa đẹp, đẹp cả khi đã tạnh mưa, chỉ mất 50.000 đồng, còn 50.000 “lợi nhuận” kia, thì hai anh em kéo vào quán nhậu vỉa hè, xong béng.
Tóm lại, tôi chỉ mất 50.000 đồng, được cả cơn mưa Sài Gòn, được cả bữa nhậu. Phần anh bạn đối tác, cũng được y như vậy, nhưng anh ta “bảo toàn vốn” vì chả mất gì, lại được bữa nhậu. Hai người kẻ mua người bán đều tin rằng mình có lợi, giao dịch ấy chắc chắn phải thành công.
Tôi sẽ nói về tính cách người Sài Gòn nhân câu chuyện mua bán cơn mưa đầu mùa này, vào một dịp khác...

MƯA SÀI GÒN

mưa trong mắt anh đường phố ướt sũng áo quần
những chiếc xích lô chỏng chơ những chiếc ô giương chới với
hoa phương lềnh bềnh dòng sông khấp khởi
anh không cần gì ở đây một thoáng núp mưa rồi phới
thành phố mấy mươi mùa hoa anh chả rành
thôi thì một chút nổi nênh
ngắm hàng me “nu” phơi bày thân thể
“nè, ông trả nhiêu cơn mưa đó
kiếm chênh lệch mình vô quán nhậu”

6.5.1992
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.