Đừng chửi nữa, người ơi!

07/09/2018 08:34 GMT+7

Chửi hội đồng, chửi 'tự động', nghe thấy người ta chửi thì mình cũng hùa theo mà không rõ vấn đề... hình như là bệnh khó chữa của nhiều người.

Bên ly cà phê sữa đá buổi sáng, tôi mở Facebook, đập vào mắt ít nhất 10 cái trạng thái đang chửi rủa hoặc bức xúc với cả thế giới. Đại loại, người ta chửi ông Park Hang - seo, huấn luyện viên trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam chiến thuật kém cỏi, trận cần thua thì lại thắng, trận cần thắng thì lại thua để cho đội tuyển Olympic Việt Nam chỉ về thứ 4 ở ASIAD vừa qua. Nhóm khác, chửi kịch liệt tài liệu dạy tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục, từ đó người ta chửi cải cách giáo dục, chửi Bộ GD-ĐT rồi dùng cả những từ ngữ miệt thị, kinh khủng để nói về giáo sư Hồ Ngọc Đại, cha đẻ tài liệu này, người đã ở tuổi 83…
Tôi nhớ, hồi đầu năm, khi mà U.23 Việt Nam thua U.23 Uzbekistan trong trận chung kết ở giải U.23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc, cầu thủ ghi bàn vào lưới Việt Nam hôm đó đã trải qua một đêm quá kinh hoàng khi mà cả ngàn bình luận viết bằng tiếng Việt đổ xô vào trang cá nhân Facebook của anh.
Mới đây thôi, tại ASIAD 2018 ông Park Hang-seo phải nói với các phóng viên Việt Nam đang tác nghiệp tại Indonesia rằng ông không hề dùng tài khoản nào trên mạng xã hội. Sau trận thua của đội tuyển Olympic Việt Nam trước Hàn Quốc, ông Park bị mạo danh hàng loạt trên mạng, không thể đếm được có bao nhiêu bình luận viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh xúc phạm ông bằng những từ ngữ quá xấu xí…
Hình như bệnh "thích thì chửi", chửi "tự động" lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều người Việt và ngày càng có dấu hiệu trầm kha, khi có sự tiếp sức của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Thấy một cô người mẫu nude tố cáo một nghệ sĩ hiếp dâm, phải chửi cô này đã “vì người mẫu nude là không ra gì rồi”. Thấy một tài xế taxi trả lại mấy trăm triệu đồng cho khách bỏ quên, cũng phải chửi vài câu cho bằng chị bằng em “đồ điên, đúng là nghèo còn sĩ”. Thậm chí, thấy mấy bạn trẻ Sài Gòn nhặt rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ sau buổi xem bóng đá ngoài trời, người ta cũng không tha, chụp hình các bạn lên mạng và bình phẩm “mấy đứa điên, bị rảnh”!
Thời đại của mạng xã hội, chưa bao giờ việc trở thành huấn luyện viên bóng đá hay chuyên gia giáo dục, nhà bình luận các vấn đề xã hội dễ đến như thế. Cứ lên Facebook, biên một cái "tút" (status) thật máu lửa để mạt sát người này, chỉ đạo người kia, được cộng đồng mạng hùa theo “đúng rồi, nói chí phải”, thế là nhiều người sung sướng, nghĩ mình đang là chuyên gia thật sự.
Hoặc cũng với một nút “share” (chia sẻ) người ta dẫn ra các video, các bài đăng trên một số trang mạng để chửi rủa tài liệu học tiếng Việt công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại, mà không hề biết rằng tài liệu này ra đời, tồn tại đến nay đã tròn 40 năm, được áp dụng tại Trường Thực nghiệm (Hà Nội) từ năm 1978.
Sáng nay, một người bạn nói với tôi, cô quá thất vọng khi nhiều người bạn của mình vẫn đang chửi ngành giáo dục nước nhà và không phân biệt được hai chuyện hoàn toàn khác nhau là cải cách tiếng Việt của phó giáo sư Bùi Hiền và tài liệu học tiếng Việt công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Tranh luận, phản biện về một vấn đề là điều luôn luôn được hoan nghênh, tuy nhiên sự tranh luận, phản biện cần dựa trên những căn cứ khoa học và người tranh luận thật sự cần những hiểu biết về vấn đề mình đang nói. Sự tranh luận sẽ chẳng đi đến đâu, nếu người ta chỉ biết hùa theo đám đông, thấy người ta bức xúc thì mình cũng “lên đồng” và thỏa sức chửi, buông những lời thậm tệ đến những người mình không hề biết và tuổi tác có khi bằng cụ kị, ông bà mình.
Xã hội có tốt đẹp hơn không khi bạn chỉ biết chửi? Con cháu bạn có tốt hơn không khi đọc được những lời chửi của bạn? Tôi nghĩ là không hề.
Để cuộc đời tốt đẹp hơn, nên làm tốt nhất công việc của mình, lắng nghe nhiều hơn, suy ngẫm nhiều hơn. Nếu không thể yêu thương, xin đừng buông ra những lời cay đắng!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.