Vong và... tiền

23/03/2019 07:13 GMT+7

Kịch bản “thỉnh giải oan gia trái chủ”, nói cách khác là “vong và…tiền” ở chùa Ba Vàng càng trái chiều, thực dụng, phi giáo lý một cách đáng tiếc.

[VIDEO] Thượng tọa Thích Nhật Từ - Trụ trì chùa Giác Ngộ, Phó trưởng ban Phật giáo quốc tế GHPGVN - trả lời Báo Thanh Niên về chuyện "thỉnh oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng
Dư luận đang quan tâm đến những lễ giải oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng (Bảo Quang Tự, Quảng Ninh) cũng như về các nội dung thuyết giảng trước công chúng của bà Phạm Thị Yến, Chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc vàng tập tu lục hòa trong chùa này. Thảy đều được đăng, phát công khai lâu nay trên một số website, trang mạng xã hội.
Có lẽ không cần tranh luận về việc đúng - sai, nên - không nên trong lý sự “vong linh đi theo con người báo thù rất nhiều” dẫn tới việc nạn nhân phải “giải kết án” để “thỉnh vong ra” hay trong lời giảng giải phi đạo đức mà vô cảm rằng, nữ sinh viên ở Điện Biên gặp thảm nạn vì “ác nghiệp tiền kiếp và duyên trong hiện tại cộng lại"...
Bởi lẽ, khi trao đổi ý kiến liên quan các vụ việc trên, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo VN, đã khẳng định: lấy thứ mơ hồ của hành động kiếp trước mà cho rằng do việc oan gia chính là sự ngụy biện cho hành động tàn bạo trong xã hội. Đây là điều không thể chấp nhận được.
Mặt khác, giáo lý nhà Phật không có việc “thỉnh vong” để hóa giải nghiệp, oan gia. Với nghiệp của mình thì phải tự mình làm việc tốt để hóa giải, cách thức “thỉnh vong” là hoàn toàn không đúng. Dẫn dắt con người đi theo hướng đó là không theo chính pháp; mà vào con đường tà kiến, mê lợi.
Vấn đề đáng nói, gây bức xúc trong bạn đọc chính là tà kiến - mê lợi. Từ đó, dẫn tới thực tế mà chính sư trụ trì chùa Ba Vàng thừa nhận: “Việc đóng tiền khi cúng oan gia trái chủ không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường Tam bảo và theo yêu cầu của vong”. Tại chùa này, mức đóng “mà vong yêu cầu” rất cụ thể, từ vài triệu đến trăm triệu đồng tùy theo mức lâu năm “nghiệp chướng”.
Các công đoạn cung cấp kỹ thuật “giải vong”, đưa tài khoản lên web, đóng - thu tiền công đức, cho nợ góp... khá là bài bản; thậm chí rất chi li; ví dụ như tạo nghiệp bao nhiêu chục kiếp, mỗi kiếp mà “vong bảo phải trả oán kết oan gia trái chủ” bao nhiêu tiền, nhân ra thành tổng tiền phải nộp công đức. Còn các con số sử dụng tiền ấy để xây chùa, tô tượng, in kinh sách, làm từ thiện hết bao nhiêu, chi tiết thiếu đủ ra sao thì chắc rất ít người biết.
Đại diện Giáo hội Phật giáo VN đã khẳng định hoạt động “thỉnh vong”, “gọi hồn” là không đúng đạo pháp. Còn Phó giáo sư Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu tôn giáo, nêu rõ: Yêu cầu bỏ tiền ra để hóa giải nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước là trục lợi. Phật giáo quan niệm con người có thể cải được nghiệp bằng tích đức, làm việc thiện chứ không phải bằng tiền”.
Dư luận xã hội gần đây lắm lúc bàn ra “Người tiền nhiều để làm gì ?”, nay lại thêm đề tài tán vào “Vong đòi tiền để làm chi?”.
Để làm chi, có sự tuyên truyền lừa mị hay tổ chức lừa đảo để trục lợi bằng mê tín dị đoan hay không thì các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Giáo hội và chính quyền địa phương đang khẩn trương làm rõ và chấn chỉnh. Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo trong mọi hoạt động tốt đời - đẹp đạo, khuyến khích việc thiện nguyện, duy trì những nét đẹp truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc lâu nay đang phát huy nhiều mặt tích cực.
Trong bối cảnh ấy, kịch bản “thỉnh giải oan gia trái chủ”, nói cách khác là “vong và…tiền” ở chùa Ba Vàng càng trái chiều, thực dụng, phi giáo lý một cách đáng tiếc. Và, là vụ việc đáng được xem xét, làm rõ để xử lý nghiêm những ai có liên quan, từ trách nhiệm, đạo đức đến vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.