Đưa khách say rượu về nhà: Chưa thể gọi là giải pháp

10/02/2015 17:59 GMT+7

Ý tưởng nhân viên nhà hàng dùng xe của khách hoặc sử dụng taxi đưa khách say rượu, bia về nhà rất nhân văn nhưng không phải là giải pháp gốc rễ để hạn chế tai nạn giao thông.

Ý tưởng nhân viên nhà hàng dùng xe của khách hoặc sử dụng taxi đưa khách say rượu, bia về nhà rất nhân văn nhưng không phải là giải pháp gốc rễ để hạn chế tai nạn giao thông.

Cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu để bảo vệ sức khỏe người dân -  Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Mới đây, báo chí đưa tin về một nhà hàng ở Hà Nội được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam chọn là nơi thí điểm mô hình kinh doanh bia, rượu an toàn giao thông.

Đưa người say rượu về nhà để đảm bảo an toàn giao thông không phải là mô hình mới mẻ ở trên thế giới, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một giải pháp hỗ trợ, không mang tính quyết định. Để hạn chế tai nạn giao thông do rượu bia cần một hướng tiếp cận khác có hệ thống và lâu dài
Khách hàng sẽ được nhân viên nhà hàng tư vấn về an toàn sử dụng rượu, bia để đảm bảo tính mạng và tài sản. Khi các “thượng đế” say xỉn sẽ được nhân viên dùng xe của khách hoặc sử dụng taxi đưa về nhà.
Thoạt nghe, mô hình này có vẻ tuyệt vời vì những khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông thường thấy trên đường phố, cổng trường học...nay đã bắt đầu chạm tới nơi “chén chú chén anh” ồn ã suốt ngày đêm. Tuy nhiên, để nhân rộng thì e là khó khả thi bởi đây là cách tiếp cận duy ý chí.
Chuyện đưa khách say xỉn về nhà đồng nghĩa với việc khuyến khích khách cứ uống tẹt ga, khi “tới bến” sẽ có người lo? Khi lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu trong kinh doanh, liệu có nhà hàng nào dám bỏ tiền để tuyển thêm nhân viên đưa khách say về nhà. Vô vàn những điểm “gợn” đặt ra quanh việc này.
Còn các “thượng đế”, mấy ai thừa nhận mình say để chấp nhận người khác đưa về nhà. Nếu biết gạt đi tính sĩ diện thì tôi tin chắc rằng người không làm chủ tay lái kia cũng biết nói lời từ chối ngay trên bàn nhậu.
Tôi đã từng có lần say rượu rồi phóng xe như bay về nhà. Sáng hôm sau tỉnh dậy mới biết mình còn sống, thấy rùng mình khi nghĩ đến những sự cố có thể xảy ra khi lái xe trong trạng thái “phê”. Cũng có lần say quá, tôi đã làm phiền người thân tới đón về lúc nửa đêm. Nhiều người cho rằng công việc hay mối quan hệ bạn bè, tình cảm đồng nghiệp được thiết lập, gắn bó sau những cái chạm cốc “1,2,3,dzô!”. Nhưng tôi ngộ ra rằng đó là điều sai lầm. Uống rượu, bia vừa tốn tiền, hại sức khỏe lại có thể gặp tai nạn, khiến người thân đau khổ. Khả năng uống rượu bia “đỉnh” không có gì là tài giỏi, rượu làm đỏ mặt nhưng có thể làm “đen” nhân cách.
Ở nước ta, trong khi năng suất lao động thấp thì có nhiều người nhậu nhẹt triền miên. Đó là lý do khiến cho quán nhậu mọc lên nhan nhản, tràn ra vỉa hè. Đáng lo ngại khi một thống kê cho thấy Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, và thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bia.
Đưa người say rượu về nhà để đảm bảo an toàn giao thông không phải là mô hình mới mẻ ở trên thế giới, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một giải pháp hỗ trợ, không mang tính quyết định. Để hạn chế tai nạn giao thông do rượu bia cần một hướng tiếp cận khác có hệ thống và lâu dài.
Tại sao không phạt thật nặng những người lái xe say rượu để họ nhớ “giữ mình” mỗi khi ngồi xuống bàn nhậu? Nâng cao ý thức của mỗi người là cách giải quyết tận gốc của vấn đề này. Bên cạnh đó cần siết chặt quản lý, đánh thuế cao vào mặt hàng rượu, bia và các chất kích thích vì ở Việt Nam, giá sữa thì đắt đỏ mà rượu bia, thuốc lá thì rẻ, có thể tìm mua dễ dàng.
Ai cũng biết thông điệp: “Đã uống rượu bia thì không lái xe” nhưng tai nạn giao thông do say rượu, bia luôn ở con số báo động, đặc biệt vào dịp lễ, Tết. Năm 2007, chúng ta đã từng thành công trong việc truyền thông cho người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy. Nhiều người vẫn còn nhớ những đoạn phim đau thương về tai nạn được phát liên tục trên truyền hình.
Thiết nghĩ, nên có thêm những sản phẩm truyền thông tiếp cận về vấn đề tai nạn do rượu bia để người dân nâng cao ý thức và thay đổi hành vi. Muốn bảo vệ những người “mềm như bún” sau cuộc nhậu thì các nhà quản lý cần có chế tài “cứng” hơn hiện nay
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.