Giật mình với công văn ngành giáo dục về nêu gương 'hiệp sĩ'

Đinh Thanh Phương
Đinh Thanh Phương
19/05/2018 13:48 GMT+7

Đã đến lúc phải xem lại tư tưởng quên mình vì người khác, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng của mình trong công tác tuyên truyền, giáo dục của chúng ta.

Đọc tin Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các đơn vị trường học tuyên truyền giáo dục đạo đức cho học sinh - sinh viên về tinh thần dũng cảm, hy sinh vì người khác qua tấm gương các “hiệp sĩ” đường phố, tôi lại sốc, như những lần đọc tin tuyên truyền các tấm gương hy sinh khi cứu người chết đuối trước đây.
Bầu chọn
Bạn có đồng ý với lập luận của tác giả không?

Cứu người khác ra khỏi nguy hiểm là điều đáng khuyến khích, nhưng điều quan trọng là cứu được người và giữ được sự an toàn cho chính mình.
Mỗi một thương vong đều đáng tiếc, và không thể làm phép so sánh “một người chết mà cứu được ba người là tốt!”. Bao nhiêu trường hợp một cứu được ba? Và bao nhiêu trường hợp một cứu một và cả hai đều chết?
An toàn cho mình trước hết
Nguyên tắc của việc cứu hộ luôn luôn là an toàn cho người cứu hộ trước, họ có an toàn thì mới đủ điều kiện để cứu người khác.
Trong một buổi học sơ cấp cứu tại trường tôi làm việc, giáo viên hướng dẫn (người Canada) hướng dẫn chúng tôi cứu hộ người bị ngất xỉu trong phòng vắng. Yêu cầu đầu tiên của anh đối với các học viên là “quan sát xem có an toàn không?”. Mọi người bước vào phòng quan sát khu vực xung quanh người bị nạn và đều báo cáo “an toàn rồi!”, chỉ riêng một học viên hô to “dây điện!”, và đúng là có một dây điện phía trên cao đang thòng xuống, nhưng vì nó ở độ cao quá đầu người nên mọi người không để ý. Người hướng dẫn xác nhận đây chính là yếu tố chưa an toàn của tình huống, nếu người cứu hộ không chú ý và cứ xông vào cứu người bị nạn thì có khả năng dây điện ấy rơi xuống gây nguy hiểm cho cả hai người. Như vậy, chúng tôi nắm được bài học phải quan sát kỹ mọi hướng để bảo đảm mình được an toàn trước khi cứu người khác.
Tương tự như vậy, khi đi máy bay, chúng ta đều được hướng dẫn phải đeo mặt nạ oxy cho mình trước khi đeo mặt nạ oxy cho trẻ em đi cùng: chúng ta phải an toàn thì mới bảo đảm được sự ứng cứu an toàn cho người khác.
Học sinh tại trường tôi, một trường quốc tế, được thực tập thoát hiểm khi cháy nổ, có khủng bố đe doạ... Khi Ban tổ chức lên kế hoạch phối hợp diễn tập, chúng tôi - người Việt Nam - đều nghĩ phải dạy cho học sinh cách sử dụng bình cứu hỏa để dập lửa như cách các trường học Việt Nam đang thực hiện, nhưng Ban Giám hiệu - người nước ngoài - rất nghiêm túc bảo: “ưu tiên khi xảy ra sự cố là thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, việc cứu hỏa là việc của lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp, và nhiệm vụ của chúng ta là giúp học sinh có kỹ năng bình tĩnh thoát khỏi vùng nguy hiểm càng nhanh càng tốt, bảo đảm an toàn cho tính mạng học sinh”. Không phải ngẫu nhiên mà nguyên tắc thoát hiểm luôn nhấn mạnh đến việc không quay trở lại khu vực nguy hiểm vì bất cứ lý do gì. Ở đây, nguyên tắc an toàn cho mỗi cá nhân được ưu tiên hơn tất cả mọi thứ khác.
Trân trọng, biết ơn nhưng nên giáo dục điều gì?
Trở lại câu chuyện hiệp sĩ gặp nạn khi đang làm việc nghĩa, chúng ta luôn trân trọng và biết ơn những hành động nghĩa hiệp của các anh, nhưng cần phân định rõ ràng giữa việc đánh giá cao ý nghĩa của một hành động trong một tình huống nguy cấp với việc tuyên truyền giáo dục để hình thành ý thức làm theo hành động đó bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến cho mình và người khác. Chúng ta cần giáo dục học sinh biết yêu quý mạng sống của mình, biết tự bảo vệ mình khỏi nguy hiểm, biết tìm kiếm sự giúp đỡ của những người có đủ năng lực và trách nhiệm để giải quyết vấn đề hơn là khuyến khích học sinh tự giải quyết bằng ý chí hy sinh quên mình. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu các em nghĩ mình phải hành động như các anh hiệp sĩ, bất chấp việc kẻ xấu có vũ khí và sẵn sàng xuống tay tàn ác? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu các em nghĩ rằng khi mình làm việc nghĩa, mình cần tự bảo vệ mình bằng việc đem vũ khí trong người để tự vệ và chiến đấu khi gặp kẻ gian? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu các em có nguy cơ tù tội khi bị phát hiện tàng trữ vũ khí hoặc tệ hơn nữa là ngộ sát trong lúc ra tay hành hiệp?
Một nguy cơ khác nữa khi khuyến khích học sinh làm theo những tấm gương của các hiệp sĩ là việc khiến các em hiểu sai về trách nhiệm của công dân. Trách nhiệm của công dân là làm một người tử tế, tuân thủ pháp luật chứ không phải lầm tưởng rằng vì chính nghĩa mà bất cứ ai cũng có thể “thay trời hành đạo” ra tay diệt ác trừ gian. Trách nhiệm ấy phải do lực lượng an ninh chuyên nghiệp nắm giữ và thực hiện.
Chúng ta đang ở thế kỷ thứ 21, nơi trật tự xã hội được xây dựng dựa trên sự phân công cụ thể, rạch ròi của nhiều lực lượng khác nhau chứ không phải ở thời Lục Vân Tiên để ai ai cũng “giữa đường thấy sự bất bằng chẳng tha” mà chuốc lấy nguy hiểm vào mình và (có thể) người khác.
Xin hãy dạy các em về sự tử tế, về việc không tham lam, về việc mỗi công dân đều phải sống bằng chính thực lực của mình, không dựa dẫm, không tước đoạt của người khác, không dối trá, hơn là dạy các em ý chí về việc dấn thân vào những cuộc chiến không cân sức và ẩn chứa sự đe doạ đến tính mạng của các em. Xin hãy dạy các em tuân thủ luật pháp, hơn là dạy các em thay mặt lực lượng chức năng để xử lý tệ nạn và không hề biết rằng mình đang đẩy chính mình vào vùng nguy hiểm vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.