Vượt qua dịch bệnh

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/03/2020 04:36 GMT+7

“Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài” phòng chống dịch Covid -19.

Trong phát biểu tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 17.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lại câu nói thể hiện không khí chống giặc hừng hực của những ngày toàn quốc kháng chiến cách đây hơn 70 năm để kêu gọi mọi người dân tích cực ủng hộ công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 mà theo Thủ tướng sẽ “diễn biến phức tạp, sẽ lan rộng hơn, quy mô lớn hơn, sẽ còn nhiều trường hợp tử vong, và chắc chắn tác động sâu sắc hơn đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam”.
Thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn nữa để khống chế đại dịch là tinh thần mà người đứng đầu Chính phủ muốn kêu gọi.
Quyết liệt, triệt để và kỷ luật cũng là một trong những “bí quyết” giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh lây lan trong cộng đồng trong hơn 2 tháng qua, dù tại nhiều quốc gia, dịch bệnh lây lan với tốc độ khó tưởng tượng.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng, địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế với sự triệt để và khoa học theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” mà Thủ tướng Chính phủ từng nhiều lần nêu ra. Theo các cơ quan chức năng và chuyên gia, đây vẫn là cách phù hợp nhất để phòng chống dịch tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, cũng phải hiểu “chống dịch như chống giặc” chỉ là một lối nói ẩn dụ cho tinh thần quyết liệt, triệt để trong việc thực hiện các chiến lược, biện pháp phòng, chống dịch được các cơ quan chức năng đưa ra.
Nó hoàn toàn không có nghĩa chúng ta đưa đất nước vào tình trạng của thời chiến với những cuộc “tìm diệt” đầy sự kỳ thị những người có nhiễm bệnh hay những người nguy cơ. Trong những xã hội văn minh, họ cần được coi là những bệnh nhân cần cứu chữa chứ không phải là né tránh hay kỳ thị như những xác sống hay phù thủy thời Trung cổ.
Phòng chống dịch bệnh lây lan trong cộng đồng xét tới cùng là câu chuyện của chính cộng đồng đó. Sẽ không đạt được hiệu quả gì nếu những quyết sách, chiến lược của chính quyền không được người dân ủng hộ, tin tưởng và nghiêm túc thực hiện. Song sự quyết liệt trong phòng, chống dịch không thể dựa trên sự sợ hãi, kỳ thị lẫn nhau.
Trong cuốn sách vào loại bán chạy nhất thế giới nói về tương lai loài người, tác giả Yuval Noah Harari cho rằng, nhân loại đã bước qua thời kỳ phải lo lắng về các dịch bệnh. Với những tiến bộ thần tốc trong khoa học, y học, việc khống chế các dịch bệnh chỉ là vấn đề thời gian chứ không còn là mối đe dọa toàn cầu, giết hàng triệu người như từng xảy ra trong lịch sử. Việt Nam cũng là một thực tiễn sinh động cho điều này khi so với đại dịch SARS năm 2003, thời gian để phát hiện bộ gien của vi rút SARS-CoV-2 chỉ còn 14 ngày thay vì 4 tháng.
Chắc chắn dịch bệnh sẽ qua đi. Vì vậy, hãy vượt qua dịch bệnh bằng sự bình tĩnh, nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội chứ không phải bằng sự sợ hãi, kỳ thị lẫn nhau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.