Làm rõ trách nhiệm của Formosa và cơ quan quản lý môi trường

02/07/2016 10:04 GMT+7

Ngoài Formosa, chẳng lẽ chẳng có ai có chức năng quản lý công nghiệp và giám sát môi trường, về phía Việt Nam, chịu trách nhiệm trong thảm hoạ cá chết này?

Trong cuộc họp báo chiều ngày 30.6 để công bố nguyên nhân, thủ phạm gây cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, giải pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại cho người dân, Tập đoàn Formosa thú nhận là thủ phạm gây ra sự cố thảm hoạ môi trường và đã đưa ra 5 cam kết chính:
1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam;
2. Bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền tương đương 500 triệu USD;
3. Hoàn thiện công nghệ, xử lý triệt để chất thải, không để tái diễn sự cố môi trường;
4. Phối hợp Việt Nam xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không xảy ra sự cố môi trường;
5. Thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo pháp luật Việt Nam.
Trong 5 cam kết kể trên của Formosa, các điểm (1), (3), (4) và (5) là điều đương nhiên, không cần bàn sâu hơn nếu nhà máy họ còn tồn tại trên đất nước này. Riêng điểm (2) thì chưa đủ. Vì sao?
"Kẻ gây thiệt hai phải chịu bồi thường", đây là một nguyên tắc pháp lý và đạo lý. Bất cứ nhà máy, cơ sở sản xuất hay cá nhân nào ở Việt Nam cũng phải chịu án phạt khá nặng nếu gây ô nhiễm. Formosa đã gây nên một thảm hoạ sinh thái nghiêm trọng trong nhiều tháng qua, và chưa ai dám khẳng định độc tố hoá học còn tồn lưu đến bao nhiêu năm nữa mới giảm bớt. Sau này, nếu người dân bị ung thư, dị tật, quái thai do nhiễm độc thì sao?
Việt Nam cần đưa ra án phạt nghiêm khắc hơn vì tội Formosa vô trách nhiệm vì đã biết sự cố mà không lập tức thông báo ngay cho Việt Nam để khoanh vùng, có biện pháp khẩn cấp hạn chế thiệt hại, kể cả việc tránh cái chết oan ức cho người thợ lặn xuống khảo sát ống chôn xả ngầm và nhiều người đã lỡ ăn cá, làm mắm, làm muối từ nguồn nước nhiễm độc.
 
 Mức bồi thường 500 triệu USD cho cả 3 vấn đề: thiệt hại của người dân, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bồi thường phục hồi môi trường biển thật nhỏ nhoi nếu chỉ so với dân số của 4 tỉnh bị ảnh hưởng chính là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế là gần 4 triệu người. Trong đó, số ngư dân đánh bắt cá biển và người nuôi trồng thuỷ sản ven biển xấp xỉ 1 triệu người; số người làm dịch vụ du lịch, chế biến thuỷ hải sản, xuất khẩu cũng cỡ vài chục ngàn người.
Tính ra bồi thường sinh kế bình quân cho mỗi đầu người chỉ khoảng 125 - 130 USD cho gần 4 tháng (tính nhanh cho ngày có tiền bồi thường) xảy ra thảm hoạ. Nghĩa là mỗi tháng mỗi người dân chỉ được đền bù khoảng 1 triệu đồng. Vậy các năm tháng về sau, họ sẽ thu nhập, đền bù được gì từ biển?
Việc đề xuất "hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp" có lẽ khó khả thi. Chuyển nghề có nghĩa là họ phải bỏ nghề ngư dân, bỏ ngư trường và chủ quyền biển cả? Liệu vùng ven biển miền Trung, ngư dân sẽ làm nghề gì nếu tài nguyên chính của họ là biển, trong khi đất đai làm nông nghiệp và lâm nghiệp rất ít ỏi? Số tiền phục hồi môi trường biển sẽ rất lớn, phải nạo vét toàn bộ trầm tích đáy biển bị nhiễm độc kim loại nặng, phục hồi thảm cỏ biển, san hô và tính đa dạng sinh học biển. Chục tỉ USD liệu có đủ và bao nhiêu năm mới trở lại sinh cảnh ban đầu?
Việt Nam cần đưa ra án phạt nghiêm khắc hơn vì tội Formosa vô trách nhiệm vì đã biết sự cố mà không lập tức thông báo ngay cho Việt Nam để khoanh vùng, có biện pháp khẩn cấp hạn chế thiệt hại, kể cả việc tránh cái chết oan ức cho người thợ lặn xuống khảo sát ống chôn xả ngầm và nhiều người đã lỡ ăn cá, làm mắm, làm muối từ nguồn nước nhiễm độc.
Ngoài Formosa, chẳng lẽ chẳng có ai có chức năng quản lý công nghiệp và giám sát môi trường, về phía Việt Nam, chịu trách nhiệm trong thảm hoạ cá chết này?
Đúng là, "Thân ta, ta phải lo âu/ Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này!" (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.