Còn đâu ý nghĩa ngày khai trường

13/08/2015 09:47 GMT+7

Việc tổ chức học tập trước tháng 9 thường chẳng mang được ích lợi gì khi học kì một học hết 18 tuần thực học lại đẻ thêm tuần 18B, tuần 18C. Trong khi đó, ngày khai trường không còn mang đúng ý nghĩa nữa vì thực ra học sinh đã tựu trường từ tháng 8.

Việc tổ chức học tập trước tháng 9 thường chẳng mang được ích lợi gì khi học kì một học hết 18 tuần thực học lại đẻ thêm tuần 18B, tuần 18C. Trong khi đó, ngày khai trường không còn mang đúng ý nghĩa nữa vì thực ra học sinh đã tựu trường từ tháng 8.

Ngày khai trường luôn mang đến không khí phấn khởi đặc biệt của thấy và trò khi bước vào năm học mới - Ảnh: Đức Thịnh
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1.8 và muộn nhất vào ngày 25.8. Việc tổ chức khai giảng vẫn được ấn định vào ngày 5.9 như thường lệ.
Với những học sinh tạm xa mái trường sau 3 tháng hè, ngày khai trường thường tràn đầy xúc cảm. Những học sinh lần đầu cắp sách đến trường dấu ấn càng trở nên thiêng liêng hơn.
Nhưng vài năm trở lại đây, ngày khai trường là ngày mở đầu năm học mới đã không còn mấy ý nghĩa. Học sinh được tập trung vào học từ giữa tháng 8 nhưng vẫn tới ngày 5.9 mới làm lễ khai giảng. Việc các em đi học hai tuần mới tổ chức khai giảng không những làm mất đi niềm háo hức, mong chờ của học sinh sau những ngày hè xa trường lớp, mà còn làm sai lệch ý nghĩa của từ khai giảng (mở đầu năm học mới hay ngày toàn dân đưa trẻ đến trường).
Ở chừng mực nào đó, với các em cũng như với thầy cô giáo, buổi lễ khai giảng ấy cũng chỉ như một buổi chào cờ bình thường mỗi sáng thứ hai mà thôi. Chưa nói đến việc tổ chức của các trường vẫn mang đầy tính hình thức. Học sinh vào học được hai tuần, nhưng ngày 5.9 vẫn ra xếp hàng ngoài cổng để được đón vào. Sự thiêng liêng, lòng hứng khởi dù thế vẫn bị mất đi. Các em và thầy cô của mình chỉ đơn giản thực hiện một kịch bản được sắp đặt trước trong tâm trạng hờ hửng và khiên cưỡng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo để các tỉnh tự điều chỉnh lịch học cho phù hợp với đặc điểm riêng của từng vùng miền để giúp những địa phương bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu không tốt đảm bảo lịch học. Những nơi còn lại, việc tổ chức học tập trước tháng 9 thường chẳng mang được ích lợi gì khi học kì một học hết 18 tuần thực học lại đẻ thêm tuần 18B, tuần 18C. Thời gian 2 tuần này, học sinh chủ yếu chơi là nhiều vì chương trình thực học đã hết. Có trường sợ các em nghỉ lâu quên bài vở, bố trí vài hôm học lại, vài hôm nghỉ.
Sau lễ khai giảng 5.9, các em vẫn đảm bảo kết thúc 35 tuần thực học vào cuối tháng 5. Vậy nên có nhất thiết cứ phải bắt các em tựu trường sớm? Hoặc chúng ta cũng cần chủ động tổ chức lễ khai trường phù hợp với lịch học đầu năm, đừng nên mặc định ngày khai trường hàng năm là ngày 5.9. Nơi nào vào học sớm có thể tổ chức lễ khai giảng sớm? Có như vậy, ý nghĩa của từ khai trường là sự mở đầu cho năm học mới, mới không bị mất đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.