Vì người lao động nghèo

01/05/2020 04:21 GMT+7

Ý nghĩa đầu tiên của ngày Quốc tế lao động 1.5 là vì quyền sống, quyền làm việc của người lao động , đặc biệt là người lao động nghèo .

Thế giới đang trải qua thảm họa của dịch Covid-19. Dịch bệnh gây chết người, làm kinh tế thế giới suy sụp này là thảm họa chung của nhân loại, trong đó những thành phần bị tổn thương nhất, chịu nhiều mất mát nhất chính là đa số những người lao động nghèo. Họ là những người bị dịch bệnh xâm hại tính mạng, bị mất việc làm và lâm vào cảnh cùng quẫn.
Việt Nam không đứng ngoài dịch bệnh này. Nhưng Việt Nam với tinh thần cảnh giác và quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, đã từng bước đẩy lùi dịch bệnh, từng bước khiến lũ giặc tàn bạo này phải quy hàng.
“Không một người dân nào bị bỏ lại” là quyết tâm của Chính phủ, là khẩu lệnh chiến đấu của toàn dân trong cuộc đấu tranh mà phần thắng phải thuộc về toàn dân tộc Việt Nam.
Và cũng ngay từ khi dịch bệnh đang đe dọa hung hãn, Chính phủ đã quyết định chi ngân sách một số tiền rất lớn là 62.000 tỉ đồng, với mục đích đưa được trọn vẹn số tiền này tới tay những người lao động nghèo cần trợ giúp, những người bị tổn thương nhiều nhất trong dịch bệnh, những người lao động bị mất việc làm và không có tiền dự trữ, những người lang thang cơ nhỡ vô gia cư, những người neo đơn cần được giúp đỡ. Đó là một quyết định đầy tinh thần nhân ái, cần sự kịp thời và cần tìm đúng địa chỉ những người phải được trợ giúp. Triển khai gói cứu trợ rất lớn này đòi hỏi sự công tâm từ các cơ quan chức năng, sự lương thiện từ những tổ chức và cơ quan cơ sở, lập được những danh sách sát đúng những địa chỉ phù hợp tiêu chí được trợ giúp. Đây là việc lớn, không dễ dàng, nhưng lại có yêu cầu rất cao: không bỏ sót một đối tượng cần được trợ giúp nào, và không đưa tiền đóng thuế của nhân dân vào “nhầm địa chỉ”.
Rút kinh nghiệm từ những gói cứu trợ trước nay vẫn để lọt những hành vi tham nhũng, trục lợi, bè cánh, lợi ích nhóm, gói cứu trợ lần này với quy mô và số tiền cực lớn, không cho phép bất cứ sự cướp đoạt vô lương tâm nào, trong lúc dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, và ngân sách nhà nước vẫn còn eo hẹp. Một khi tiền trợ giúp tới đúng địa chỉ, dù số tiền mỗi người lao động nghèo nhận được không lớn, nhưng nó sẽ kích thích tinh thần vượt khó của nhân dân ta, sẽ “kích cầu” trong phạm vi những gia đình nghèo để cùng nhau tìm việc làm, mưu sinh lương thiện, và như thế, là góp phần vực dậy nền kinh tế Việt Nam sau dịch bệnh.
Trong suốt thời gian Covid-19 đang hoành hành, người Việt đã thể hiện tinh thần cao quý “lá lành đùm lá rách” và “lá rách ít đùm lá rách nhiều” để cùng nâng đỡ nhau vượt qua khốn khó. Một sức mạnh nội sinh từ nhân dân đã khiến toàn dân tộc sống trong tình nhân ái, mình vì mọi người, thương người như thể thương thân. Nó cố kết toàn dân tộc và cô lập những phần tử xấu lợi dụng dịch bệnh để mưu lợi riêng, đục khoét, ăn cắp công quỹ. Một cái gì còn cao hơn cả tòa án pháp quyền đã được dựng lên, ngăn ngừa những kẻ xấu, và biểu dương kịp thời những người tốt, những hành động đẹp. Đây chính là sức bật nội tại sẽ giúp Việt Nam phục hồi kinh tế, nhưng quan trọng hơn, phục hồi những giá trị cốt lõi của đạo đức và nhân phẩm được truyền giữ từ hàng nghìn năm nay đang đứng trước những nguy cơ hủy hoại.
Những ngày này, TP.HCM, Hà Nội cùng một số địa phương khác đã đi đầu đưa tiền hỗ trợ của Chính phủ về tận tay người nghèo, người cần trợ giúp. Các địa phương khác cần nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ lớn lao này. Và kiên quyết không để thất thoát những đồng tiền nhân ái từ ngân sách, không cho bất cứ hành vi trục lợi nào có đất thực hiện những mục đích xấu xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.