Khi Karl Marx trở lại

05/06/2021 08:56 GMT+7

Chính sự hưởng lợi quá đáng của toàn cầu hóa dành cho các quốc gia tư bản phát triển, đã dẫn dắt một bộ phận người trẻ đến với Karl Marx.

Những năm gần đây, có xu hướng nhiều người trẻ ở các nước tư bản phát triển Âu-Mỹ tìm về và “phát hiện lại” Karl Marx. Gần đây nhất, ngay trong thời đại dịch covid-19, giới trẻ Nhật lại tìm tới với “Tư Bản luận” của Marx, thông qua những quyển sách nghiên cứu về Karl Marx và chủ nghĩa Tư bản do các học giả người Nhật viết, khiến những cuốn sách này trở nên bán rất chạy, bán đến cháy hàng tại Nhật.

Phải hiểu hiện tượng này thế nào ?

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô đã gây một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn thế giới, thời gian ấy Karl Marx ít được nhắc đến với người trẻ, hoặc có nhắc đến là để phê phán, nhiều hơn là để suy ngẫm và nghiên cứu.
Bây giờ khác.
Khi Marx và Engels viết:
“Giai cấp tư sản bắt buộc tất cả các quốc gia phải tiếp nhận kiểu sản xuất của nó … nghĩa là trở thành tư sản. Nói gọn lại, nó tạo dựng thế giới theo hình ảnh của nó.” (Marx và Engels), thì chúng ta ngay lúc này nghiệm lại, tiên đoán ấy cực kỳ đúng. Cũng nói thêm, là Chủ nghĩa xã hội, trong mấy chục năm tồn tại, cũng đã cố gắng tạo dựng thế giới theo hình ảnh của mình, nhưng rốt cuộc, không thành công. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng có lẽ, cái quan trọng nhất, nằm ở “kiểu sản xuất”. Một khi kiểu sản xuất không phù hợp với xu thế phát triển, thậm chí, ngược với xu thế phát triển, thì tất yếu kiểu sản xuất phù hợp hơn sẽ thắng thế. Kinh tế thị trường đã lên ngôi, và cùng với nó, là toàn cầu hóa kinh tế theo mô hình tư bản chủ nghĩa. Khoan hãy phân tích những tác hại của toàn cầu hóa với những nước nghèo, những quốc gia kém phát triển, và ưu thế gần như tuyệt đối của công nghệ cao đối với nền kinh tế mang tính toàn cầu này, thì việc thế giới phải chấp nhận toàn cầu hóa như một mô hình kinh tế thành công, mặc dù mức độ thành công rất khác nhau với từng khối quốc gia phát triển, đang phát triển và kém phát triển là chuyện đương nhiên. Nhưng chính sự hưởng lợi quá đáng của toàn cầu hóa dành cho các quốc gia tư bản phát triển, đã dẫn dắt một bộ phận người trẻ có học vấn, có suy ngẫm và tìm tòi những câu trả lời, đến với Karl Marx, nhất là đến với “Tư bản luận”, một tác phẩm đứng vào hàng khó đọc nhất thế giới.
Nhưng khó đọc không có nghĩa là không đọc được, không hiểu được.
Chưa kể, bây giờ người ta có thể đọc những quyển sách “Giải mã Tư bản luận” do các học giả đương đại viết. Cũng nói thêm, những học giả này đều đang sống và làm việc tại các nước tư bản phát triển. Không có một học giả đáng kể nào thuộc khối XHCN nuôi khát vọng giải mã “Tư bản luận” của Karl Marx. Điều này không có gì ngạc nhiên, khi chúng ta hiểu được cách đào tạo ở hệ thống trường chính trị-triết học tại Việt Nam, chẳng hạn. Với cách đào tạo ấy, làm sao chúng ta có được những học giả uyên thâm và sáng tạo khi tìm đến và giải mã những vấn đề hóc búa của chính trị, kinh tế và triết học, như vấn đề Tư bản và lý luận về Tư bản của Karl Marx.
K.Marx bây giờ đã thành người của thế giới, những nghiên cứu của ông (cùng Engels) về chủ nghĩa tư bản đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Điều đó nói lên những nghiên cứu ấy là chuẩn khoa học, vô vị lợi, không xiển dương một cách hời hợt, không đả phá một cách cảm tính, mà chỉ thuần lý luận vô tư, thuần khoa học kinh tế-chính trị. Tác phẩm của Karl Marx tiếp tục sống tới ngày nay, và ở những thời điểm nhân loại gặp khủng hoảng, như đang gặp đại dịch covid bây giờ, người ta lại tìm đến những tác phẩm của Karl Marx, cùng những tác phẩm giải mã các trước tác của Karl Marx, dĩ nhiên phải là những tác phẩm xuất sắc, được viết bởi những học giả xuất sắc.
Karl Marx cùng các tác phẩm của ông đã trở lại một cách quá ngoạn mục, thậm chí đây đó trở thành trend( xu hướng) lôi cuốn người ta đến với nó. Cũng chỉ vì hai vấn nạn mà chủ nghĩa tư bản đương đại không giải quyết được, đó là vấn nạn bất bình đẳng xã hội, và vấn nạn ô nhiễm môi trường, dẫn đến những thảm họa môi trường mà nhân loại đang phải gánh chịu.
Không ai tiên đoán rõ hơn về vấn nạn bất bình đẳng trong chủ nghĩa tư bản hiện đại như Karl Marx. Điều mà bây giờ ai cũng thấy, thì Karl Marx đã thấy từ hơn 150 năm trước, khi tư bản đang còn là “tư bản hoang dã”. Cái này là kết quả của những phân tích hệ thống, chứ không phải của những ‘tiên tri” bất chợt.
Trong tác phẩm “Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21” Thomas Piketti đã viết:
“Chủ sở hữu cuối cùng của các công ty và tư bản luôn luôn là những thực thể con người và đích xác chính là những hộ gia đình. Và sự phân bổ bất bình đẳng trong sở hữu tài sản và thu nhập (cổ tức, lợi suất, tiền cho thuê, lợi nhuận đầu tư) vẫn là sự bất bình đẳng chủ yếu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa: ít nhất Marx đã đúng ở điểm này.”
Có thể, Marx còn đúng ở nhiều điểm khác nữa, nhưng chỉ riêng ở đây, sự bất bình đẳng trong chủ nghĩa tư bản đã là nan giải. Thomas Piketti còn có nhận định về một khía cạnh quan trọng của chủ nghĩa tư bản: sở hữu tư bản và bất động sản:
“Việc định giá rất cao giá trị các tài sản trong những năm gần đây là một hệ quả từ tình trạng bong bóng chúng khoán và bất động sản và tỷ lệ tài sản/thu nhập được dự báo sẽ giảm trong những năm tới. Những con số đó không bao giờ thấp hơn mức trong thời kỳ "30 năm vinh quang" và tất cả mọi thứ cho thấy, tài sản và thu nhập trong thế kỷ 21 ít nhất sẽ tương đương với mức đã đạt được trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.”
Thế là người giàu có thể yên tâm. Nhưng người nghèo thì chẳng thể nào yên tâm được, vì họ sẽ không có cơ hội mua được nhà hay đất ở.
Bất bình đẳng bắt đầu từ đó.
Marx không phải nhà tiên tri lặt vặt. Ông nhìn xoáy vào bản chất của chủ nghĩa tư bản, mà bản chất thì rất khó thay đổi.
Những người trẻ ở các nước tư bản phát triển, họ tìm đến những tác phẩm nói về Tư bản của Marx, còn vì những vấn nạn trong hiện tại. Trong đó nổi lên vấn nạn môi trường, và bây giờ, là vấn nạn dịch bệnh.
Ngay ở Mỹ, người ta đã thấy khi covid-19 bùng phát ở đỉnh cao, thì người nghèo là thành phần chịu chết chóc nhiều nhất. Hay vụ ô nhiễm môi trường Formosa “đình đám” ở Việt Nam, thì người nghèo ở mấy tỉnh ven biển miền Trung chịu trực tiếp thảm họa này, là những người khốn khổ nhất.
Đúng lúc chưa thấy ai tiên đoán Karl Marx sẽ trở lại, thì Marx bình thản trở lại, thậm chí, trở lại một cách riết róng, qua phân tích của những học giả đương đại. Chúng ta đọc họ, bỗng vỡ ra, những tác phẩm của Marx ngót vài trăm năm trước, dường như, không phải viết cho những công nhân nghèo, mà viết cho những tầng lớp hậu thế rất tinh hoa, theo cách nói bây giờ. Chính tầng lớp này trong thời hiện đại, đã và sẽ quảng bá tư tưởng Marx một cách mạnh mẽ nhất, sáng rõ nhất, và tới được với nhiều người đọc nhất.
Karl Marx trở lại, là qua những học giả tinh hoa đương đại ấy.
Đúng là trong hiện tại, “chủ nghĩa tư bản không có đối thủ” như tên một bài viết của học giả phương Tây. Nhưng biết đâu, cũng chính những học giả đương đại này, sau khi thấm nhập và phân tích Karl Marx, lại trở thành những đối thủ của chủ nghĩa tư bản, thì sao nhỉ ? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.