Khi anh góp vào dòng sông dù một gàu nước…

26/06/2021 12:17 GMT+7

Nếu nhiều nhà kinh thiên vạn quyển đầy mình, đọc rất nhiều sách triết học mà vẫn không thể thành nhà triết học, thì hãy tin đi, chỉ vì anh chưa góp vào “dòng sông triết học” ấy dù chỉ một gàu nước.

Cái “góp vào” ấy là của riêng anh, nó quyết định anh là thế nào. Đơn giản, là anh có ích tới mức nào.
Không chỉ trong triết học, các lĩnh vực khoa học và xã hội khác đều như vậy.
Nếu một vị GS-TS chỉ có những bài báo “khoa học” theo kiểu “cắt và dán”, thì dù vị ấy vang danh cỡ nào, chuyên ngành khoa học mà vị ấy toan dự phần vào cũng sẽ không cho vị ấy bất cứ một sự tuyên dương hay biểu dương dù nhỏ, đơn giản, vì GS-TS ấy có đóng góp chút gì cho khoa học đâu!
Mỗi một con người sống ở đời nên nghĩ làm sao mình góp một chút xíu nào đó cho đời, như góp một gàu nước cho một dòng sông lớn. Được như thế, đã thấy thỏa nguyện.
Hãy học một người nông dân lương thiện, họ chăm chỉ vun xới một vườn rau, cần cù trồng một vườn cây ăn quả, có thể những gì họ thu được không nhiều, nhưng họ có đóng góp cho cuộc sống.
“Hãy thức giấc cùng mặt trời” (thơ của nhà thơ Hungary Juhász Gyula), và chắc chắn, hãy ngủ cùng trăng sao, hãy thuận theo tự nhiên, và đừng nói những điều mình không hiểu, làm những điều mình không biết.
Ngày xưa, khi tôi học Tổng hợp Văn nơi sơ tán, thầy giáo của chúng tôi khi đọc bài thơ Tố Hữu có hai câu: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”, ông đã nói: “Lẽ ra, chữ “văn chương” nên sửa là “văn suông” thì đúng hơn. Bây giờ, vẫn cần nghìn trang giấy luận văn chương đích thực chứ, nếu không, chúng ta ngồi ở lớp này làm gì?”
Tôi rất tâm đắc với câu nói ấy của thầy mình! Chúng ta đừng nói quá, dù bất cứ hoàn cảnh nào. Tuyên truyền là nói thật, nói đúng, chứ không nói quá, hay nói xạo. Khi anh góp một gàu nước vào dòng sông, là anh góp phần nhỏ bé của riêng anh, vậy thôi, không so sánh với cái gì hay với bất cứ ai khác.
Không muốn ai hơn mình, đó thực sự là một ảo vọng. Vì rất nhiều người vẫn hơn mình, và mình cũng chỉ là mình thôi, dù cố “dìm hàng” bất cứ ai. Nhìn xuống thấy đường đi, nhìn lên thấy bầu trời, đó là cách sống của những người bình thản.
Nhà thầy má tôi ở quê ngày trước có trồng một cây vú sữa. Đó là cây má tôi trồng, bên thành giếng. Những năm ông bà còn sống, cây vú sữa cứ đến mùa lại cho quả trĩu cành, quả thật thơm ngọt. Khi thầy má tôi qua đời, cây vú sữa như quỵ xuống. Nhiều năm sau, có năm không cho quả, hoặc quả rất ít, nhưng vẫn thơm ngọt. Rồi mấy năm gần đây, tự nhiên trong lòng cây vú sữa già chợt mọc lên một cây mít. Cây mít cứ lớn trong vòng tay ôm ấp của cây vú sữa, và năm nay (2021), nó cho những quả mít bói đầu tiên. Mít chưa chín, nên tôi chưa biết chất lượng quả mít thế nào, nhưng nhìn rất đẹp.
Khi cây vú sữa ôm ấp một cây mít, như mẹ ôm con, tự nhiên mình nhìn mà muốn khóc. Cứ như má ôm mình, dù má mất đã gần 25 năm. Những cây xanh vẫn ôm ấp, vẫn nương tựa vào nhau để sống, và tuyệt đối không tranh giành đất sống của nhau.
Có thể năm nay cây vú sữa nhà cha mẹ tôi vẫn cho quả, và cây mít trong lòng cây vú sữa đã cho quả, thật an lành, thật hạnh phúc.
Chúng ta sống, đôi khi chỉ cần từng ấy, góp cho dòng sông một gàu nước sạch, và nhận về vài trái quả thơm ngọt.
Vậy là thỏa nguyện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.