Khi đối diện với giáo viên, hãy nhớ mình đã từng là học trò

18/11/2016 10:35 GMT+7

Bức xúc trong câu chuyện 21 nữ giáo viên thị xã Hồng Lĩnh tỉnh Hà Tĩnh bị điều đi tiếp khách đã gây bức xúc dư luận những ngày qua.

Dân tộc Việt Nam có nhiều truyền thống đẹp, trong đó phải nói tôn sư trọng đạo là truyền thống đẹp bậc nhất, tự hào nhất. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, sinh thời đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Đương nhiên, nghề cao quý thì nghề người làm nghề cũng là bậc cao quý. Cái nghề này nó được tôn vinh đến mức, chỉ cần đi dạy học là được cả xã hội gọi bằng thầy, bằng cô.
Đạo thầy trò là một đạo nghĩa mà dân tộc Việt Nam gìn giữ, sáng lên qua bao đời. Không cần nói đâu xa, xin lấy ngay tấm gương của một người con Hà Tĩnh để các cán bộ Hồng Lĩnh soi rọi, đó là đạo làm trò của cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm.
Nguyễn Khắc Niêm (1888-1954), quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, H.Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1907, ông thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế. Cụ đã nhận nhiều trọng trách quan trọng trong triều đình Huế như Thượng thư Bộ Lễ, Phủ doãn Thừa Thiên, Tổng đốc Thanh Hóa. Cụ là cha của một gia đình tập trung nhiều trí thức văn hóa lớn của đất nước như: bác sĩ, nhà văn hóa lớn Nguyễn Khắc Viện; Giáo sư - Tiến sĩ thần học Nguyễn Khắc Dương; nhà văn Nguyễn Khắc Phê; Giáo sư văn học Nguyễn Khắc Phi; dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo.
Có nhiều câu chuyện kể về cụ Hoàng giáp, trong đó câu chuyện được người dân vùng Hương Sơn nhắc đến nhiều nhất vẫn là chuyện về đạo làm trò của cụ. Cụ Nguyễn Khắc Niêm thụ giáo cụ Nguyễn Duy Dư. Thầy mất, cụ Nguyễn Khắc Niêm để tang. Rồi mãi 30 năm sau, khi đã là Thượng thư Bộ Lễ, làm việc trong triều, nghe tin vợ thầy mất, cụ vẫn lặn lội đường xa về phúng viếng. Nghe tin có Thượng thư về viếng tang thầy, quan Tri huyện đem kiệu và võng lọng ra tận bờ sông đón rước. Thế nhưng khi đến cổng xóm vào nhà thầy, cụ Niêm đã xuống kiệu, đi chân đất, mặc cho đất đá lởm chởm trên đường, lên tận nhà thầy trên đỉnh đồi. Thấy thế, quan địa phương cũng vội bỏ giầy, chân đất mà đi theo. Điều đáng nói là, Thượng thư vẫn vái chào rất cung kính người con trai của thầy Duy Dư, dù cho anh này là dân thường và ít tuổi hơn Thượng thư.
Nói thế để thấy việc điều động giáo viên tiếp khách đã gặp phải sự phản ứng dữ dội của xã hội, của dư luận là có lý. Người dân không chấp nhận sự tôn kính của họ dành cho thầy cô đã bị phỉ báng.
Mỗi người chúng ta, đều đã qua thời tuổi thơ cắp sách đến trường, và trong đời ta đã có nhiều thầy cô. Có lẽ chính vì vậy mà, khi trong cuộc sống bình thường hằng ngày, gặp người làm nghề dạy học, dù có bằng tuổi con tuổi em mình, người ta vẫn gọi là thầy, là cô với thái độ lễ phép. Điều đó có thể lý giải rằng, từ trong tiềm thức, khi đối diện với thầy cô giáo, thì con người ta dù lớn tuổi, địa vị, hay giàu có đến đâu, cũng xác định mình như người học trò.
“Quân sư phụ đạo đồng nhất lý”, người xưa đã đặt vị trí người thầy chỉ sau vua, và trên cả người cha. Nói thế để thấy, đạo tôn sư được người Việt trân trọng đến bậc nào. Ngày xưa, người làm quan to đến bao nhiêu, trước ông thầy đồ ở gõ đầu trẻ trong làng, vẫn phải kính cẩn lễ phép.
Không rõ những người kia là ai, lại về đây dự một hoạt động văn hóa, mà lại vô văn hóa đến vậy. Lẽ ra, khi ngồi với thầy cô, con người phải nhớ rằng mình đã từng là học trò, hồi nhỏ đã từng học chữ a, chữ b từ những cô giáo trẻ như thế này. Ngồi nhậu để cô giáo tiếp rượu, rồi quàng vai bá cổ, là không hiểu gì về đạo nghĩa tôn sư, không xứng đáng làm cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở sinh thời đặc biệt nêu cao vị trí vai trò nhà giáo. “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt, người thầy giáo xứng đáng là người thầy vẻ vang nhất, dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương. Song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”, trong bài phát biểu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (10.1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy.
Một khi ngành giáo dục tự hạ thấp phẩm giá của mình, thì không mong gì xã hội kính trọng. Nghề dạy học và người dạy học bị khinh mạn, cô giáo bị đem ra tiếp khách để cuộc chơi được “vui vẻ”, thì không mong gì nói đến quốc gia sẽ vinh quang “sánh vai với cường quốc 5 châu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.