Đồng nghiệp ơi, có gì sai chăng?

25/09/2016 20:37 GMT+7

Nhìn hình ảnh những phóng viên co người trước những đòn hiểm hay bị tóm từ sau gáy hoặc bị kẹp như kẻ phạm tội mà mắt cứ nhòa dần, lòng đau như chính mình bị đánh vậy và tôi muốn hỏi: Đồng nghiệp ơi, có gì sai chăng?

Chỉ trong 3 ngày đã xảy ra 2 vụ công an hành hung phóng viên. Câu chuyện của anh Đỗ Thanh Hải, phóng viên thường trú của VTC News tại Đắk Lắk, bị nhóm công an viên vây lấy, không chế và bị tước phương tiện hành nghề, chưa làm dư luận nguôi bức xúc thì hình ảnh anh Trần Quang Thế, phóng viên của báo Tuối Trẻ bị đá, bị đấm đến phụt máu mồm khi đang tác nghiệp trên cầu Nhật Tân, càng khiến dư luận thêm bất bình và không hiểu chuyện gì đang xảy ra với báo giới.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Cư Kpô, H.Krông Búk (Đắk Lắk) tổ chức xin lỗi phóng viên Đỗ Thanh Hải. Tương tự, ở Hà Nội, thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh xin lỗi báo Tuổi Trẻ và phóng viên Trần Quang Thế. Tiếp sau đó, thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP.Hà Nội cũng hứa với báo Tuổi Trẻ sẽ xử lý nghiêm vụ việc phóng viên Trần Quang Thế bị đánh.
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Điều 20 Hiến pháp năm 2013
Việc nhận trách nhiệm và chỉ đạo xử lý nhanh vụ việc công an hành hung phóng viên của cơ quan công an rất đáng ghi nhận. Nhưng, câu hỏi lớn hơn là: Làm gì để không còn tình trạng công an lạm dụng công vụ, quyền lực để cản trở, tước phương tiện hành nghề trái phép và đánh phóng viên khi tác nghiệp nữa?
Chưa bàn đến việc đúng, sai khi tác nghiệp của phóng viên, chỉ hành vi đánh người đến chảy máu mồm của cảnh sát đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm hại nghiêm trọng đến quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân đã được quy định ở Khoản 1, Điều 20 trong Hiến pháp năm 2013: 
“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể còn là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948, Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị năm 1966 và Việt Nam cam kết thực hiện thông qua việc tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ngày 24.9.1982.

[VIDEO] Cảnh sát Hình sự H.Đông Anh đuổi đánh phóng viên Báo Tuổi Trẻ - Thực hiện: Minh Chiến
Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân
Lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam
Nếu, những người công an đang thực thi công vụ vì áp lực công việc mà quên những quyền cơ bản của con người, những điều đã được hiến định mà bản thân họ và người thân của chính họ cũng nằm trong phạm vi bảo hộ của hiến pháp thì lẽ ra họ cần phải nhớ đến Điều 3 trong 5 Lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam:
“Kính trọng, lễ phép với nhân dân. Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.
Nội dung lời thề danh dự trên còn được lặp lại ở  Điều 5 trong 10 Điều kỷ luật của Công an Nhân dân Việt Nam: “Nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân không điều kiện. Có thái độ niềm nở, lịch sự, đúng mực khi tiếp xúc với mọi người; kính trọng người già, yêu mến trẻ em, tôn trọng phụ nữ, giúp đỡ người tàn tật. Không hách dịch, cửa quyền, thô bạo, gây phiền hà, sách nhiễu đối với nhân dân”.
Hãy nhìn thái độ và hành động của các thuộc cấp của thượng tá Phạm Nam Thắng trên cầu Nhật Tân sáng 23.9 hay các công an viên ở xã Cư Kpô hôm 21.9. Dường như họ đã quên béng những Lời thề danh dự và quên tuốt cả những Điều kỷ luật của Công an Nhân dân.
Thật mủi lòng khi công vụ bị nhân danh, những lý lẽ bị thay bằng cơ bắp, nắm đấm. Nhìn hình ảnh những phóng viên co người trước những đòn hiểm hay bị tóm từ sau gáy hoặc bị kẹp như kẻ phạm tội mà mắt cứ nhòa dần, lòng đau như chính mình bị đánh vậy và tôi muốn hỏi: Đồng nghiệp ơi, có gì sai chăng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.