Dịch bệnh và giá trị đạo đức: Bài học từ Hà Nội

Tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới , cách thức nhà nước triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về quyền và trách nhiệm của cá nhân trong đại dịch.

Công khai thông tin cá nhân của bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để cảnh báo cộng đồng là đúng hay sai? Du khách nước ngoài có nên được đối xử với cùng tiêu chuẩn đạo đức và văn hóa như người bản địa? Người giàu có nên hạn chế việc di chuyển và “quyền” riêng tư cá nhân để bảo vệ sức khỏe của những người hạn chế về mặt tài chính hơn, những người không thể tiếp cận chăm sóc y tế hay không thể nghỉ làm?

 

Quyền của tôi! Vấn đề đạo đức trong đại dịch


Nhiều người trên thế giới đã lên tiếng phản đối những biện pháp kiểm soát sự lây lan của COVID-19 của chính phủ. Các chuyên gia với đủ các loại quan điểm chính trị khác nhau chỉ trích chính phủ vi phạm quyền riêng tư cá nhân và quyền tự do đi lại, trong khi đòi hỏi thông tin nhanh và chính xác, sự minh bạch, và trách nhiệm từ chính phủ. Để đối phó hiệu quả với đại dịch cả ở mức độ địa phương và quốc tế, vấn đề khó khăn hơn cả dường như là việc đạt được sự thống nhất về chuẩn mực đạo đức trong tình trạng khẩn cấp y tế.

Cách ly, hạn chế du lịch, cũng như thu thập và chia sẻ thông tin cá nhân bị xem là vi phạm quyền công dân ở nhiều nước có dịch COVID-19. Ở Ý, cách ly hơn 60 triệu người gây quan ngại về khả năng chính phủ trở thành chuyên chế cũng như việc lạm dụng quyền lực, trong khi nhiều người nghi ngờ về hiệu quả của các biện pháp cách ly hà khắc (draconian measures). Cao Ủy Liên Hợp Quốc, dù có quan điểm trung lập, cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc cách ly với sức khỏe cộng đồng. Trong một thông cáo báo chí, ngài Cao uỷ đã nhấn mạnh: “Phong tỏa, cách ly, và các biện pháp khác để kiềm chế và phòng chống sự lây lan của COVID-19 nên được thực hiện dựa trên cơ sở nhân quyền và phù hợp với nguy cơ đã được cân nhắc kỹ.” Dù vậy, nói chung những tranh luận về nhân quyền và COVID-19 thường không xem xét đến phong tục và tình hình kinh tế của từng quốc gia và cộng đồng. Điều này là một thiếu sót.

Ngoài những khác biệt có thể thấy được về điều kiện vật chất, kinh tế, và xã hội thì hiển nhiên những thứ được coi là quyền con người phổ quát cũng được thực hành hoàn toàn khác nhau ở các quốc gia và cộng đồng khác nhau. Hiện tượng này trong giới nghiên cứu khoa học xã hội thế giới gọi là “những tiêu chuẩn đạo đức bản địa”. Bác sĩ, đồng thời là giáo sư nhân học người Mỹ, thầy của chúng tôi tại Đại học Harvard, Arthur Kleinman có bàn sâu về khái niệm “những tiêu chuẩn đạo đức bản địa này” trong quyển sách What Really Matters (Điều thực sự quan trọng) của ông. Trong quyển sách, ông đã chỉ ra nhiều nghịch lý đạo đức, nhằm lý giải vì sao người thân và bản thân bệnh nhân người Trung Quốc phải đưa ra những quyết định nhọc nhằn, lựa chọn giữa sự sống và cái chết của chính bản thân và người nhà của họ. Với trải nghiệm cá nhân và chuyên môn từ việc chăm sóc vợ mình trong những ngày tháng cuối đời bà và từ công việc của một “bác sĩ chân đất”, đi chữa bệnh khắp nơi tại Trung Quốc, ông nhắc nhở chúng ta rằng những tình huống rủi ro, bất ổn, hay nguy hiểm xảy ra trong cộng đồng sẽ luôn buộc cộng đồng phải đối mặt với những câu hỏi đạo đức hết sức khó trả lời. Và văn hóa chính là thứ giúp chúng ta đưa ra lựa chọn đúng đắn. Chính vì vậy, khó có thể từ góc độ của một nền văn hoá này, đánh giá, phán xét lựa chọn đạo đức của những người thuộc một nền văn hoá khác, khi chúng ta không thực sự trải nghiệm những gì họ đã phải trải qua và đối mặt. 

Tương tác giữa người bản địa và người ngoại quốc trong thị trường lao động đang quốc tế hoá cao độ ở Việt Nam khiến khác biệt văn hóa và đạo đức càng trở nên rõ rệt, khi mà những du khách hay lao động nước ngoài, vô tình hay cố ý, lây nhiễm virus cho dân bản xứ.

Ở Việt Nam, căng thẳng do khác biệt văn hóa và đạo đức nảy sinh khi Việt Nam thực hiện cách ly một máy bay chở du khách Hàn Quốc. Các du khách này cáo buộc Việt Nam đối xử tồi tệ với họ, và cộng đồng mạng Việt Nam khởi xướng một chiến dịch đáp trả trên mạng xã hội Twitter với hashtag #KoreaStopLying (Hàn Quốc ngưng dối trá) và #ApologizeToVietnam (Xin lỗi Việt Nam). Cộng đồng mạng Việt Nam cho rằng các du khách Hàn Quốc đã nói dối về điều kiện chăm sóc họ nhận được trong thời gian cách ly và yêu cầu một lời xin lỗi chính thức.

Căng thẳng cũng gia tăng giữa người Việt Nam bản địa và người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội do quan điểm khác nhau về việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Người nước ngoài nói rằng họ bị kì thị và phân biệt đối xử khi không đeo khẩu trang ra đường, còn người Việt than phiền rằng những người đến từ đất nước giàu có hơn cư xử “thiếu hiểu biết” và “ích kỷ”.

Anh John Hetherington, quốc tịch Mỹ, hiện đang sống ở Đà Nẵng, trong một phỏng vấn qua tin nhắn có bày tỏ với chúng tôi những lo lắng của anh về tình trạng mâu thuẫn giá trị văn hoá này. Anh cho rằng mâu thuẫn kiểu này “có vẻ đang trở nên ngày càng tồi tệ hơn”.

Một thảo luận giữa các thành viên nhóm Facebook “Expats Living and Working in Vietnam” (Người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam) cho thấy lý do vì sao nhiều người nước ngoài không tự nguyện đeo khẩu trang. Người nước ngoài thường nghi ngờ chất lượng khẩu trang của Việt Nam hoặc lo lắng nhân viên y tế thiếu khẩu trang nếu người dân dùng khẩu trang vì mục đích cá nhân. Một thành viên cho rằng: “Khoa học đã chứng minh rõ ràng rằng người ta nên đeo khẩu trang khi bị bệnh vì khẩu trang có thể ngăn chặn sự lây lan.” Tuy nhiên, người này cũng mâu thuẫn với bản thân khi cho rằng người khỏe mạnh đeo khẩu trang y tế chỉ mang ý nghĩa biểu tượng và không thực sự hiệu quả trong phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

Kì thị, phân biệt chủng tộc, và chủ nghĩa bài ngoại là những khái niệm đang được sử dụng phổ biến (tuy rằng chưa thực sự chuẩn xác) để nói về các sự kiện kiểu này, ám chỉ rằng xung đột đạo đức giữa các nhóm người thuộc các nền văn hoá khác nhau là không thể tránh khỏi và khó có thể giải quyết. Bạo lực sắc tộc chống lại người châu Á ở nước ngoài hay chống lại người Trung Quốc ở Hàn Quốc thường được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện tượng này khiến nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về chủ nghĩa bài ngoại hay các chính sách quan bế sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong và sau đại dịch. Những người phản đối chính sách quan bế cho rằng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế là quyền chung và nên được bảo vệ đối với mọi đối tượng bất kể quốc gia, sắc tộc và địa vị. Hơn nữa, chúng ta cũng phải cẩn thận với xu hướng khi nhiều tin bài liên quan đến bạo lực sắc tộc hay phân biệt chủng tộc. Vì sự chú ý của truyền thông với các hành vi tiêu cực sẽ khiến những hành vi này trở nên phổ biến và trầm trọng hơn. Vấn đề lớn nhất chúng ta nên thảo luận ở Châu Á hiện giờ, không phải là vấn đề phân biệt chủng tộc hay bài ngoại như báo chí nhiều nước cố tình khai thác. Vấn đề Đông Á và cả Việt Nam đang đối mặt , là vấn đề phân bổ nguồn lực y tế trong khu vực. Sự chênh lệch về nguồn lực y tế và thiếu đoàn kết trong việc hỗ trợ y tế lẫn nhau mới là nguy cơ chính, có thể dẫn đến những nguy cơ nhân đạo nghiêm trọng trong khu vực.
 
Đại dịch là một vấn đề toàn cầu với những hậu quả mà mọi quốc gia, cộng đồng đều đang phải gánh chịu. Đại dịch càng lan rộng, càng đòi hỏi các quốc gia, cộng đồng phải cộng tác chặt chẽ với nhau để cùng ngăn chặn. Song, trên thực tế, chúng ta lại đang sống trong một thế giới với nhiều chia rẽ. Bên cạnh những chia rẽ về quyền lợi kinh tế, ý thức hệ, chúng ta đang chia rẽ cả về tiêu chuẩn đạo đức. Những chia rẽ và hiểu nhầm này khiến nhiều quốc gia, cộng đồng bài xích lên án cách phản ứng dịch bệnh của quốc gia, cộng đồng khác là “chuyên chế,” “độc tài,” “công an trị”, “vi phạm nhân quyền” hoặc “bỏ mặc”, “vô trách nhiệm”, hay “ích kỷ”. Những chia rẽ đạo đức đó đã và đang cản trở những nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này.

Đạo đức ở phương Đông và phương Tây: Tự do cá nhân hay trách nhiệm với quốc gia


Những khác biệt về đạo đức và niềm tin về vai trò của chính phủ trở thành một thách thức lớn đối với những nỗ lực phòng ngừa COVID-19. Trong khi những nhà duy tâm ở Âu - Mỹ cho rằng đóng cửa biên giới và hạn chế di chuyển vi phạm đến quyền tự bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh của mỗi cá nhân; những lãnh đạo ở Đông Á lại lo lắng nhiều hơn về thiếu hụt những trang thiết bị y tế cần thiết để cứu những người dân mà họ chịu trách nhiệm. Giá trị đạo đức Âu - Mỹ tập trung vào quyền tự do, quyền tự quyết, và phẩm cách của mỗi cá nhân, trong khi giá trị đạo đức Á Đông xoay quanh trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quốc gia.

Hệ tư tưởng duy tâm tự do nhấn mạnh vào quyền tự do và quyền tự quyết của mỗi cá nhân thường bị coi là không cần thiết, phi lý, vớ vẩn với nhiều người Đông Á, vì những quyền cá nhân này có thể dẫn tới hậu quả vật chất (trong đó có cả tử vong) mà nhóm người dễ bị tổn thương và không có khả năng lựa chọn trong xã hội phải gánh chịu. Do quan điểm đạo đức gắn liền với ám ảnh về thảm kịch của cộng đồng kiểu này ở Đông Á khiến cho cho những người ở Đông Á ưa thích kinh tế chính trị và chủ nghĩa Mác. Họ cũng có thái độ xem nhẹ ý thức hệ về quyền cá nhân của phương Tây.

Khu vực Đông Á có lịch sử quan hệ quốc tế không mấy hòa bình. Chính sách ngoại giao tàu chiến, pháo hạm là chính sách tiêu biểu cho hoạt động đối ngoại tại Đông Á vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khởi đầu với Hiệp ước Kanagawa giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 1854. Thay vì cải thiện mối quan hệ giữa các quốc gia như những người ủng hộ tự do thương mại và chủ nghĩa tự do đề xướng, trong suốt thế kỷ 20, những nền kinh tế ở Tây Âu và Hoa Kỳ giàu lên trong khi nhiều nền kinh tế ở châu Á kiệt quệ vì nghèo đói và chiến tranh liên miên. Căng thẳng chính trị leo thang trên toàn thế giới, dẫn đến các cuộc khởi nghĩa ở Đông Á đấu tranh cho độc lập và chủ quyền. Chính thời gian hỗn loạn đó, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã càn quét thế giới, khiến một phần ba dân số toàn cầu nhiễm bệnh và gây ra cái chết của hơn 50 triệu người.

Hiện giờ, khi COVID-19 tàn phá Đông Á, các nhà lãnh đạo quốc gia lần nữa phải đau đầu về vấn đề sản xuất và dự trữ vật tư y tế cũng như lương thực để bảo đảm sức khỏe của cả quốc gia. Do đó, các quốc gia trong khu vực đã ra lệnh cấm du lịch và xuất khẩu vật tư y tế. Hành động này, trong mắt người Đông Á là hoàn toàn hợp đạo đức, có trách nhiệm, và đúng đắn về mặt chính sách. Song lại bị nhiều học giả theo chủ nghĩa tự do và các nhà hoạch định chính sách phương Tây lên án là chủ nghĩa dân tộc hay độc tài chuyên chế.

Những khác biệt đạo đức kể trên đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu nhân học trong vài thập kỷ trở lại đây. Các nghiên cứu về đạo đức trong ngành nhân học đặt ra các câu hỏi về tính phổ thông của nhân quyền. Nhà nhân học Laura Nadar coi nhân quyền như một hình thức của “chủ nghĩa bá quyền đạo đức” (moral imperialism). Trong khi đó, theo quan điểm của nhà nhân học Saba Mahmood, nhân quyền được sử dụng như một cái cớ để tiếp diễn tình trạng bạo lực chứ không phải để hạn chế bạo lực. Những cách tiếp cận mới trong ngành nhân học coi trọng hơn vài trò của lịch sử địa phương cũng như các trải nghiệm và ký ức của từng cộng đồng.

Có thể thấy rằng việc xây dựng một quy chuẩn đạo đức chung cho toàn thế giới gây trở ngại nhiều hơn thúc đẩy hợp tác quốc tế. Trong thời đại toàn cầu hóa, giải quyết mâu thuẫn đạo đức cùng lúc với ngăn chặn sự lây lan của đại dịch phải bắt đầu từ việc thấu hiểu các cách diễn giải và cách hiểu khác nhau của từng điều khoản trong các văn kiện nhân quyền quốc tế, thay vì cố gắng áp đặt một hệ thống đạo đức chung cho tất cả cá quốc gia.

Sự phát triển của thương mại quốc tế, kỹ thuật, và giao thông vẫn chưa thể xóa nhòa khác biệt về văn hóa, hay thay thế các quan niệm đạo đức của địa phương bằng một khái niệm về nhân quyền chung. Nhưng sự phát triển này đã khiến nhu cầu thấu hiểu và tôn trọng giá trị đạo đức bản địa trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.