Có nên nhân rộng mô hình xử lý như tác giả Nguyễn Thiện đề xuất?

04/06/2015 16:38 GMT+7

Trong bài viết Sau chuyện chị ve chai nhận 5 triệu yen , tác giả Nguyễn Thiện đề xuất nhân rộng mô hình xử lý của Công an quận Tân Bình. Tôi thấy cần trao đổi thêm về đề xuất này.

Trong bài viết Sau chuyện chị ve chai nhận 5 triệu yen, tác giả Nguyễn Thiện đề xuất nhân rộng mô hình xử lý của Công an quận Tân Bình. Tôi thấy cần trao đổi thêm về đề xuất này. 

Tài xế Nguyễn Kim Tấn (hãng Mai Linh Đà Nẵng) trả lại túi xách trong có đô la Mỹ (khoảng 50 triệu đồng) cùng điện thoại và thẻ tín dụng cho khách hàng người Úc khi ông bỏ quên trên xe - một việc làm hợp đạo lý và đúng pháp luật - Ảnh: Văn Tiến
Theo tôi, đề xuất của tác giả Nguyễn Thiện nếu được một số địa phương thực hiện sẽ gây nên hậu quả xấu. Nếu cách suy nghĩ này được phổ biến sâu rộng sẽ có hại cho việc tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân. Tôi xin phân tích những điểm sai của đề xuất này và nêu ra quy trình đúng của việc xử lý tài sản nhặt được, phát hiện được như sau:
A. Đối với người nhặt được, phát hiện được
Tác giả Nguyễn Thiện viết: “Trước hết, xin nói thẳng ra: nếu sau một năm không xác định được chủ sở hữu số tiền 5 triệu yen này và Công an Tân Bình đem sung vào công quỹ như ý kiến của tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, nói trên báo Dân Trí thì tôi có thể dự đoán rằng lần sau nếu nhặt được của rơi thì sẽ hiếm có người trình báo với cơ quan công an như chị ve chai đã làm, mà sẽ giữ lại luôn, trong đó có tôi”.
Về góc độ công dân, đây là một nhận thức sai.
Trước hết, theo quy định của pháp luật, người dân phải có nghĩa vụ trả lại hoặc giao nộp ngay tài sản mà mình nhặt được, phát hiện được theo Điều 187 Bộ luật Dân sự cho chủ sở hữu hoặc các cơ quan chức năng. Người cố tình không giao nộp có nguy cơ bị xử lý hình sự về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo Điều 141 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Đối với trường hợp tài sản có giá trị từ 10 triệu đến dưới 200 triệu có thể bị xử lý hình sự khi chủ sở hữu đòi lại mà không trả hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu giao nộp mà không giao nộp, nhưng với tài sản từ 200 triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, chỉ cần người dân cố tình giấu giếm là đã bị xử lý hình sự rồi.
Ý kiến của tác giả như vậy là khuyến khích công dân mặc cả với nhà nước: nếu anh “cư xử đẹp” thì tôi thực hiện nghĩa vụ công dân, nếu không thì thôi!
Chúng ta cần phải nhận thức rằng, nghĩa vụ công dân là nghĩa vụ công dân, không có chuyện phải chờ cơ quan chức năng “cư xử đẹp” thì mới thực hiện nghĩa vụ của mình, còn không “cư xử đẹp” thì mình chây ì, trốn tránh không thực hiện.
B. Đối với cơ quan chức năng
Đối với các cơ quan chức năng (ủy ban nhân dân các cấp, công an các cấp), khi tạm giữ tài sản do người dân bàn giao, phải xử lý đúng pháp luật chứ không có chuyện “cư xử đẹp”! Tôi xin nhấn mạnh rằng, chỉ có “hành xử đúng quy định pháp luật” mà thôi, không có khái nhiệm đẹp hay không đẹp gì ở đây cả.
Về quy trình xử lý, tôi phân ra 3 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1:
Là trường hợp hết thời hạn 1 năm mà không tìm ra chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận.
Điều 239 Bộ luật Dân sự viết:
“Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu…”.
Điều 241 Bộ luật Dân sự viết:
“Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận…”.
Ở đây có chút khó hiểu về từ ngữ của điều luật gây nên lúng túng cho cơ quan chức năng trong thời gian qua, tuy nhiên từ ngữ ấy không sai, mà chỉ khó hiểu thôi, vì vậy tôi xin diễn giải tinh thần của điều luật này cho rõ hơn.
Có 2 khái niệm cần làm rõ là “không xác định được chủ sở hữu” và “chủ sở hữu không đến nhận”.
Khái niệm “không xác định được chủ sở hữu” ý nói là cơ quan chức năng đã điều tra tìm kiếm nhưng không xác định được ai là chủ sở hữu (trong trường hợp nghi là bảo vật quốc gia, cổ vật, di sản văn hóa, tài sản của nhà nước hoặc tài sản phi pháp thì cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ, chỉ có trường hợp xác định là tài sản của người dân bình thường thì mới chờ họ đến nhận lại).
Khái niệm “chủ sở hữu không đến nhận” ý nói là không có người dân nào đến xin nhận lại tài sản trong trường hợp là tài sản của người dân (không nghi là bảo vật quốc gia, cổ vật, di sản văn hóa, tài sản nhà nước hoặc tài sản phi pháp…).
Chúng ta lưu ý rằng chỉ khi mà cơ quan chức năng hoàn toàn không tìm ra một manh mối nào như nói trên và hoàn toàn không có ai đến khai báo xin nhận lại tài sản nhưng đã hết thời hạn 1 năm thì mới tiến hành xử lý bằng cách chia phần lợi nhuận hoặc thưởng cho người dân như ở Điều 239 hoặc 241 Bộ luật Dân sự, chứ còn nếu cơ quan chức năng bắt đầu tìm thấy manh mối nào đó hoặc có người dân nào đến xin nhận tài sản thì thuộc trường hợp 2 dưới đây.
Trường hợp 2:
Khi cơ quan chức năng đã có chút ít manh mối mà đã hết thời gian 1 năm thì phải gia hạn thời gian điều tra tìm kiếm. Với manh mối nghi là tài sản phi pháp tôi sẽ nói ở trường hợp 3, còn manh mối dân sự như là bảo vật quốc gia, di sản văn hóa, tài sản nhà nước… thì hiện nay còn thiếu hướng dẫn nhưng có thể căn cứ vào các luật chuyên ngành để xử lý. Ví dụ Điều 70 Luật Di sản văn hóa có quy định rõ về vấn đề giao trả lại di sản văn hóa.
Trường hợp có người đến nhận là chủ sở hữu, thì phát sinh một quan hệ pháp luật mới, cơ quan chức năng cần phải xác định và ra phán quyết ai là người được nhận tài sản. Tình huống này cần phải coi là đã phát sinh tranh chấp, cơ quan thụ lý giải quyết nhất thiết phải là tòa án. Còn các cơ quan chức năng khác như ủy ban nhân dân, công an các cấp không thể nào là cơ quan giải quyết tranh chấp, nên việc những nơi này ra thông báo, quyết định bác đơn khiếu nại của đương sự là sai thẩm quyền.
Trường hợp 3:
Là trường hợp có dấu hiệu hình sự.
Chúng ta lưu ý là Bộ luật Dân sự chỉ điều chỉnh khi mà các vấn đề không liên quan đến phạm trù hình sự (và các phạm trù khác như bảo vệ di sản văn hóa quốc gia, bảo vệ tài sản nhà nước...). Còn nếu đã có dấu hiệu liên quan đến vấn đề hình sự (hoặc bảo vệ di sản văn hóa quốc gia, bảo vệ tài sản nhà nước…) thì phải dừng xử lý dân sự lại ngay.
Chẳng hạn, khi một tài sản nhặt được, phát hiện được mà có đơn tố giác, thông tin từ báo đài… cho thấy có khả năng đó có thể là tài sản chuyển lậu qua biên giới, tài sản rửa tiền, buôn bán ma túy, hàng cấm, lừa đảo… thì phải điều tra làm rõ để thu hồi, không được tự ý dừng lại giữa chừng để giao cho người nhặt được, phát hiện được, dù rằng thời hạn 1 năm đã đến. Bao giờ điều tra xong, có kết luận là tài sản hoàn toàn hợp pháp nhưng không có chủ sở hữu đến nhận thì mới xử lý theo Điều 239, 241 Bộ luật Dân sự.
Cho nên đề xuất “Vậy, nên chăng ngành công an xem cách xử lý của Công an quận Tân Bình là tiền lệ rất tốt, như án lệ trong ngành tòa án ở nhiều nước, và thống nhất đó là cách xử lý của toàn ngành trong những tình huống tương tự, đồng thời thông báo rộng rãi cho nhân dân biết chủ trương này thông qua báo chí” là không thuyết phục, vì đây cũng chưa hẳn là cách xử lý chuẩn mực nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.