‘Gót chân Asin’ trong an ninh năng lượng

13/06/2014 07:51 GMT+7

Trong nhiều chục năm qua, Trung Quốc đã dần dần khiến chúng ta bị lệ thuộc lớn vào họ qua việc lựa chọn nhà thầu. Và đến giờ, điều này thật đáng quan ngại. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập tới một khía cạnh, đó là vấn đề an ninh năng lượng và thử tìm một lối ra cho kinh tế "thời hậu Giàn khoan Hải Dương - 981".

>> Chính sách cho an ninh năng lượng
>> Thách thức an ninh năng lượng - Điện năng từ biogas
>> Thách thức an ninh năng lượng: Dầu sinh học
>> Thách thức an ninh năng lượng - Điện gió và sự khởi đầu khó khăn

Điện lực Việt Nam đi trên dây?

Theo tìm hiểu của tôi, hằng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua của Trung Quốc ít nhất cũng khoảng trên 3 tỷ KW/h điện. Họ cũng chính là đối tác xây dựng tại Việt Nam tới 12 lưới điện truyền tải và cung cấp thiết bị hoàn chỉnh, đồng bộ để rồi mỗi khi có trục trặc, lại phải "gõ cửa" họ trong lĩnh vực nói trên.

Nếu trong lĩnh vực thủy điện, hầu hết khoảng 400 dự án nhỏ chúng ta sử dụng thiết bị công nghệ Trung Quốc với tổng công suất 4.000MW, thì 75% thủy điện lớn cũng lại do các nhà thầu Trung Quốc cung cấp máy móc thiết bị với tổng công suất cỡ khoảng 3.600MW nữa. Còn ở lĩnh vực nhiệt điện, chúng ta có tới trên 58% dự án, tương đương 53% tổng công suất cũng là của doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu. Đó quả là những con số đáng suy nghĩ trong lúc này. Phải chăng, đó cũng là bài học khi chọn đối tác đầu tư ở một lĩnh vực mà thiếu tính đa phương, khiến cho rất dễ phụ thuộc mỗi khi có chuyện? Trong một vài năm tới, chúng ta cần nhiều nước có tiềm lực về năng lượng mạnh và lớn như Nga, Mỹ, Nhật... cùng có mặt tại Việt Nam.

Tại sao Trung Quốc thường thắng thầu?

Câu hỏi này, xin dành cho các cơ quan chức năng và có trách nhiệm trả lời. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ về trình độ công nghệ của Trung Quốc. Tôi có liên lạc với Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ, Viện sĩ Thông tấn, Giảng viên Đại học Năng lượng Mátxcơva Liên bang Nga khi trong nước (vào dịp cuối năm ngoái), có thông tin nói rằng máy phát điện do PM (Tập đoàn Máy động lực lớn số một của Nga) sản xuất đang vận hành ở Uông Bí có chuyện không ổn mà báo chí trong nước nêu. Thực tế đã cho thấy, do chất lượng than phục vụ sản xuất của 3 tổ máy ở Uông Bí (tổ máy 110MW và 300MW là của PM chế tạo, tổ máy 330MW là của Babcock & Wilcox Beijing, Trung Quốc chế tạo) đều dùng than của mỏ Vàng Danh khai thác cho nên chất lượng rất kém, ảnh hưởng đến vận hành. Nhưng với máy 300MW của PM thì chu kỳ chạy đạt 83 ngày mới phải dừng để cạo sỉ, còn với tổ máy 330MW của Trung Quốc thì chỉ mới có 12 ngày là đã phải dừng cũng là để cạo sỉ. Ấy vậy mà cũng còn có "nhà tư vấn" của lĩnh vực này vẫn cố tình không muốn hiểu vấn đề, muốn Trung Quốc tiếp tục tham gia vào dự án 1,2 tỉ USD của Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Nga và Mỹ đã thắng thầu, thật hú vía và tránh cho ta  những sai lầm chết người.

Chúng ta cần nhớ một điều, dù là đầu tư với đối tác nào thì cũng phải tính tới chuyện vay vốn và rồi ai là người trả nợ? Không nên tạo gánh nặng cho hậu thế gánh thay.

Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quốc Sỹ nhìn nhận: "Việc chủ đầu tư dùng loại than nào cho thích hợp và quy trình đốt như thế nào vừa là các thông số đầu vào để thiết kế chế tạo lò đốt cho nhà máy nhiệt điện, vừa có thể là các thông số cần phải tối ưu hoá trong quá trình đốt. Dựa trên các thông số này mà chủ đầu tư mới chọn công suất lò tối ưu cho loại than nguyên liệu mà nhà máy sẽ dùng. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư của ta vẫn chọn các nhà thầu giá rẻ. Như vậy sẽ đem lại gánh nặng cho nền sản xuất trong nước cũng như nền kinh tế VN... Và đó là một điều rất đáng quan ngại!... Vấn đề này cần phải có thống kê, nghiên cứu đầy đủ và phải được công luận, xã hội biết đến về sự thờ ơ của một số người có trách nhiệm mà họ coi như không có, mặc dù họ biết”.

Tình hình biển Đông ngày càng nóng lên do Trung Quốc gây ra. Một khi Trung Quốc tính chuyện chơi bẩn với chúng ta trên lĩnh vực năng lượng thì tình hình sẽ ra sao? Bởi đây là ngành nhạy cảm, là "máu", là "trái tim" của một nền kinh tế, của quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Chúng ta đã "thấm đòn" vì hầu hết các dự án do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đều chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư; công nghệ, thiết bị lạc hậu khó, nếu không lại phải "nhờ cậy" với giá cắt cổ.

Bằng nội lực vượt qua thử thách!

Trong quan hệ kinh tế, thương mại, Trung Quốc rất cần Việt Nam và chúng ta cũng rất cần Trung Quốc với thị trường rộng lớn, dễ tính của các tỉnh nghèo phía Nam của họ. Thách thức tuy lớn nhưng cơ hội thoát hiểm không nhỏ.

Về nhập khẩu, chỉ tính rêng năm 2013, chúng ta nhập siêu 23,7 tỉ USD từ Trung Quốc trong tổng kim ngạch lên đến gần 38 tỉ USD, trong đó nhập chủ yếu là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất trong nước. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi các doanh nghiệp Việt Nam thay thế được nguồn nguyên vật liệu từ các quốc gia khác.

Để tìm một lối ra như tôi nêu ở đầu bài viết, đòi hỏi chúng ta phải bình tĩnh, lấy lợi ích Quốc gia, dân tộc làm mục tiêu hàng đầu. Ai đó "cõng rắn cắn gà nhà", dù chỉ trong suy nghĩ cũng phải bị trừng trị đích đáng. Hy vọng thời gian tới, sản lượng sẽ đảo chiều.

Mọi hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Riêng lĩnh vực năng lượng, cũng phải tính chuyện khắc phục bằng nhiều biện pháp và cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy thủy điện ở Sơn La, ở Huội Quảng (Lai Châu) vì nó sẽ góp phần giảm bớt lệ thuộc và khắc phục sự hụt hẫng nói trên.

Điều quan trọng hơn, doanh nghiệp trong nước cần sản xuất ra những loại nguyên vật liệu thay thế hàng nhập ngoại, chỉ có như vậy, chúng ta mới chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, từ việc chuyên bán nông sản, khoáng sản thô sang bán các mặt hàng đã qua chế biến... bằng sự sáng tạo, bằng ý chí và nghị lực của người Việt tự bao đời.

Đúng là chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách phía trước. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta không thể vượt qua! Chúng ta nhất định sẽ vượt qua bởi một nền kinh tế độc lập, tự chủ là nền tảng vững chắc bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc.

Hành Thiện (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.