Đi trên thủy tinh: Dạy làm xiếc hay giáo dục lòng dũng cảm?

31/08/2015 09:10 GMT+7

Gần đây dư luận ồn ào lên án một bài dạy học về “lòng dũng cảm” bằng cách huấn luyện cho trẻ đi trên thủy tinh vỡ. Phần đông cho rằng dạy những điều đó với trẻ lớp 1 là không nên vì quá nguy hiểm.

Gần đây dư luận ồn ào lên án một bài dạy học về “lòng dũng cảm” bằng cách huấn luyện cho trẻ đi trên thủy tinh vỡ. Phần đông cho rằng dạy những điều đó với trẻ lớp 1 là không nên vì quá nguy hiểm.

Dũng cảm là khả năng dám đối mặt với thử thách và vượt qua nó, dù phải đánh đổi bằng máu hay nước mắt - Ảnh: Shutterstock

Với góc nhìn của một người lao động chân tay thuần túy, tôi cho rằng việc những đứa trẻ được coi là “cậu ấm cô chiêu” được dạy cho những trò “làm xiếc” như vậy là rất nên. Chúng ta nên nhớ rằng đây là một bài học dạy về lòng dũng cảm, mà nếu vì sợ nguy hiểm lại né tránh đi thì lòng dũng cảm ở đâu ra? Là người lớn, chúng ta cần hiểu rằng, dũng cảm là khả năng dám đối mặt với thử thách và vượt qua nó, dù phải đánh đổi bằng máu hay nước mắt chứ không phải là “khó quá, bỏ qua”.

Chúng ta chưa từng thấy một học sinh giỏi toán nào đạt giải chỉ bằng cách được nghe kể vài mẩu chuyện kể về những người làm toán. Chúng ta chưa từng thấy người lính thiện chiến nào được đào tạo chỉ bằng cách xem phim hành động. Học phải đi đôi với hành. Trẻ chỉ có thể biến kiến thức lý thuyết thành tri thức thực sự thông qua hành động. Trong thời bình, chúng ta không thể dạy trẻ cầm súng lao ra chiến trường, dạy trẻ băng rừng đưa thư như anh Kim Đồng, dạy trẻ biến mình thành ngọn đuốc sống như anh Lê Văn Tám thì việc dạy lòng dũng cảm hiện nay không có gì tốt hơn là giúp trẻ phải đối mặt với sự sợ hãi và vượt qua nó bằng những bài tập nhỏ hằng ngày.

Tôi tin chắc rằng khi bài tập diễn ra thì giáo viên ở trung tâm nọ cũng đã chuẩn bị sẵn các thiết bị y tế để sơ cấp cứu khi có sự cố xảy ra đối với trẻ. Đó cũng là một bài học tốt cho trẻ. Trẻ sẽ được học cách vượt qua những khó khăn bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng để giải quyết sự cố nếu có. Trong cuộc sống tương lai của trẻ sẽ có rất nhiều lần trẻ rơi vào những tình huống rất khó khăn như chọn ngành thi đại học trái ý gia đình, cưới một cô vợ không hợp ý bố mẹ hay muốn tự lập thay vì dựa dẫm gia đình. Bằng việc dạy cho trẻ cách chuẩn bị về tâm lý và vật lý cụ thể cũng như tạo ra tâm lý tự tin, dũng cảm đối mặt với khó khăn để vượt qua nó dù phải đánh đổi bằng những mất mát khác là việc rất đáng nên làm.

Một điều đáng nói nữa là bài học này đã được dạy nhiều năm trước khi nó bị tung lên mạng và trở thành đề tài cho dư luận chỉ trích. Rõ ràng trong một khoảng thời gian dài như vậy, nếu số sự cố xảy ra nhiều hơn kết quả mà nó đem lại thì chẳng ai “cố đấm ăn xôi” để mà duy trì cả.

Một điều đáng nói nữa là bài học này đã được dạy nhiều năm trước khi nó bị tung lên mạng và trở thành đề tài cho dư luận chỉ trích. Rõ ràng trong một khoảng thời gian dài như vậy, nếu số sự cố xảy ra nhiều hơn kết quả mà nó đem lại thì chẳng ai “cố đấm ăn xôi” để mà duy trì cả. Nó chỉ trở nên nguy hiểm khi có quá nhiều người cảm thấy sợ hãi với nó và cho rằng nó nguy hiểm dù chưa hề trải qua. Và chính vì chưa hề trải qua nên với họ nó cực kỳ nguy hiểm, còn với những đứa trẻ đã được huấn luyện kia thì bây giờ, việc bước qua thảm thủy tinh không còn là chuyện gì quá lớn để tranh cãi nữa vì “Chúng con đã làm rồi, và chúng con làm được”, con một người quen của tôi đã trải qua lớp học này và khẳng định chắc chắn như thế. Và cháu dù mới học lớp 4 nhưng đã không còn trố mắt xuýt xoa trước những trò ảo thuật trên mạng nữa mà thay vào đó là cháu tìm hiểu xem họ làm điều đó bằng cách nào vì cháu bảo “Nó không thần bí như chú nghĩ đâu”. Tôi tin chắc rằng trung tâm nọ chẳng phải dạy trẻ bước qua thảm thủy tinh để ứng dụng vào cuộc sống mà qua đó, họ dạy cho trẻ tính tự tin, sự chuẩn bị sẵn sàng, bài học về sự đánh đổi và hơn hết, họ dạy cho trẻ những góc nhìn mới hơn, thận trọng hơn và độc lập hơn về những sự việc tưởng chừng huyền bí xảy ra quanh mình.

Tôi không chắc những đứa trẻ trong cuộc đời chúng có phải bước qua thảm thủy tinh lần nào nữa không nhưng tôi biết chắc chắn rằng chúng sẽ không bao giờ phải trố mắt à ồ khi xem ai làm trò đó nữa. Giáo dục chỉ thành công khi nó giúp cho người học đạt được những thành tựu dù nhỏ nhoi. Chỉ có thành tựu mới tạo ra sự đam mê, và chỉ có đam mê mới giúp người ta thành công được. Vậy thì chẳng có gì phải băn khoăn khi trẻ chấp nhận đổ chút máu để vượt qua khó khăn cả.

Qua phản ứng của dư luận, tôi nhìn thấy được rằng thật ra thảm thủy tinh không phải là nỗi sợ của bọn trẻ mà nó trở thành nỗi sợ của những người lớn mù quáng và thiếu kiến thức cùng với những suy nghĩ bảo thủ và áp đặt. Chính vì tâm lý tránh né, “khó quá, bỏ qua” mà xã hội chúng ta vẫn cứ ngập ngừng trước những đổi thay, những chính sách, những cải cách mang tính cách mạng nhằm giúp dân tộc tiến tới văn minh. 

Qua phản ứng của dư luận, tôi nhìn thấy được rằng thật ra thảm thủy tinh không phải là nỗi sợ của bọn trẻ mà nó trở thành nỗi sợ của những người lớn mù quáng và thiếu kiến thức cùng với những suy nghĩ bảo thủ và áp đặt. Chính vì tâm lý tránh né, “khó quá, bỏ qua” mà xã hội chúng ta vẫn cứ ngập ngừng trước những đổi thay, những chính sách, những cải cách mang tính cách mạng nhằm giúp dân tộc tiến tới văn minh. Chúng ta luôn sợ cái mà chúng ta không biết, cho nên, dù làm xiếc hay là bài học vận động về lòng dũng cảm cũng nên ủng hộ cho con trẻ trải qua một lần. Đổ một chút máu để học lấy sự tự tin vẫn tốt hơn là sống cả một đời tầm thường, đôi chân không dám bước đi vì ngại đổ máu, bàn tay không dám lao động vì sợ đau và nhảy chồm chồm lên phản ứng khi có bất kì ai đó nói động tới mình.

Một dân tộc mạnh mẽ là một dân tộc tự tin, bình tĩnh và không biết dừng lại trước bất kì khó khăn nào, dù phải đổ máu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.