Lý giải vì sao du lịch Đà Nẵng luôn tăng trưởng cao

06/08/2015 06:00 GMT+7

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 ước tính có 3,8 triệu lượt người, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 6 cũng là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6.2014.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015 ước tính có 3,8 triệu lượt người, giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng này cũng là tháng giảm thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 6.2014.

Trái với kỳ vọng của ngành du lịch, đà suy giảm khách quốc tế đến Việt Nam xem ra vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, dù gần đây chúng ta đã họp bàn và đưa ra các giải pháp khắc phục. Từ chuyện chấp nhận đơn phương nới lỏng visa với một số nước sao cho hấp dẫn du khách hơn, đến chuyện người làm du lịch cần "hào phóng nụ cười đón khách" để du khách có thiện cảm nhiều hơn khi đến Việt Nam.

Mới đây, tại phiên bế mạc của HĐND TP.Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố này cho biết: Trong khi du lịch cả nước sụt giảm khách quốc tế đến hơn 11% thì Đà Nẵng vẫn tăng 24,9% về tổng lượng khách.
Ông Trần Chí Cường, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL thì giải thích trực tiếp cho tôi tỉ mỉ hơn. Ông Cường nói: Tổng khách đến Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 2.228.716 người, tăng 24,9% so cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế là 559.925 người, tăng 33,1%, khách nội địa là 1.628.791 người, tăng 22,1% so cùng kỳ 2015.
Da-NangCầu Rồng (Đà Nẵng) với khả năng phun nước, phun lửa - Ảnh: Ngô Huy Hòa
Đó phải chăng là do ở mảnh đất đầy năng động này luôn hấp dẫn du khách hay do họ có bí quyết nào khác chăng?
Để "giải mã" cho câu chuyện này, tôi xin được kể ra đây những gì tôi cảm nhận được sau một kỳ du lịch lần thứ 2 trong đời (nhưng với Đà Nẵng thì lần đầu): du lịch bình dân, vào hồi cuối tháng 7 vừa qua. Tôi được mục kích những chuyện rất thú vị, sau những ngày nghỉ ở nhà một người bạn thân với người em ruột trong gia đình tôi. Gia đình đó đã giao chìa khoá của họ từ Hà Nội cho đại gia đình chúng tôi vào nghỉ. Ngôi nhà này ở một con hẻm lớn (Nguyễn Duy Hiệu), cạnh đường Nguyễn Văn Thoại, cách bãi biển Mỹ Khê không đến 500m.
Do tôi đi kiểu này mới là lần đầu, nên lo xa. Bởi vậy, khi đêm xuống, thấy cổng nhà không được an toàn, tôi rảnh rỗi nên thu dọn luôn đống nồi xoong, bát đĩa và bếp từ cùng cả đống quần áo còn phơi dở chưa khô ngoài sân mang vào nhà cất... Em tôi được phen cười phá khi thấy tôi quá cẩn thận, bảo tôi mang đồ ra và phơi lại đống quần áo.
Hoá ra, dù nhà có cổng khoá sơ sài, trên tường rào cũng không có kẽm gai hay thứ gì có thể gây khó cho kẻ trộm lợi dụng, trèo vào sân, nhưng ở khu dân cư này không bao giờ bị kẻ trộm đột nhập. Thật kỳ lạ, cứ như chuyện ở một nước văn minh nào chứ không phải ở Việt Nam.
Thú vị hơn khi được bác hàng xóm sang nói nhỏ, rất tình cảm: "Chú, cô mới ở Hà Nội vào à? Chú, cô nhớ giúp cho, đây là tổ dân phố phấn đấu không có rác. Vì thế, các chú, các cô nhớ sáng ra quét dọn ngoài hè và đường con hẻm này rồi bỏ vô túi rác nhé! Người dọn rác ở đây họ chỉ thu gom túi theo giờ mà không quét đường đâu đó, nghe!".
Phải chăng, với yếu tố an ninh, trật tự được đảm bảo như vậy khiến cho hiện tượng người tứ xứ đổ về Đà Nẵng đầu tư địa ốc ngày càng nhiều? Có lẽ cũng xuất phát từ khâu an ninh rất đảm bảo này nên dù họ ở tỉnh, thành khác chăng nữa vẫn rất an tâm, không phải thuê người trông coi khi quyết định mua nhà nơi đây?
Tôi thấy đúng là chuyện lạ và cũng đáng suy ngẫm!
Một chuyện khác. Tôi có dịp ngồi ở một quán cà phê bên đường Bạch Đằng cả buổi, nên nghe được đủ thứ chuyện. Một nhóm thanh niên đi phượt (thấy biển xe của họ là của Hà Nội) nói chuyện với nhau. Họ đang "vui như tết" khi kể cho nhau câu chuyện vừa được cảnh sát giao thông "tha" không phạt vì "tội" đi ngược chiều. CSGT lại còn nhẹ nhàng hướng dẫn cả nhóm cách đi đến địa điểm cần đến bằng một thái độ rất xởi lởi, khiến đám trẻ thích thú ra mặt. Họ phát hiện ra cái lạ của cảnh sát ở một thành phố du lịch văn minh, mến khách. Rất thú vị!
Đem câu chuyện khó tin này đi hỏi một nhà báo, vốn là đồng nghiệp với tôi, hiện sống tại Đà Nẵng, anh bảo: “Chuyện này ở Đà Nẵng cũng là chuyện thường thôi. Nó được thực hiện từ khi cố Bí thư Thành uỷ Nguyễn Bá Thanh còn lãnh đạo thành phố này. Hồi đó, quan điểm của ông Bá Thanh rất lạ. Với người dân địa phương thì vẫn phải xử lý cho nghiêm. Còn với người ngoại tỉnh, cần có cách giải thích, hướng dẫn để du khách biết và nhắc nhở thực hiện nếu như chỉ là đi ngược chiều. Còn khi đã vi phạm nghiêm trọng, ví dụ như uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông thì vẫn phải phạt mạnh tay...”.
Lại là một điều thú vị nữa mà tôi được biết sau chuyến du lịch bình dân này. Đó là CSGT ở Đà Nẵng cũng còn là những hướng dẫn viên du lịch kiêm "cảnh sát du lịch", dù chức danh này chúng ta còn đang xem xét, có thể sẽ cho ra đời trong những năm tới khi đã có nhiều ý kiến đề nghị...
Theo ông Huỳnh Đức Thơ, để đạt được mức tăng trưởng về du lịch đáng phấn khởi như vậy là phải nhờ vào rất nhiều yếu tố, như môi trường du lịch tốt, biển Đà Nẵng đẹp và rất sạch, con người nhân hậu, chân chất, nhiệt tình, rồi văn hóa, an ninh trật tự, văn minh thương mại… của Đà Nẵng cũng đã góp phần không nhỏ. Nhưng cái chính được người dân cả nước quý mến là tấm lòng hiếu khách của người dân Đà Nẵng nói chung.
Ông Thơ đưa ra nhận xét: “Những gì đã làm được thì cố gắng giữ và làm cho tốt hơn, trong đó có những việc rất đơn giản, gần gũi nhưng phải làm thì mới được. Cần tập trung tạo môi trường vệ sinh, an ninh trật tự, văn minh thương mại, văn hóa ứng xử thật tốt… Đó là những cái không mất nhiều tiền. Khắp nơi người ta yêu mến Đà Nẵng chính vì điều đó, chứ chưa hẳn vì Đà Nẵng có Bà Nà, có Sơn Trà, có Ngũ Hành Sơn mà người ta đến”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.