Không có cơ sở để siết hoạt động thông tin trong các phiên tòa

22/12/2014 18:24 GMT+7

Từ buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân", nhiều tờ báo đã dẫn lại chuyện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra quan ngại khi nhiều quy định về tác nghiệp báo chí trong tòa án có vẻ không ổn.

Từ buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân", nhiều tờ báo đã dẫn lại chuyện Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ ra quan ngại khi nhiều quy định về tác nghiệp báo chí trong tòa án có vẻ không ổn.

 Các phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa ở TAND TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Thí dụ, việc nhà báo không có đủ thẻ nhà báo và giấy giới thiệu thì đã vướng vào "hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND". 
Thực tế lâu nay, khi chưa có pháp lệnh này, nhiều phóng viên đã hoạt động khó khăn tại các phiên tòa rồi. Những tưởng có luật để hợp pháp hóa các hoạt động viết bài đưa tin của báo chí, vì nguyên tắc xét xử của tòa án chúng ta là xét xử công khai (trừ vài trường hợp đặc biệt), thì ở đây có vẻ như cơ quan trình dự thảo lại muốn “mượn luật” để siết báo chí, siết hoạt động thông tin. 
Chúng ta cần hiểu, nguyên tắc xét xử công khai của tòa án còn bao gồm việc đảm bảo mọi công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin quy định tại Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) năm 2013. Vì lẽ đó, tất cả các quy định trong dự thảo liên quan đến báo chí như đã nói đều mang tính chất đi ngược với nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án nhân dân. 

Tôi cho rằng, tất cả mọi người dân, bất kể là ai, đều phải được quyền đến dự phiên tòa nếu đó không phải là phiên tòa xử kín. Nếu có xuất trình giấy tờ để đảm bảo an ninh cho phiên tòa thì chỉ nên quy định xuất trình giấy tùy thân, không phải xuất trình giấy tờ liên quan đến hoạt động báo chí hoặc các loại giấy tờ khác. 

Để đảm bảo phiên tòa không bị ảnh hưởng do việc quay phim, chụp hình, thì cần quy định, khu vực phía trước Hội đồng xét xử, khu vực luật sư, đương sự, bị cáo, người làm chứng, khu vực những thành phần liên quan đến phiên tòa ngồi… thì không được phép đi lại, quay phim chụp ảnh, ghi âm… Ngoài khu vực này ra, tất cả mọi người, không cứ là nhà báo hay không phải nhà báo, đều được phép hoạt động thu thập thông tin phiên tòa đang diễn ra. Như vậy mới đảm bảo một phiên tòa hoạt động theo đúng tinh thần xét xử công khai. 

Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét bãi bỏ các quy định cứng nhắc trong dự thảo pháp lệnh hiện nay, nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thông tin, đồng thời tạo điều kiện cho sự thiếu minh bạch trong hoạt động xét xử có cơ hội tồn tại. 

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, đạo diễn phim sinh sống tại TP.HCM
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.