Miền mưa bão

22/09/2021 13:43 GMT+7

Lo cho sự phát triển của một dải miền Trung nghèo khó và nhiều thiên tai lâu nay vẫn là nội dung thường xuyên được quan tâm từ Chính phủ đến các bộ ngành liên quan. Nhưng chừng đó là cần mà chưa đủ!

Theo tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, trên khu vực giữa Biển Đông đã hình thành một vùng áp thấp. Cuối ngày 21.9, vùng áp thấp ở vào khoảng 12 - 13 độ vĩ Bắc, 117 - 118 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía đông đông bắc… Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, kết hợp với gió Đông có khả năng gây ra một đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong các ngày 23 - 24.9. Như vậy sau đợt mưa do bão Conson gây ra vừa qua, đây là đợt mưa to nữa khiến nguy cơ lũ lụt sớm ở miền Trung có thể gây ra nhiều thiệt hại, trong khi dịch bệnh Covid đang diễn biến khó lường.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng El Nino, các nhà khí tượng cho rằng thời tiết miền Trung từ 10 năm nay đã có nhiều thay đổi. Cơn bão số 5 (Conson) và những trận mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua trên diện rộng làm ngập hàng vạn hecta lúa hè thu và hoa màu sắp đến kỳ thu hoạch cũng cho thấy mùa mưa bão đã bắt đầu sớm hơn mọi năm.
Nói đến thiên tai ở miền Trung không thể không liên tưởng đến một khu vực đòn gánh của đất nước vốn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật yếu kém, đời sống người dân thấp và những dự án đầu tư hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vào kết cấu hạ tầng - nhất là ở nông thôn - luôn bị hư hại mỗi năm.
Hãy bắt đầu từ câu chuyện bờ kè Đại Cường trên sông Quảng Huế (H.Đại Lộc, Quảng Nam) hồi năm 2004. Bờ kè này được xây dựng trên nhánh sông Quảng Huế, nối giữa hai hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn nhằm điều tiết dòng chảy để bảo đảm nguồn nước tưới và sinh hoạt cho TP.Đà Nẵng, hạn chế lũ nhiều ngày cho Hội An và vùng hạ lưu sông Thu Bồn vào mùa mưa. Từ tháng 3. 2004, dự án chỉnh trị sông Quảng Huế, trong đó có kè Đại Cường, thuộc chương trình hỗ trợ thủy lợi Việt Nam (VWRAP) với tổng nguồn kinh phí đầu tư trong nhiều năm sau đó lên đến hàng trăm tỉ đồng. Cơ quan chức năng từng kết luận: “Bài toán chỉnh trị sông Quảng Huế xứng đáng được đưa vào sách kinh điển của ngành thuỷ lợi” chỉ vì các nhà khoa học vẫn loay hoay với các giải pháp kỹ thuật. Các trận bão số 2 và số 5 hồi 2007, kèm theo lũ lớn, đã phá nát toàn bộ kè cửa vào sông mới, phá hủy trên 60 m bên trái của tuyến kè hạ lưu và mở ra một cửa sông mới. Do thiếu nghiên cứu nên quy luật “bên lở bên bồi” đã không được chú ý cộng với việc giải ngân chậm vào mùa mưa lũ đã khiến tiêu ma biết bao ngân sách.
Việc sạt lở bờ biển Cửa Đại, Hội An trong vài năm gần đây cũng tốn kém không ít khi các giải pháp tốn kém lại ít chú ý đến hiện tượng sạt lở ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn mà các nhà khoa học đã nghiên cứu trước đó hàng chục năm.
Câu chuyện điển hình trên cho thấy việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật của miền Trung là hết sức tốn kém, đòi hỏi sự nghiên cứu dày công về quy hoạch, thiết kế các công trình hạ tầng lẫn dân cư và quy luật tự nhiên. Ngoài ra còn đòi hỏi sự đầu tư tập trung dứt điểm cho từng công trình. Hiện tượng rót vốn chậm theo kiểu “rải mành mành” cho đầu tư hạ tầng ở nhiều tỉnh là khá phổ biến. Vốn ít lại đến quý 3 mỗi năm mới giải ngân được để triển khai thi công đã tạo ra không ít công trình thủy lợi, giao thông và dân sinh khác ở miền Trung làm mồi cho thủy thần. Điều đó có nghĩa là dù các công trình không phát huy tác dụng nhưng do vay từ các định chế tín dụng quốc tế nên việc trả nợ ở tương lai là không thể tránh.
Tôi còn nhớ, từ đầu năm 2008, tại hội thảo mang chủ đề “Miền Trung - vận hội mới cho đầu tư và phát triển”, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT lúc đó là ông Nguyễn Bích Đạt đã nhấn mạnh mục đích “thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng giao thông, vào các ngành dịch vụ chất lượng cao và các khu kinh tế, khu công nghiệp” cho miền Trung, nhằm rút ngắn dần khoảng cách phát triển giữa các vùng. Theo hội thảo đó, đến năm 2010, toàn vùng từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên, phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%/năm (!), nâng GDP bình quân đầu người đến 750 USD... Bộ Xây dựng sau đó cũng đã xây dựng Đề án chung sống an toàn với lũ, lụt tại 11 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên, đề xuất các giải pháp chung sống an toàn với lũ, trong đó có việc lập quy hoạch xây dựng các khu vực ngập lụt và kiên cố hóa công trình, đặc biệt là nhà ở dân cư. “Các tiêu chuẩn xây dựng này sẽ phải khác nhiều so với tiêu chuẩn các công trình hạ tầng ở những vùng khác, trong đó chú ý tiêu chuẩn nhà ở của dân, các công trình sơ tán khi bão lũ đến. Đây sẽ là căn cứ thống nhất để triển khai các chương trình, dự án phòng chống thiên tai đang thực hiện ở miền Trung”, Chính phủ sau đó khi thông qua đề án này đã nhấn mạnh.
Tuy có nhiều hội thảo, nhiều ý kiến chỉ đạo của các nhà khoa học và từ T.Ư như vậy, nhưng tai họa vẫn không dừng lại. Vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên - Huế), ở Trà Leng - Nam Trà My (Quảng Nam) lại tiếp tục diễn ra với những thiệt hại bi thảm.
Với đập Đại Cường trên sông Quảng Huế, đến nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước trên sông Vu Gia khiến nước mặn dâng lên ảnh hưởng đến dân sinh và cả du lịch cho TP.Đà Nẵng vì thiếu nguồn nước ngọt.
Tóm lại, lo cho sự phát triển của một dải miền Trung nghèo khó và nhiều thiên tai lâu nay vẫn là nội dung thường xuyên được quan tâm từ Chính phủ đến các bộ ngành liên quan. Nhưng chừng đó là cần mà chưa đủ! Các biện pháp triển khai đồng bộ được nghiên cứu cẩn thận từ khảo sát, thiết kế đến thi công, cân đối nguồn vốn kịp thời và có trách nhiệm để các công trình an toàn và phát huy tác dụng cũng hết sức quan trọng. Có như vậy, mới hy vọng mang lại ấm no và niềm tin cho người dân miền Trung mỗi khi “trái gió trở trời”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.